Thanh tra tại 5 xã
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, thông tin trong tuyến bài “Loạn xây dựng biệt phủ, nhà xưởng ở Sóc Sơn: Biệt thự, nhà xưởng nhảy dù xuống ruộng” (Tiền Phong ngày 20/11) hoàn toàn chính xác. Ngay sau khi báo phản ánh, phía UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo, lập đoàn thanh tra đến 5 xã (Phú Minh, Phù Lỗ, Đông Xuân, Kim Lũ và Xuân Thu).
Về nguyên nhân để xảy ra hàng loạt sai phạm trên địa bàn, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho hay: “Lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng rất khó và nhạy cảm, vì qua nhiều thời kỳ, qua nhiều giai đoạn công tác quản lý chưa được chặt chẽ, hồ sơ quản lý ở một số xã chưa được hoàn thiện. Ngoài ra một số vi phạm diễn ra từ các thời kỳ trước, các khoá trước, nhưng việc xử lý chưa triệt để, chưa dứt điểm”.
Theo ông Giang, việc xử lý có thể sẽ cưỡng chế, nhưng cũng có trường hợp phải xem xét công nhận, vì luật năm 2013 cho rằng: Trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp trước 1/7/2014 sau 15/10/1993 phù hợp quy hoạch, không có tranh chấp thì xem xét để công nhận. Với những công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch chắc chắn phải cưỡng chế, nhưng có những trường hợp chưa tiến hành cưỡng chế thì quản lý, để không phát sinh ra vi phạm mới.
Về 6 doanh nghiệp sai phạm tại cánh đồng Tín, xã Phù Lỗ, ông Nguyễn Trường Giang cho hay, có một doanh nghiệp đang được Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội thanh tra, một doanh nghiệp có hồ sơ thuê đất ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Bốn doanh nghiệp còn lại đang được huyện Sóc Sơn chỉ đạo đến hết 31/12/2018 phải hoàn thiện các hồ sơ để được thuê đất của TP Hà Nội. Trường hợp không được thuê đất sẽ lập hồ sơ để xử lý.
Ông Giang phủ nhận việc điều chỉnh quy hoạch là để hợp thức hoá sai phạm. “Điều chỉnh quy hoạch là dựa trên hiện trạng của một vùng. Quá trình phát triển xã hội thì phải điều chỉnh cho phù hợp chứ không phải để hợp thức hóa” - ông Giang nói.
Ðổ lỗi do cơ chế?
Nói về trách nhiệm để xảy ra các sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng nêu trên, ông Giang và ông Tuấn cho rằng, do thời gian qua có nhiều sự thay đổi về mô hình đội Thanh tra Sở Xây dựng, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Ngoài ra, hai ông cho rằng, có nguyên nhân từ tốc độ đô thị hoá tại địa phương đang diễn ra nhanh, nhu cầu của người dân lớn nhưng quy hoạch chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan, khó ngăn chặn. Tuy nhiên, hai ông phủ nhận chính quyền “bất lực” trong việc xử lý và đưa ra nhiều khó khăn trong công tác giải quyết vì phải thực hiện nhiều quy trình, luật theo cấp quản lý.
Ông Đỗ Minh Tuấn cho hay, nhiều cán bộ địa chính, phó chủ tịch hay chủ tịch tại các xã để tình trạng xây dựng công trình trái phép ở Sóc Sơn đều đã bị xử lý kỷ luật. “Trong quá trình thanh tra sắp tới, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ làm rõ trách nhiệm và tiếp tục kỷ luật ở mức độ nặng hơn. Đặc biệt, nếu phát hiện ra sai phạm từ các thời kỳ trước, dù cán bộ đó đã nghỉ hưu thì vẫn phải bị xử lý. Tất cả đều phải thực hiện quan điểm, sai đến đâu xử lý đến đó, không thể nói về hưu là hết trách nhiệm” - ông Tuấn hứa.
Về đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ vi phạm về quản lý đất đai tại 2 xã Minh Trí, Minh Phú huyện Sóc Sơn, ông Đào Văn Sửa, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng Sóc Sơn cho hay: Với 27 công trình sai phạm đã được xác định, có 7 công trình đang tự chủ động tháo dỡ; công trình hoàn thành tháo dỡ cao nhất đạt 65%, thấp nhất 12%.