Những chuyện tử tế vùng sông nước - Bài cuối:

Biệt đội nhà tình thương

Ông Nguyễn Thanh Tâm đem đồ nghề vào nhà. Ảnh: Hòa Hội.
Ông Nguyễn Thanh Tâm đem đồ nghề vào nhà. Ảnh: Hòa Hội.
TP - Hơn chục năm qua, gần 20 nông dân U60 chân lấm tay bùn ở vùng bưng biền Đồng Tháp Mười, gần biên giới Campuchia đi khắp các nẻo đường xây dựng nhà tình thương cho người nghèo.

Những ông già “gân”

Trưa một ngày cuối tháng 8, trời nắng gắt, hơn chục người lớn tuổi, tóc đã hoa râm, hì hục chuyển từng khúc gỗ bạch đàn từ trên xe tải vào nhà. Người ướt đẫm mồ hôi nhưng ai cũng hào hứng, vui vẻ. Ông Nguyễn Thanh Tâm nói với nụ cười tươi: “Có được đống gỗ này là khỏe rồi đó, anh em tha hồ cất nhà cho bà con nghèo”. Ông Nguyễn Văn Hoàng-Đội trưởng Đội cất nhà tình thương kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Hòa (Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết, hai hôm nay ông đến tận xã biên giới Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) cách đây hơn 40 km mua đống gỗ bạch đàn với giá gần 30 triệu đồng rồi anh em cùng nhau chở về. “Tất cả tiền từ vận động không đấy chú. Người ta thấy mình làm được, đàng hoàng nên nhiều người ủng hộ. Sợ không có sức làm chứ không lo thiếu kinh phí”- ông Hoàng phấn khởi nói.

Đội cất nhà tình thương xã An Hòa được hình thành hơn chục năm nay, do ông Hoàng khởi xướng. Ông Hoàng cho biết, thời gian đầu người ta rất e dè vì không biết tiền mình ủng hộ có đến đúng chỗ hay không, nên vận động rất khó khăn. Tuy nhiên, làm một thời gian nhiều người thấy có ý nghĩa nên ủng hộ và ngày càng phát triển. “Làm việc này, tiền bạc cần phải minh bạch, rõ ràng để người ta tin thì mới vận động được”- ông Hoàng nói. Cũng vì vậy, ban đầu chỉ có một vài người, dần dần thấy làm có hiệu quả nên có nhiều người cùng tham gia và đến nay tổng cộng 18 người, trong đó người cao tuổi nhất là 77 và ít tuổi nhất là 55.

Hằng ngày, các thành viên cùng nhau đi đốn cây đem về bào, đục thành khung rồi chuyển đến tận nơi, dựng thành nhà cho các hộ nghèo. Ngoài ra, đội còn vận động xây mới hơn chục cây cầu nông thôn và tặng gần trăm xe đạp, hàng nghìn quyển tập cho học sinh nghèo dịp đầu năm học mới. Ở xứ này bà con rất nghèo, thiếu thốn đủ bề nên làm được cây cầu hay cất căn nhà tình thương cho bà con là anh em trong đội rất vui.

Ông Hoàng cho biết, sau khi vận động nguồn kinh phí từ các mạnh thường quân, các chùa tại địa phương và từ TPHCM, đội tiến hành mua gỗ tại các vườn tạp và khảo sát xong mới cất mới nhà cho người nghèo. Nhà được thiết kế là nhà sàn, hoặc nhà trệt làm bằng gỗ, có diện tích từ 30 - 32m2, mái lợp tôn, trị giá từ 20 - 35 triệu đồng/căn. Trung bình, mỗi năm đội làm và tặng khoảng 150 căn nhà, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.  

Ông Nguyễn Văn Quý-Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, đội của ông Hoàng thường xuyên đi khảo sát các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ cất nhà nên đã góp phần xóa bỏ nhà lá tạm bợ, giúp địa phương xây dựng nông thôn mới. “Ông Hoàng không chỉ được người dân tin tưởng mà các mạnh thường quân ở tận TPHCM và nhiều nơi khác cũng nhiệt tình ủng hộ kinh phí”-vị Phó chủ tịch nói. 

Biệt đội nhà tình thương ảnh 1 Các thành viên đội xây nhà khuân gỗ xuống xe.

Lá rách đùm lá nát

Ông Hoàng cho biết, anh em trong đội đa phần đều nghèo, nhưng nhờ con cái lớn và ổn định nên tự nguyện giúp người khác khổ hơn mình. Ông Nguyễn Thanh Tâm, năm nay 61 tuổi, là một trong những người như thế. Gia đình ông Tâm không ruộng vườn, có 3 con trưởng thành, đều có gia đình riêng và làm thuê ở TP Hồ Chí Minh. Hai vợ chồng sống bằng tiền hỗ trợ của con cái. “Mình nghèo nhưng may mắn còn có miếng ăn, căn nhà lành lặn chứ nhiều người còn khổ hơn nhiều, nên làm được gì cho mọi người thì làm. Hơn nữa, mình tích đức để cho con cháu”- ông Tâm bộc bạch. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Tèo, một thành viên trong đội, cũng chẳng dư giả gì nhưng vì thấy còn nhiều hoàn cảnh khổ hơn mình nên ông tự nhủ cố gắng giúp ai được gì thì giúp. “Chứng kiến không biết bao nhiêu hoàn cảnh bi đát, nhà cửa mục nát không chốn nương thân, cũng từ đó mà thôi thúc anh em làm nhiệt tình, giúp đỡ bà con với tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát”- ông Tèo tâm sự. Vợ chồng ông Dương Văn Tài hiện sống bằng tiền trợ cấp của các con làm thuê ở TPHCM gửi về, nhưng ông luôn lạc quan.

Ông bảo: “Con người có ai sống mãi được đâu nên làm việc gì có ích cho xã hội thì làm và để cho con cháu noi gương”. Bản thân ông lớn lên trong nghèo khó nên đến lúc đủ ăn là đi làm việc thiện tích đức. Chính vì muốn giúp người, ông Tài trở thành thợ mộc bất đắc dĩ. “Ban đầu đục bào gỗ còn xấu nhưng dần dần làm cũng ngon lành. Hơn nữa, mình làm bằng cái tâm, có qua trường lớp gì đâu nên người nhận họ cũng không buồn phiền, vui là đằng khác. Không chỉ tui mà hầu như các thành viên khác trong đội đều là dân thợ tay ngang, chủ yếu là tấm lòng”- ông Tài tươi cười nói.

Biệt đội nhà tình thương ảnh 2 Các thành viên trong đội xây nhà từ thiện.

Tiếng lành đồn xa, bà con nghèo nơi khác đến xin nhà. Vì vậy, không chỉ giúp đỡ bà con ở địa phương, đội còn cất nhà cho bà con ở nhiều huyện, tỉnh khác như Bến Tre, An Giang... Lão nông Lê Văn Thiện cho biết: “Lúc sáng, đang đốn cây trong vườn thì có hai vợ chồng nghèo đến hỏi xin tụi tôi nhà. Họ cho biết, nhà ở gần giáp biên giới đã mục nát. Cả hai vợ chồng làm thuê kiếm sống và nuôi 4 đứa con, đứa lớn nhất mới 8 tuổi”.

Nghe xong, nhóm cử đại diện đến khảo sát, thấy hoàn cảnh khó khăn thật nên quyết định sẽ đem cây đến cất nhà cho họ. Mới đây, bà cụ trên 80 tuổi ở xã Phú Hiệp (Tam Nông) lụi hụi tìm đến đây xin căn nhà mới. Bà cho biết đang nuôi đứa cháu cố 8 tuổi. Hai bà cháu sống trong căn chòi rách nát, không còn chỗ lành lặn khi mùa mưa đến. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Thành ở xã Phú Thành B (thị xã Hồng Ngự) cũng rất đáng thương. Hai vợ chồng không miếng đất cắm dùi, sống trên chiếc ghe nhỏ, cũ kỹ từ mấy chục năm và đi làm thuê nuôi 4 đứa con nheo nhóc.

“Thấy hoàn cảnh quá khổ, một người dân ở gần cho mượn miếng đất cặp mé sông, rồi vợ chồng đến đây xin tụi tui căn nhà. Lúc cất xong, vợ chồng họ mừng đến phát khóc”- ông Hoàng kể. Ông Nguyễn Văn Thành nói trong sự xúc động: “Có được căn nhà là ước mơ trong đời nhưng bấy lâu nay làm mãi mà không cất nổi.  Hằng ngày tôi đi làm thuê lo bữa cơm cho gia đình còn bữa đói bữa no. Nhờ có căn nhà này, gia đình tôi quây quần, đầm ấm hơn. Vợ chồng tôi không còn cảnh phập phòng lo con té sông hay sóng đánh nước tràn vào ghe” nữa.

“Ban đầu đục bào gỗ còn xấu nhưng dần dần làm cũng ngon lành. Hơn nữa, mình làm bằng cái tâm, có qua trường lớp gì đâu nên người nhận họ cũng không buồn phiền, vui là đằng khác.

Ông Dương Văn Tài

Chàng trai có tấm lòng thiện nguyện 

Thấy bà con địa phương gặp nhiều rủi ro khi lâm bệnh nhưng không được kịp thời cứu chữa, anh Nguyễn Văn Định Lớn (sinh năm 1980) ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bàn với vợ và anh em trong gia đình gom góp tiền mua chiếc xe ô tô trị giá trên 330 triệu đồng để làm xe cứu thương. Từ đầu năm 2017, chiếc xe được trang bị đầy đủ các dụng cụ y tế thiết yếu của anh Lớn đã chính thức chuyển bánh. Từ ngày hoạt động đến nay, mỗi tháng anh Lớn đã chuyển miễn phí hàng chục bệnh nhân đến các bệnh viện từ Tam Nông, Cao Lãnh đến thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyến chuyển bệnh đều do đích thân anh Lớn hoặc anh em trong gia đình làm tài xế.  

Ngoài xe cứu thương, mỗi năm anh Định Lớn dành 50 đến 70 triệu đồng tiền cá nhân đóng góp cho hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương. Từ năm 2013, anh Định Lớn được tín nhiệm giao làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Bình. Trong 5 năm qua, anh cùng các thành viên Hội Chữ thập đỏ tích cực vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho công tác từ thiện-xã hội ở địa phương. Trong đó xây mới 2 cây cầu bê tông cốt thép, sửa chữa nhiều cây cầu ván trị giá trên 300 triệu đồng; cất mới 40 căn nhà tình thương giúp cho những hộ nghèo; tặng tập-sách, quần áo đồng phục, xe đạp cho học sinh nghèo; giúp những người khuyết tật nhiều xe lắc và hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị bệnh…    

Trần Trọng Trung

MỚI - NÓNG