> Chủ đầu tư đổ lỗi cho hệ thống
> Kinh hoàng những khu đô thị không xử lý nước thải
Quen ăn bớt
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, cả Hà Nội mở rộng có hàng trăm khu đô thị mới được mọc lên. Theo đó, về nguyên tắc mỗi nơi phải có khu nhà máy xử lý nước thải.
Trong thiết kế quy hoạch phải có, cơ quan chức năng mới duyệt. Lý giải về việc chủ đầu tư bất chấp quy định bỏ qua hạng mục quan trọng này, ông Chính cho biết, làm nhà máy phải tốn một diện tích ngầm không nhỏ (dù bề nổi, phần nhà che nhỏ -PV) trong khu đô thị.
“Thực tế, chủ đầu tư ăn bớt cả phần diện tích cây xanh, mặt nước, trường học trong khu đô thị để làm nhà ở thì việc cắt bỏ mảnh đất làm khu xử lý nước thải là chuyện dễ hiểu và khó phát hiện. Diện tích và kinh phí làm nhà máy nước thải, chủ đầu tư có thể xây 3 tòa chung cư cao cấp”, ông Chính nói.
Còn ông Trần Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, các đô thị mới bao quanh khu đô thị lõi Hà Nội. Thành phố có trách nhiệm xây nhà máy xử lý nước thải giáp ranh giữa khu đô thị lõi và khu đô thị mới để giảm tải xử lý nước thải trong nội đô.
Tuy nhiên, hiện khu xử lý nước thải này chưa có nên toàn bộ việc xử lý nước thải khu đô thị mới do chính khu đô thị tự chịu trách nhiệm.
“Việc xây dựng nhà máy xỷ lý nước thải phụ thuộc vào công suất của nhà máy. Nếu khối lượng xử lý 5.000m3/ngày đêm cần 0,3 - 0,5 ha, còn 10.000m3/ ngày đêm 0,7 ha.
Khu đô thị mới làm 2 loại nhà máy: Thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt. Các dự án khi lập quy hoạch bắt buộc phải có 2 hệ thống này. Không có sẽ không được duyệt. Phải xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ mới được kinh doanh đất”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, chủ đầu tư hoàn toàn có thể làm nhà máy xử lý nước thải, bởi kinh phí có thể cộng vào giá đất bán cho người dân. Sau khi nhà máy đưa vào vận hành, chủ đầu tư được phép thu phí xử lý nước thải như thu phí dịch vụ trong các tòa nhà.
Đùn đẩy trách nhiệm
Ngày 15/5, PV Tiền Phong liên lạc với Sở Xây dựng Hà Nội về trách nhiệm liên quan, thì giám đốc sở và một số phó giám đốc cáo bận. Thậm chí, có vị còn đưa đẩy câu chuyện sang Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Trong khi đó, cả quá trình xây dựng khu đô thị đều có sự giám sát của sở này. Nguyên Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ (từng phụ trách mảng cấp phép xây dựng) cho biết, việc không có khu xử lý nước thải là lỗi của các chủ đầu tư vì lợi nhuận “ăn xổi ở thì”, chưa hoàn thành hạ tầng đã bán nhà.
“Bên cạnh đó cũng do hệ thống quản lý của mình ít quan tâm”, ông Thọ nói. Vậy hồi còn đương chức (ông Thọ mới về hưu), ông có xử lý vụ việc này lần nào? “Quy định thì như thế, nhưng chưa xử lý.
“Cái này cũng khó, vì nếu phạt thì phải phạt cả làng. UBND TP Hà Nội cũng đã từng cảnh báo việc xả thải”
Nguyên Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội nói
Cũng không kiểm tra việc này”, ông Thọ nói. Cũng theo ông Thọ, khi có dư luận mới tiến hành kiểm tra. Khu đô thị chưa có cơ quan chức năng nào quan tâm kiểm tra. Khi được hỏi, vậy phải có hướng xử lý, chả lẽ để nước thải bao vây Hà Nội; nguyên Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội nói: “Cái này cũng khó, vì nếu phạt thì phải phạt cả làng. UBND TP Hà Nội cũng đã từng cảnh báo việc xả thải. Trước khi khởi công công trình, yêu cầu các nhà chung cư bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi xả ra hệ thống xử lý chung”.
“Nếu trong khu đô thị không còn diện tích để làm nhà máy xử lý nước thải, chủ đầu tư nên làm ngầm dưới khu đô thị. Làm nhà máy ngầm tốn kém gấp 2 lần trên mặt đất, nhưng chủ đầu tư trước sau gì cũng phải làm để trả lại môi trường sống trong sạch cho người dân”, Phó Cục trưởng Hạ tầng Kỹ thuật Trần Anh Tuấn nói.
“Việc khắc phục tình trạng ô nhiễm và xây nhà máy xử lý nước thải hoàn toàn có thể làm được. Đừng để khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì có, nhưng khi họ đi, nhà máy đóng cửa, nước thải vẫn chảy thẳng ra sông, hồ”, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nói.