Microsoft ra đời

Bill Gates: Người bỏ học lừng danh

Bill Gates: Người bỏ học lừng danh
Đầu thập niên 70, một sinh viên gầy ốm, học hành không mấy xuất sắc đã tuyên bố với các giáo sư Harvard: anh sẽ trở thành triệu phú năm 30 tuổi. Năm 31 tuổi, người sinh viên ấy trở thành... tỉ phú.

Cả đời Bill Gates đấu tranh cho sự độc lập, cho việc khẳng định “cái tôi” của mình. Nạn nhân đầu tiên sự tự khẳng định này là cha mẹ ông. Mẹ của Gates, bà Mary, là một giáo viên phổ thông nghiêm khắc. Có lần, bà phạt con trai phải xuống tầng hầm vì tội không chịu dọn phòng. Tới giờ cơm, gọi mãi vẫn không thấy con lên, bà phải xuống nước:

- Tại sao con không trả lời? Con làm gì dưới đó?

- Con suy nghĩ.

- Còn suy nghĩ nữa đấy? - Bà mẹ giận sôi lên.

- Đúng. Con suy nghĩ. Vậy mẹ chẳng bao giờ phải suy nghĩ à?

Khi đó Gates đang học lớp sáu.

Lo âu về cuộc nổi loạn của cậu con, cha mẹ Gates đưa con tới chuyên gia tâm lý. Sau vài buổi làm việc, nhà tâm lý tuyên bố: “Ông bà sẽ thua trong trận chiến với cậu ta thôi. Vì thế tôi khuyên hai người phải thích nghi với cậu bé. Thậm chí đánh đập cũng chẳng ích gì. Đấu nhau với cậu ta là vô vọng, chẳng ích gì đâu.” Cha mẹ Gates nghe theo lời khuyên.

“Đấu với cậu ta là vô vọng, chẳng ích gì.” Năm tháng trôi qua, nhiều nhà khổng lồ Mỹ bằng kinh nghiệm riêng của mình đã hiểu thế nào là đấu nhau với Gates. Trong vòng hai thập niên, William Henry Gates III đã bỏ lại phía sau nhiều kẻ cạnh tranh.

“Sếp sẽ là tôi”

Cha của Gates là một cựu luật sư, đang điều hành công việc từ thiện của con trai, có lần kể lại: “Còn là một đứa bé, Bill đã tự lắc chiếc nôi của mình”.

Từ chiếc nôi tự lắc đó, Bill đã bò ra, bé tí và ốm yếu, nhưng tinh thần kiên cường. Cha mẹ Bill quyết định cho cậu vào học ở một truờng tư địa phương (Gates sinh ngày 28/10/1955 ở Seattle, Washington). Có lúc cậu mê mệt nghệ thuật biểu diễn, từng đóng vai chính trong vở “Hài kịch đen” của nhà hài kịch Scheffer. Thế nhưng cuối cùng, máy tính đã thắng nàng thơ.

Chính ở  trường phổ thông Bill Gates 13 tuổi cùng người bạn Paul Allen lần đầu tiên đã chế ra một thiết bị đầu cuối (terminal) thô sơ của máy tính. Sau đó họ viết hai chương trình, Chương trình thứ nhất biến thành một hệ thống toán học, còn nội dung chương trình thứ hai người ta không dám tiết lộ, nhưng có người giải thích: đọc xong tiểu sử Napoleon, Gates đã viết một trò chơi điện tử có tên “Rủi ro”, mục tiêu là thống lĩnh thế giới.

Thuở nhỏ, Gates học chẳng giỏi giang gì (cũng là một hình thức nổi loạn). Thế rồi bất ngờ cậu tốt nghiệp lớp 9 với toàn điểm A mà chẳng hề dòm ngó gì trong sách, đàng hoàng bước vào top 10 học sinh giỏi nhất Mỹ trong kỳ thi năng khiếu. Lớp 10, Bill đã không học, mà dạy vi tính. Khi đó, cậu đã viết chương trình giúp lên kế hoạch hiệu quả hơn cho thời biểu học của lớp. Nhưng chương trình này còn có một mục tiêu bí mật: giúp Gates ghi danh vào các lớp có các nữ sinh đoan trang!

Những năm đó, Bill Gates có người bạn thân là Kent Evans, con trai một mục sư. Bill Gates hồi tưởng: “Lúc đó, chúng tôi cùng đọc Fortune và mơ tới việc làm chủ thế giới. Tới tận giờ, tôi vẫn còn nhớ số điện thoại cậu ấy”. Bill, Kent và Evans cùng nhau thành lập công ty Lakeside Programme Groups và bắt đầu phục vụ cho các hãng xưởng địa phương.

Chính lúc đó, ngay trên ghế nhà trường, Allen đã mưu toan khuất phục Gates và nắm hết mọi việc. Nhưng rất nhanh sau đó Allen hiểu trong việc lập ra mã chương trình cậu hết sức cần con người tài năng và không biết mệt Bill Gates. Paul mời Gates hợp tác. “Được thôi”, Gates đáp, “Nhưng với một điều kiện: sếp sẽ là tôi”.

Microsoft ra đời

Trong suốt chặng đường đời sau đó, nếu Gates phải đi tới một nhượng bộ nào đó thì điều kiện tiên quyết của ông luôn là “sếp sẽ là tôi”.

Để thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng, Evans thường đi leo núi. Một trong những kỳ leo núi của Evans đã kết thúc bằng một tai nạn. Evans qua đời. Đó là bi kịch đầu tiên trong đời Gates. Cho đến trước đó, Gates chưa từng nghĩ về cái chết. Hai tuần liền Bill như trong một làn sương, không thể làm gì.

Cái chết của Evans làm Gates xích gần Allen hơn. Allen thuyết phục bạn trở thành, như sau này người ta nói, “kẻ bỏ học nổi tiếng nhất Harvard”. Thay cho chiếc bằng tốt nghiệp Harvard là sự ra đời của công ty Microsoft, lúc đầu được viết là Micro-Soft (còn có một phương án nữa là Allen and Gates Inc.). Công ty mới có nhiệm vụ cung ứng phần mềm cho các máy tính khi đó mới ra đời, đang rất “mốt”.

Huyền thoại Microsoft được dệt nên như sau: tháng 12/1974, Allen đi tới Harvard để gặp Gates. Trên đường đi, Allen ghé qua quầy báo mua một vài tạp chí. Và điều Allen tìm thấy ở một trong những tờ tạp chí đó đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời của ông và bạn. Trên bìa của tờ “Điện tử phổ thông” là ảnh chiếc máy tính Altair-8080, với hàng chữ to: “Chiếc máy vi tính đầu tiên trên thế giới có khả năng cạnh tranh với các mô hình thương mại”.

Cầm quyển tạp chí, Allen lao vào ký túc xá của Gates. Cả hai nhận ngay ra những chân trời nào đang bừng sáng. Họ hiểu rồi đây sẽ bùng nổ thị trường máy vi tính cá nhân, với hàng triệu con người đang cần phần mềm ứng dụng.

Vài ngày sau Gates liên lạc với nhà sản xuất Altair - công ty MITS và thông báo đã cùng với Allen lập ra phiên bản ngôn ngữ chương trình Basic có thể dùng cho Altair. Gates nói láo.  Bởi tới lúc đó đôi bạn chưa viết được một mã số nào. Không những thế, họ còn không có trong tay chiếc Altair nào, dù chỉ là một con chip. MITS, hiển nhiên không biết điều đó, phúc đáp rằng họ quan tâm tới kế hoạch của hai người. Thế là đôi bạn chạy nước rút với Basic.

Gates lo phần mã số, còn Allen lo kích hoạt Altair trên một chiếc máy tính học đường PDP - 10. Nửa tháng sau chương trình hoàn tất. Allen mang tới MITS. Đó mới là lần đầu tiên cậu chạm tay vào máy vi tính Altair. Điều kỳ diệu đã xảy ra - chương trình làm việc! Hợp đồng được ký. “Xuất hiện thị trường cung ứng phần mềm”, Gates vui sướng reo lên. Cùng với đó, Microsoft ra đời.

Khi còn ở Harvard, Gates chơi thân với Steve Ballmer, người sau này trở thành bộ óc của Gates. Khi Gates quyết định tập trung vào việc sáng tạo, ông giao cho Ballmer công việc điều hành Microsoft với chức chủ tịch công ty và giám đốc về công nghệ thông tin (CIO). Gates rủ Ballmer bỏ Procter &Gamble vào năm 1980, khi Microsoft phát triển nhanh tới độ cần một nhà quản lý “không phải dân kỹ thuật”.

Nhưng hai người thường xuyên cự nhau. Gates luôn cho rằng xung đột có ích cho công việc, trong khi sự “lịch sự quý ông” sẽ chỉ cuốn bản chất vấn đề đi. Vì thế, họ cho phép các nhân viên của mình cãi nhau về các quyết định của họ. Microsoft gọi đó là “tâm thế của trường phái toán học”.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG