Trong biển người màu đen, nhiều người mang theo hoa cẩm chướng, còn một số người khác mang khẩu hiệu “Đừng bắn, chúng tôi là người Hong Kong”, nhằm tránh lặp lại tình trạng bạo lực khiến trung tâm tài chính này rung chuyển hôm 12/6 khi cảnh sát bắn đạn cao su và hơi cay vào người biểu tình.
Trong cuộc tập hợp hôm qua không chỉ có sinh viên và người trẻ mà cả những gia đình trẻ và người già cũng có mặt để tạo thành một biển người màu đen phủ kín các tuyến đường, lối đi bộ và nhà ga để thể hiện sự giận dữ đối với bà Lam. Những tiếng hò reo vang lên khi các nhà hoạt động hô khẩu hiệu đòi bà Lam từ chức, và tiếng “từ chức” được vọng khắp các tuyến phố.
Hôm thứ Bảy vừa qua, bà Lam thông báo hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ bị người dân phản đối. Bà Lam nói rằng bà “rất buồn và lấy làm tiếc”, nhưng không xin lỗi.
Làn sóng biểu tình lần này là một trong những bước ngoặt chính trị đáng kể nhất mà chính quyền Hong Kong phải đối mặt kể từ khi được trao trả về Trung Quốc năm 1997, và đặt ra câu hỏi về khả năng bà Lam có thể tiếp tục lãnh đạo thành phố hay không.
“Bà Carrie Lam hôm qua không xin lỗi. Điều đó không chấp nhận được. Bà ấy là nhà lãnh đạo tồi tệ và toàn nói dối…Tôi nghĩ bà ấy sẽ chỉ trì hoãn dự luật để chúng tôi nguôi giận”, Reuters dẫn lời Catherine Cheung, một người biểu tình 16 tuổi, nói hôm qua.
“Đó là lý do chúng tôi vẫn yêu cầu vứt bỏ dự luật hoàn toàn. Chúng tôi không còn tin tưởng bà ấy nữa. Bà ấy phải từ chức”, Cindy Yip, bạn học của Catherine Cheung, nói thêm.
Những người chỉ trích cho rằng dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ đe dọa pháp quyền của Hong Kong cũng như danh tiếng một trung tâm tài chính quốc tế của thành phố. Một số tài phiệt Hong Kong đã bắt đầu chuyển tài sản ra nước ngoài.
Nhân dân Nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc viết trong một bài bình luận đăng hôm qua rằng chính quyền trung ương “ủng hộ mạnh mẽ” bà Lam.
Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hong Kong hôm qua kêu gọi người dân chớ biến mình thành quân cờ của các thế lực nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và rằng các cường quốc bên ngoài đã đưa ra hơn 60 tuyên bố để bồi thêm căng thẳng vì dự luật dẫn độ lần này, báo SCMP đưa tin.
Hôm qua, hơn 200 đại biểu Hong Kong trong Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc đã gặp các quan chức của văn phòng liên lạc. Và những người này đã nhận được đề nghị giúp đỡ chính quyền Hong Kong để xua đi trận bão lần này.
“Các quan chức của văn phòng liên lạc công nhận nỗ lực của chính quyền Hong Kong nhằm thông qua luật dẫn độ để khắc phục lỗ hổng. Nhưng thật xấu hổ khi nhiều thế lực nước ngoài liên tục can thiệp và bôi nhọ dự luật”, SCMP dẫn lời ông Tam Yiu-chung, đại diện duy nhất của Hong Kong trong Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc.