Biệt phủ

TP - Chín năm trước, khi tòa dinh thự của gia đình ông Trần Văn Truyền - người vừa rời ghế Tổng thanh tra Chính phủ, mọc lên ở ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) đã gây sốc dư luận.

Đến tận nơi, tôi không chỉ sốc bởi sự đồ sộ của công trình, mà còn bởi sự tương phản giữa tòa dinh thự với những căn nhà xập xệ, ọp ẹp cùng những mảnh đời lam lũ, khốn cùng của người dân xung quanh. Phóng sự “Những mảnh đời lam lũ bên dinh thự nguy nga” ra đời từ đó, đăng trên báo Tiền Phong, ngày 29/11/2014.

Trong số những nhân vật tôi gặp gỡ và hỏi chuyện, có hai người phụ nữ chuyên trồng rau, cách tòa dinh thự gia đình ông Truyền ít bước chân. Đó là chị Nguyễn Thị Hồng Châu và Nguyễn Thị Hai. Từ nhiều năm qua, họ thuê 2 công đất để trồng rau thơm, ngày ngày chăm bón, thu hoạch và đem bán cho các tiệm ăn. Làm quần quật từ sáng sớm đến tối nhưng thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày và gia đình họ vẫn phải sống trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ.

Thế nhưng, thời gian qua, đâu đó vẫn có không ít người là quan chức xây dựng dinh thự, biệt phủ và nói rằng nhờ bản thân, gia đình làm ruộng vườn, nuôi heo gà, thậm chí buôn bán chổi đót. Họ cũng nói rằng mình lao động cật lực, đến “thối cả móng tay” mới có được thành quả như vậy, mặc dù cả cuộc đời họ chỉ quanh quẩn “đút chân gầm bàn”. Mới đây nhất, lâu đài xây dựng trong khuôn viên 1.700 mét vuông của một gia đình vị tướng mọc lên giữa quê nghèo Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng hơn khi được giải thích, tiền xây dựng lâu đài do người mẹ già tuổi 80 bán rau gom góp.

Bất kể công việc, nghề nghiệp chân chính nào, dù cày sâu cuốc bẫm hay buôn thúng bán mẹt cũng có thể phất lên nếu hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Song thực tế, hàng triệu người trên đất nước này quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng vườn hay tất bật bán mua, nhưng trầy trật mãi cũng chỉ đủ lo cho cuộc mưu sinh. May mắn có chút của ăn của để, ngược lại sẽ trắng tay, nhất là khi gặp thiên tai, bất trắc. Vì vậy, với gần như tuyệt đại đa số người dân, bán rau, nuôi heo hay buôn chổi đót… mà tạo dựng được cơ ngơi đồ sộ là điều không thể hình dung nổi. Cũng vì vậy, cách giải thích của các công bộc là chủ nhân của các dinh thự, biệt phủ trở nên khôi hài, kệch cỡm.

Vậy thì, nguồn gốc thực sự những tài sản khủng kể trên của các quan chức hoặc người nhà đến từ đâu? Hệ thống chính trị hiện có rất nhiều tầng nấc, cơ quan giám sát song vẫn không phát hiện được hết, hoặc không trả lời được trước hiện tượng những công bộc giàu lên bất thường. Quy định kê khai tài sản của quan chức được áp dụng từ bao lâu nay trong những trường hợp cụ thể có phát huy tác dụng?

Đã đến lúc cần phải có cơ chế, giải pháp đủ mạnh và triệt để nhằm làm cho các khối tài sản phải “mở mồm”. Lúc đó, chủ nhân thực sự của những tòa dinh thự, biệt phủ sẽ bước ra ánh sáng, ít nhất là để minh oan cho bà bán rau hay những người nuôi heo, buôn chổi đót.