Về khoản đông bạn bè, Trung Trung Đỉnh đã quá nổi tiếng. Trong chân dung “Trung Trung Đỉnh- Người tốt trại Vân Hồ”, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết: “… Cho đến hôm hắn làm đám cưới thì mình bái phục (hắn cưới vợ khi đang học trong trường). Đám cưới thời đói kém của hai anh chị học trò, chỉ có bánh kẹo (toàn những thứ tầm tầm) và nước trà mà khách dư chật cả hội trường.
Các nhà văn đã đành, vì hắn là học viên trường viết văn Nguyễn Du mà, nhưng nhiều tên tuổi đầu ngành khác của đất nước cũng thấy xuất hiện. Ca sỹ Thanh Hoa cũng đến, hát góp vui miễn phí bài “Tàu anh qua núi”…”. Thế đấy. Nên nếu chuyến ra mắt sách lần này có đông bạn bè cũng là lẽ thường.
Một số nhân vật rất thân thiết được ông điểm tên: Vợ chồng Sơn- Ánh (nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn và diễn viên Hồng Ánh) sẽ bay từ Nam ra. Rồi Nguyễn Trung Dân của NXB Hội Nhà Văn cũng từ Nam ra, nhà văn Thái Bá Lợi ở Đà Nẵng thì đau chân không ra được…Đương nhiên, không thể thiếu nhà văn Ngô Thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…
Đặc biệt, mở màn sẽ có vài lời của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông không ngại chia sẻ: Chính ông chủ động mời nhà thơ Hữu Thỉnh tới buổi ra mắt và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã vui vẻ nhận lời. Được biết, nhà thơ Hữu Thỉnh là một nhân vật trong tập chân dung ra mắt lần này của ông.
Mặc dù “phần hài nhất” bị cắt nhưng “bài vẫn ấn tượng”, Trung Trung Đỉnh khoe thế. (Riêng về nhà thơ Hữu Thỉnh phải nói thêm, mặc dù trước đây có những bất đồng quan điểm trong công việc nhưng chưa một lần nào Trung Trung Đỉnh tỏ ý chê chuyên môn (thơ phú) của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Thậm chí còn đánh giá hơi quá: Thơ Hữu Thỉnh, nhắm mắt mở bất kỳ trang nào, đọc cũng thấy hay!).
Khi còn ngồi ghế giám đốc NXB Hội Nhà văn, Trung Trung Đỉnh đưa ra sáng kiến tổ chức ra mắt sách cho những tác giả trong và ngoài giới. Không biết bao nhiêu tác giả có tên lẫn không tên đã được giới thiệu long trọng ở đây. Nhưng chưa lần nào thấy Trung Trung Đỉnh tổ chức ra mắt sách cho chính mình. Chỉ đến khi nghỉ hưu, ông mới có cuộc ra mắt sách lần đầu tiên trong quãng đời mấy chục năm cầm bút.
Trong 7 cuốn sách của Trung Trung Đỉnh được NXB Trẻ giới thiệu lần này, hầu hết là những cuốn đã cũ: Tiễn biệt những ngày buồn; Ngược chiều cái chết; Lính trận; Lời chào quá khứ; Lạc rừng… (Theo lời Trung Trung Đỉnh, đáng ra sẽ có 9 cuốn ra mắt, hai cuốn rất được lòng độc giả là “Ngõ lỗ thủng”; “Sống khó hơn là chết” không thể góp mặt vì bản quyền đang thuộc một đơn vị kinh doanh sách khác).
Trong 7 cuốn sắp ra mắt, đáng chú ý nhất là cuốn “Nhà văn thì phải biết đùa”, “kể về cái sự các nhà văn chúng tôi làm việc và sống với nhau thế nào, nhất là thời hậu chiến đất nước có nhiều gập ghềnh trắc trở cả về vật chất lẫn tinh thần” (trích lời tựa sách, do Trung Trung Đỉnh viết). Tại sao “Nhà văn thì phải biết đùa”? Bởi tác giả muốn gửi “chút mong mỏi các bạn đồng nghiệp bơn bớt cái tính nghiêm trọng mà gia tăng chất khôi hài hóm hỉnh. Cuộc đời có lúc làm có lúc giải trí vui chơi, tôi thấy ai hay nghiêm trọng cái gì thì đều khổ về nó”, ông viết.
Tuy vậy, phải cảnh báo độc giả rằng, cái sự đùa của Trung Trung Đỉnh khá sâu cay, chưa chắc đã làm độc giả lẫn nhân vật được ông viết chân dung hài lòng. Có những bài chân dung đã được đăng báo, (đăng khá nhiều trên Tiền Phong Chủ nhật) nhưng cũng có những bài chưa từng xuất hiện, dù Trung Trung Đỉnh luôn ý thức “canh tác” báo chí trước khi tập hợp in thành sách. Lí do vì những bài chân dung ấy quá dài, không báo nào đủ “đất” chứa.
Xin cung cấp một đoạn vui vui trong “Nhà văn thì phải biết đùa”: “Luôn luôn có ý thức về sự nổi tiếng của mình, nhưng Trần Đăng Khoa quyết không phải hạng người lập dị về phương diện trang phục. Trang phục đối với anh chỉ là một thứ vải tiện thể khoác lên người, che lấp đi cái phần cần che lấp. Ấy thế mà trong tủ áo của anh (tất nhiên là hồi chưa vợ) tôi thấy có đến ba bộ comple, loại may đo đắt tiền hẳn hoi, của đáng tội, thỉnh thoảng Trần Đăng Khoa cũng có diện cái món này, nhưng nhìn anh trong cái món ấy nó mới khôi hài làm sao: Một củ khoai tây đóng vai con ốc bươu chính hiệu!”.
Tranh:Nguyễn Văn Hổ.
Nhưng Trung Trung Đỉnh có hơn gì Trần Đăng Khoa, xét về khoản “nhan sắc” ? Trần Đăng Khoa hoặc nhà văn, nhà thơ nào đó mà vẽ chân dung Trung Trung Đỉnh thì cũng gây cười tương tự. Vì đây là chuyện các nhà văn tự họa nhau, chứ kiểu tự họa này trong mắt giới trẻ ngày nay đã phạm vào vấn đề khá nặng nề “body- shaming” (miệt thị ngoại hình). Viết chân dung bạn văn, chưa chắc được cảm ơn, có khi còn khiến người ta nổi giận, phải chăng là cái sự dại của Trung Trung Đỉnh? Cho nên, nhiều người nói Trung Trung Đỉnh lắm bạn, còn tôi nghi ngờ… Giống như câu hát trong “Bài không tên số 4” của Vũ Thành An: “Triệu người quen có mấy người thân…”.
Đông bạn thực sự hay không, đừng kiểm tra qua những cuộc vui, hãy chờ đến khi gặp nạn. Nhớ dạo mới biết tin ông thay thận, tôi hỏi một vài người quen ông, “đã đến thăm Trung Trung Đỉnh chưa?” và nhận được trả lời tương đối giống nhau, “đã nghe tin nhưng chưa kịp đến”. Nhưng hình như càng vắng người đến thăm, Trung Trung Đỉnh càng mừng, bởi ông không muốn phiền đến người khác. Suốt nhiều năm chống chọi với căn bệnh suy thận, ông giấu không để đồng nghiệp biết.
Có một lần, tôi cùng con gái đến bệnh viện Việt- Đức gửi nhuận bút cho ông, lúc đó bệnh tình của ông cũng đã diễn biến phức tạp, vẫn thấy Trung Trung Đỉnh lạc quan như thường, trên giường bệnh để một vài cuốn sách. Ông nhắc: “Đừng có nói cho ai biết, anh nằm ở đây”. Vài tháng trước, có dịp ngồi uống cà phê với ông, nói qua loa vài câu chuyện, ông xin ra về, vì còn phải đến bệnh viện kiểm tra tình hình sức khỏe. Vẫn biết “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật muôn đời nhưng nhìn dáng vẻ nhỏ bé của ông trên chiếc xe đạp điện giữa dòng người đông đúc, lòng tôi không khỏi buồn thương.
Trở lại cuộc ra mắt sách lần đầu trong đời viết của Trung Trung Đỉnh, tôi hỏi vui: “Chắc sau lễ ra mắt long trọng sẽ có cuộc nhậu chứ?”. Ông đáp: “Đương nhiên rồi. Anh sẽ mời mọi người”. Tôi lại tò mò: “Thế anh được bao nhiêu nhuận bút?”. Ông trả lời: “Chửa biết bao nhiêu. Nhưng anh có tiền mà. Lấy báo nuôi văn, ha ha”.
Tôi biết cuộc thay thận đã khiến ông phải chi rất nhiều, nên mỗi khi có dịp ngồi cà phê, hoặc ăn uống cùng nhau, do cả hai cùng được nhà văn Ngô Thảo mời, tôi đều hỏi nhỏ ông, có đủ tiền mua thuốc không? Lúc nào, ông cũng hớn hở: “Đủ chứ. Lương nộp cho vợ. Còn anh sống bằng báo”. Đúng là “nhà văn thì phải biết đùa”. Cứ như là viết báo dễ rủng rỉnh lắm. Tôi cười, động viên ông “Cố lên. Ngày mai trời lại sáng”.
Tuy nhiên, trong điều kiện “lấy báo nuôi văn” vẫn thấy Trung Trung Đỉnh không bỏ được thú “xê dịch”. Nhận được tiền từ giải thưởng sách ở Tây Nguyên, ông lập tức sử dụng ngay, rủ Thái Bá Lợi sang Trung Quốc, đến Vạn Lý Trường Thành, để kịp thành “hảo hán”. Trở về, một thời gian sau lại thấy ông theo chân nhà văn Cao Duy Sơn lên vùng cao chơi… Chẳng biết nhuận bút của 7 cuốn sách ra mắt lần này có đủ để Trung Trung Đỉnh làm chuyến du lịch Anh quốc, thăm cậu con trai đang học âm nhạc bên đó?
Hỏi: “Thế anh không sợ trong chuyến hành trình sức khỏe có vấn đề à?”. Ông đáp đại khái: Cứ nghĩ thế thì chỉ ở nhà suốt ngày. Riêng về máu liều, cũng khó ai bằng Trung Trung Đỉnh. Từ lâu tôi đã phục ông ở kỳ tích gí thanh củi đang cháy rừng rực vào ngực để ăn thề với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đến khi biết Trung Trung Đỉnh ngoài đời tôi còn phục hơn. Chẳng là, cách đây tầm 4,5 năm, khi đó tôi mới có tấm bằng lái xe nên rối rít khoe khắp, trong đó có mời một vài bạn bè, người thân lên xe để tôi chở đi loanh quanh một vòng.
Ai cũng nói lời cảm ơn và nhanh chóng từ chối, chỉ duy nhất Trung Trung Đỉnh vui vẻ nhận lời, ông đề nghị chở ông ra sân bay. Thực ra, ai cũng ham sống, sợ hiểm nguy. Trung Trung Đỉnh không ngoại trừ. Nhưng ông dám để một người mới học lái xe chở ông đi, là một cách động viên âm thầm người ấy, hãy tự tin, trong vai trò tài xế.
Lần đầu tiên tôi gặp ông để phỏng vấn, tại phòng làm việc của ông ở NXB Hội Nhà văn. Ông suýt đuổi tôi ra khỏi phòng làm việc, vì tôi lỡ đặt những câu hỏi chọc ngoáy liên quan đến cuốn tiểu thuyết ồn ào của Lê Kiều Như, do NXB Hội Nhà văn thực hiện. Giữa sóng gió chỉ trích, Trung Trung Đỉnh khi ấy vẫn bảo lưu quan điểm: Đó là cuốn sách có cốt truyện không đến nỗi tồi, chẳng qua người viết non tay. Thế mới ngang tàng. Khi tôi có ý vặn vẹo, ông nổi cơn giận, bảo: “Thôi, cô về đi. Cô chẳng hiểu gì về tôi cả”. Nhưng tôi nói rằng, tôi cần phải hoàn thành bài viết về ông, vì đây là đề tài được giao, ông hãy giúp tôi. Thế là sắc mặt Trung Trung Đỉnh dịu lại, phũ mồm vậy, song ông không muốn vì mình mà người khác phải chật vật.
Đã rất nhiều lần Trung Trung Đỉnh đòi “li dị” tôi và cả lần này cũng thế: “Không đến cuộc giới thiệu sách thì dẹp tiệm luôn nhé!”. Nhưng Trung Trung Đỉnh có bao giờ “dẹp tiệm” với ai ? Đừng đọc “Nhà văn thì phải biết đùa” với tâm thế soi mói hoặc suy diễn. Như kiểu hồi đọc chân dung Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam do Trung Trung Đỉnh viết, tôi nghe một số người trong làng văn phê bình Trung Trung Đỉnh: Ai lại đưa quá khứ “đi buôn” của Chủ tịch vào bài? Đúng là nhiều người “mắc cái tính nghiêm trọng” (Trung Trung Đỉnh). Thực ra bản thân người viết chỉ muốn “kể chuyện vui vui, mong sao nó đem được chút chân tình trung thực yêu yêu ghét ghét của một người viết ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, chừ cập bến “xưa nay hiếm” cũng là may mắn lắm” (Lời tựa “Nhà văn thì phải biết đùa”).