Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết, đến nay, Bình Dương có trên 97% doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại. Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn. Hầu hết người lao động làm việc tại các công ty đều đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 và đang được tiêm phủ mũi 2.
Ông Hồ Song Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, cho hay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng dự kiến năm 2021, công ty đạt doanh thu 14.000 tỷ đồng, cao hơn mức 12.500 tỷ đồng năm 2020.
“Công ty có gần 100% người lao động trở lại làm việc. Công tác phòng dịch được kiểm soát chặt chẽ, sản xuất của các nhà máy tương đối ổn định, sản lượng đạt 65.000 - 68.000 tấn/năm, công suất đạt 100%. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Chúng tôi tin rằng, sớm khôi phục kinh tế trên đà phát triển”, đại diện Tôn Đông Á chia sẻ.
Trong khi đó, ông Sang Jun Lee, Tổng Giám đốc Công ty Tubo Vina, cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu trong quý 3 của công ty giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý 4, khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, công ty nhận được nhiều đơn hàng lớn. Do đó, Tubo Vina xác định mục tiêu phải tăng tốc sản xuất và tự tin giữ mức tăng trưởng.
Tìm đối tác mới
Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp đã tìm được các đối tác liên kết để cung ứng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương, bảo đảm được đơn hàng, giảm chi phí vận chuyển xuất khẩu. “Doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm trực tiếp cho nhiều đối tác trên thế giới, song không nhiều công ty có đối tác nội địa. Do đó, ngành chức năng cần tiến hành đẩy mạnh việc hợp tác, ký kết thỏa thuận, xúc tiến cung- cầu cho các doanh nghiệp trong nước với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn FDI đã, đang có mặt tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung”, ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết, việc khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp trong việc giành được các đơn hàng lớn, giữ được bạn hàng cho những năm tiếp theo. Bình Dương đưa vào hoạt động 31 trạm y tế lưu động trong cụm, khu công nghiệp và đang thực hiện kế hoạch xây dựng phòng khám đa khoa gần với doanh nghiệp để người lao động tiếp cận y tế nhanh nhất.
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Da giày, túi xách tỉnh Bình Dương cho rằng, để tránh nhà máy phải ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã chủ động tìm đối tác nội địa để đảm bảo nguồn cung.
Ông Zheng Xia, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Phiên, cho biết, công ty đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt. Thực hiện kế hoạch đã chuẩn bị từ trước, sau giãn cách, công ty mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác nhằm mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực may mặc. Công ty đã tìm được đối tác đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu bền vững.