Theo tin của Reuters, cảnh sát đã bắt giữ một số người biểu tình để thẩm vấn. Sau những cuộc đụng độ ngắn ngủi, các nhân viên an ninh thành phố đã áp giải ba người biểu tình đến một xe bán tải của cảnh sát gần đó, theo truyền thông địa phương và các nhân chứng thực hiện livestream tại chỗ.
“Chúng tôi phản đối sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Campuchia”, một người biểu tình hét lên, vẫy cờ Campuchia, khi một sĩ quan cảnh sát với giọng nói lớn ra lệnh cho nhóm này giải tán trong vòng 5 phút.
Chính phủ Campuchia đã nhiều lần bác bỏ các thông tin cho rằng Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận bí mật cho phép nước này bố trí lực lượng quân sự tại căn cứ hải quân Ream, nói rằng việc tiếp nhận các lực lượng nước ngoài sẽ trái với hiến pháp của Campuchia.
Người phát ngôn cảnh sát Phnom Penh, San Sok Seyha, nói những người bị giam giữ đã được đưa về để thẩm vấn vì cuộc biểu tình chưa được cấp phép.
Ông nói: “Chúng tôi cần bảo vệ đại sứ quán và giữ trật tự công cộng cho tất cả mọi người”.
Trước đó, các nhân viên cảnh sát có mặt tại hiện trường đã yêu cầu một số nhà báo xóa hình ảnh và video về cuộc đấu khẩu, theo các nhân chứng của Reuters.
Cuộc biểu tình hôm thứ Sáu là một phần của cuộc mít tinh rộng lớn hơn do đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập đã bị giải thể tổ chức để kỷ niệm 29 năm Hiệp định Hòa bình Paris chấm dứt cuộc nội chiến ở Campuchia, theo lời Mu Sochua, cựu phó chủ tịch của CNRP.
Campuchia trong những năm gần đây bị cáo buộc tạo ảnh hưởng cho Bắc Kinh để đổi lấy hỗ trợ kinh tế. Campuchia khẳng định chính sách an ninh và đối ngoại của mình là độc lập.
CNRP đã bị giải thể theo yêu cầu của chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Đảng này bị chính phủ cáo buộc âm mưu lên nắm quyền với sự giúp đỡ của Washington. CNRP và đại sứ quán Mỹ tại Campuchia đã bác bỏ cáo buộc. Đại sứ quán Trung Quốc đã không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
Hồi đầu tháng, Mỹ tuyên bố họ thất vọng về việc Campuchia phá bỏ một tòa nhà do Mỹ tài trợ được sử dụng cho chương trình an ninh hàng hải. Washington cũng bày tỏ lo ngại rằng các hành động của Campuchia có thể liên quan đến việc chuyển đổi cơ sở để tạo điều kiện cho hải quân Trung Quốc sử dụng căn cứ.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng trong khi các cơ sở của cảng mới do Trung Quốc tài trợ xây dựng, bến cảng sẽ mở cửa cho tất cả các nước. “Nếu một tàu hải quân nước ngoài ghé thăm cảng thì tàu từ các nước khác cũng có thể làm điều tương tự”, The Diplomat dẫn lời ông Hun Sen. “Chúng tôi hoan nghênh các tàu từ bất kỳ quốc gia nào, không chỉ riêng tàu Trung Quốc cập cảng, tiếp nhiên liệu hoặc tổ chức các cuộc tập trận chung với Campuchia”.