Họ am hiểu các lòng hồ thủy điện; họ ngụp lặn dưới nước giỏi như binh tướng của Yết Kiêu một thuở. Họ chiếm lĩnh, kiểm soát vùng đáy đập thủy điện sâu tới 61m của những hồ chứa nước khổng lồ nhất Việt Nam như hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, Yaly… để bảo dưỡng, sửa chữa, giải quyết các sự cố tày trời làm mất an toàn cho thủy điện. Họ là “biệt đội người nhái lòng hồ” với những chiến công đáng kinh ngạc, được xem là một trong những đội thợ lặn tiếng tăm nhất ở Việt Nam.
Ba “người nhái” của “biệt đội nhái lòng hồ” hồi trẻ. Giờ họ đã đều đến tuổi “cấm” lặn sâu rồi. |
Hành trình “giải cứu” những công trình thế kỷ
Khi thủy điện Hòa Bình sắp đi vào hoạt động (năm 1986), “biệt đội người nhái” đã ra đời với gần chục thành viên. Trong đó có nhiều người đã được sang Nga đào tạo, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia lặn đẳng cấp quốc tế và giờ đây họ đã cơ bản sắp hết tuổi để lặn sâu xuống đáy nước hơn 60m; một số người trẻ vừa được tìm về để “kế nghiệp”. Cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam- với hàng chục thủy điện lớn nhỏ và những hồ chứa nước mênh mông- nay cũng mới chỉ có được một đội “người nhái” như thế.
Với những trang thiết bị đầy đủ và tối tân nhất, họ như những con rái cá quẫy đạp thỏa thuê, rẽ lòng nước mà xuống tận những đáy hồ sâu nhất Việt Nam. Họ khiến người ta liên tưởng đến quân tướng của vị “Đệ nhất đô soái thuỷ quân” thời Trần với biệt tài lặn sâu dưới đáy sông, đi dưới nước ung dung như đi trên đất bằng.
Những người bình thường không thể chịu nổi áp suất của nước ở cái độ sâu năm sáu chục mét ấy, sẽ hộc máu mũi máu mồm, lòi tròng mắt ra ngoài mà chết. Vì thế, một chút bất cẩn, một kẽ hở ở thiết bị lặn cũng có thể cướp đi sinh mạng của người thợ lặn.
Hằng ngày, những “người nhái” thay nhau lặn xuống hồ kiểm tra thiết bị của nhà máy và giải quyết ngay khi gặp sự cố. Họ kiêm luôn cả công việc lặn bảo dưỡng, sửa chữa, giải quyết sự cố xảy ra ở các thủy điện khác của nước ta, thậm chí sang cả Lào, Campuchia thực thi nhiệm vụ tương tự. Năm 2000, để cho thủy điện Yaly có thể đi vào hoạt động, “biệt đội người nhái” đã hành quân vào Tây Nguyên trợ giúp.
Nhắc đến việc khắc phục các sự cố thủy điện, cả biệt đội không thể quên một sự cố “động trời” xảy ra vào một ngày nóng nực tháng 5.2004, khi một nửa lưới điện của miền Bắc bị tắt ngấm. Một trong tám tổ máy của thủy điện Hòa Bình tự nhiên ngừng hoạt động. Cái gì có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ dưới lòng hồ là tấm lưới thép khổng lồ do các chuyên gia Liên Xô chế tạo đặc biệt nặng 110 tấn, cao tới 33m với 11 tầng thiết kế tối tân? Các câu hỏi được đặt ra hết sức cấp bách, “biệt đội người nhái” ngay lập tức được triệu tập để đi tìm câu trả lời dưới dòng nước thẳm.
Nhưng khó khăn lại chồng lên khó khăn khi các thiết bị của đội đang trong giai đoạn bảo dưỡng nên không đầy đủ, khó lòng mà thực hiện được cuộc lặn gay cấn này. Họ buộc lòng phải tính đến nước thuê một đội lặn chuyên trục vớt tàu danh tiếng của đất cảng Hải Phòng lên trợ giúp.
Đinh Hồng Quân - “kình ngư” của biệt đội - trong một buổi lặn. |
Các thiết bị lặn, quần áo lặn, máy đo nhịp thở, bộ đàm trên bờ nối với người lặn dưới đáy sâu, đèn soi dưới đáy nước tối om sâu hơn 60m… được các thợ lặn Hải Phòng mang đến. Hai người thợ lặn kỳ cựu được trang bị đầy đủ nhảy ùm xuống nước, họ mang theo camera quét dọc các cấu kiện của tổ máy đang bị tê liệt, hình ảnh được gửi lên bờ là ở độ sâu 44m tính từ mặt hồ, tấm lưới sắt khổng lồ ngăn giữa hồ nước 9 tỉ mét khối nước và tổ máy đã bị phá tan hoang hiện ra.
Bất ngờ, do sức hút từ đâu đó, do mưa lũ, hoặc do nguyên nhân nào đó, thợ lặn dưới đáy sâu liên tục báo tín hiệu cấp cứu. Họ đang lâm vào một tình thế cực kỳ nguy hiểm khi dây lặn bị rối, nước ào vào trong mũ lặn. Áp suất có thể làm máu loang ra mũ lặn, người thợ lặn có thể chết ngay dưới nước.
Hóa ra, sau khi tấm lưới bảo vệ bị chọc thủng, các xoáy nước xuất hiện cực kỳ phức tạp và bất ngờ nên hai người thợ lặn rơi vào hoảng loạn. Lực lượng cung cấp dưỡng khí đã vào cuộc.
Thợ lặn được giải thoát nhờ lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp. Sau mấy tiếng đồng hồ ngồi “lỳ” trong buồng điều áp để cơ thể thích nghi trở lại, họ xin “rút lui” khỏi “cuộc chiến”, xin được phá hợp đồng thuê lặn hãi hùng kia.
Đội thợ lặn trục vớt tàu lừng danh của xứ cảng Hải Phòng lắc đầu bảo: “Cả đời đi lặn mà chưa gặp tình huống phức tạp như thế bao giờ…”, rồi ra về mà không đòi một xu tiền công.
Sự việc rơi vào bế tắc. Quyết không thể để sự cố lưới điện ảnh hưởng hơn nữa đến sản xuất và cuộc sống của nhân dân, đội thợ lặn thủy điện Hòa Bình tính phương án vào cuộc. Hai “người nhái” thiện chiến bậc nhất là Đinh Hồng Quân và Cấn Văn Toản phải đi về Viện Hải dương học mượn thiết bị rồi trực tiếp lặn xuống đáy nước giải cứu tổ máy đang bị tê liệt.
Thế rồi, hai “người nhái” cũng tìm được nguyên nhân của sự cố: Do mưa lũ lớn, củi rác và hàng ngàn khối gỗ lớn từ thượng nguồn dồn cả về, ùn tắc ở cửa tấm lưới chắn rác khổng lồ của nhà máy. Bức tường củi rác bít kín cửa cống, kín đến nỗi nước không chui vào các tuyến năng lượng được.
Bên trong, các cỗ máy vẫn hoạt động “chân không”, tạo nên áp lực quá lớn (gọi là hiện tượng “thuỷ kích”) khiến cho các tấm lưới bị phá bung. Những thân gỗ lớn như những con quái vật trôi trong lòng hồ vọt qua lưới sắt bị rách rồi nằm chỏng gọng trong lòng một tổ máy tê liệt.
Đội “người nhái” phải chui vào trong, cưa từng thân cây cổ thụ ra thành từng miếng nhỏ rồi khiêng ra ngoài. Công việc được tiến hành lầm lũi dưới đáy hồ sâu, hiểm nguy luôn rình rập.
Kể từ vụ “tấn công” hiểm ác của những “quái vật lòng hồ” mà “biệt đội người nhái” mệnh danh là “sự cố Watergate” đó, kinh nghiệm bảo vệ lòng hồ thủy điện cũng được những người thợ lặn rút ra hết sức nghiêm túc.
Có được những chàng ''Yết Kiêu hiện đại'' trong tay nên thủy điện Hòa Bình đến nay luôn hoạt động ổn định, rất hiếm khi xảy ra sự cố. Đó cũng là “điều kiện” tốt để “biệt đội nhái” Hòa Bình “đánh đông dẹp bắc” ở khắp các thủy điện lớn nhỏ trên cả nước, giải cứu nhiều công trình khác tránh khỏi những sự cố đáng tiếc.
“Người nhái” Đinh Hồng Quân kể: “Đôi khi sự cố chỉ là bị rơi mất một cái van, thế là cả hệ thống bị mắc kẹt dưới lòng hồ như ở Quảng Trị năm 2008. Chúng tôi vào trong đó, lặn xuống, đấu lại toàn bộ hệ thống là mọi thứ lại như thường thôi mà…”.
Từ năm 2010 đến nay, bước chân của họ lại tiếp tục từ Hòa Bình lên thủy điện Sơn La, đến Bản Chát, Huổi Na, Huội Quảng, Cốc Ly, Bắc Hà… và sang cả các thủy điện bên nước bạn Lào hay Campuchia. Họ cứ đi, cứ lặn như bị “nghiện”. Họ làm việc với một niềm tự hào được đắm mình dưới lòng nước sâu thẳm, dưới đáy của những hồ thủy điện để sửa chữa, đấu nối, kiểm tra, vệ sinh thiết bị cho các công trình quan trọng bậc nhất của đất nước. Hành trình “giải cứu” thủy điện của “biệt đội nhái” Hòa Bình cứ dài thêm mãi.
Công cuộc truy tìm những “người nhái” trẻ
Công việc đầy vinh quang nhưng cũng chứa chất nhiều hiểm nguy, một sơ suất nhỏ cũng có thể tử nạn, nếu không thực sự đam mê và quyết tâm, người ta khó lòng mà theo được. Những thợ lặn kỳ cựu như anh Quân, anh Toản cứ trăn trở mãi với nghề.
Hai chục năm tìm kiếm mà họ chỉ tìm được có 2 thợ lặn mới cho biệt đội. Nếu không tuyển được những người mới kế tiếp, có thể đội thợ lặn sẽ… tan rã vì các thành viên đều đã đến tuổi hoặc xấp xỉ độ tuổi “cấm” lặn sâu rồi. Được sự đồng ý của ban lãnh đạo nhà máy, anh Quân đã liên lạc với nhiều bạn bè, đồng nghiệp trên cả nước để tìm sự giúp đỡ. Người ta “chỉ” anh đến Bộ Tư lệnh Hải quân.
Ngày 1/4/2011, hai chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi là Thái Bá Sỹ và Nguyễn Xuân Vương chính thức trở thành thành viên mới của “biệt đội người nhái” thủy điện Hòa Bình.
“Lính mới” được chọn đều là những chàng đặc công hải quân can trường, quả cảm nhất vừa xuất ngũ trở về. Cả hai đều là lính Trường Sa. Họ phải qua các khóa đào tạo, sát hạch lý thuyết và thực hành lặn rất công phu. Lực lượng sát hạch các “ứng viên” này là chuyên gia sát hạch phi công vũ trụ, thợ lặn biển, thợ lái tàu ngầm, lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của đặc công, hải quân ở Học viện Quân y - Hà Nội.
Hai “người nhái” trẻ Thái Bá Sỹ và Nguyễn Xuân Vương là niềm hy vọng mới của “biệt đội nhái” Hòa Bình. |
Hai “kình ngư” của đội lặn là Đinh Hồng Quân và Cấn Văn Toản trực tiếp hướng dẫn các thành viên mới. Anh Quân công phu thiết kế các sợi dây lớn, thả nó từ thành đập xuống đáy hồ, mỗi đoạn dây lại có nút buộc đánh dấu độ sâu.
Các thầy ngồi trên bờ, cầm máy bộ đàm, máy nghe nhịp thở học trò và máy tiếp nhận hình ảnh từ camera mà họ cầm theo xuống đáy nước. Vương và Sỹ chuẩn bị kỹ lưỡng, nai nịt gọn gàng, nhảy ùm xuống nước rồi lặn xuống sâu dần.
Càng xuống sâu, bóng đèn “khổng lồ” 1.000W càng trở nên tối tăm hơn bao giờ hết, chỉ đủ soi sáng khoảng nhỏ để máy quay lướt qua rồi ghi lại hình ảnh. Anh Quân phải liên tục nhắc: “Tiếng thở của cháu đã khò khè như rít thuốc lào rồi đấy, từ từ đi cháu ơi…”; “Cháu đã thấy lâng lâng như say rượu chưa? Đấy là vì bị say nitơ đấy…”.
“Lúc ở dưới ấy, nghe giọng thầy Quân khào lên câu được câu chăng qua bộ đàm trong mũ lặn, mình chực muốn khóc”- Sỹ xúc động kể. Chưa đầy hai năm sau ngày về đội, hai “người nhái” trẻ đã xác lập kỷ lục lặn sâu 57m xuống đáy hồ - độ sâu mà nhiều thợ lặn kỳ cựu mới đạt được.
Tâm sự về các học trò mà mình tâm huyết đào tạo, đã dốc cạn gan ruột để họ có thể gắn bó với nghề, anh Quân cười vui vẻ, tự hào kể: “Hôm thi tốt nghiệp, xuống đến gần đáy rồi, tôi hỏi sức khỏe thế nào, các cậu ấy đều OK, thế là… chạm chân xuống đáy bêtông. Đó là khoảnh khắc hiếm có của cuộc đời đấy, vì rất ít khi lặn được xuống độ sâu 57m như thế. Các cậu ấy xuống được thì sướng quá. Mình cũng thấy sướng. Mình bảo: Đời chú có cơ hội lặn chiếm lĩnh mức 61m dưới đáy hồ là độ sâu sâu nhất, thế mà hôm nay các cháu đã chuẩn bị bằng chú rồi”.
Với anh Quân, những người học trò là “tài sản” quý giá nhất trong cuộc đời làm thợ lặn của anh, bởi đó là tâm huyết, là mong muốn tha thiết được truyền đạt kinh nghiệm cả đời bôn ba dưới đáy sâu của những lòng hồ thủy điện, được rèn giũa một thế hệ “người nhái” kế cận, tiếp nối công việc của mình.
Sau cuộc chinh phục đáy hồ thành công đó, cuối năm 2012, thầy trò đội “người nhái” đã lặn xuống lòng hồ thủy điện Sơn La kiểm tra toàn bộ hệ thống trước khi khánh thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này. “Người nhái” Đinh Hồng Quân thở dài, giọng anh buồn rười rượi: “Mình đã thực hiện được tâm nguyện lặn xuống hồ thủy điện Sơn La trước tuổi “cấm” lặn, bây giờ thì nghỉ được rồi...”.
Bấy lâu nay, các nhà máy thủy điện ở nước ta chưa tổ chức được những đội thợ lặn có thể đáp ứng và thích nghi với môi trường công việc vô cùng khắc nghiệt này, vì vậy, đội thợ lặn của Thủy điện Hòa bình đã in dấu chân ở hầu hết các công trình thủy điện trên cả nước. Họ được xem là đội "người nhái" thủy điện chuyên nghiệp duy nhất ở Việt Nam. Đó vừa là niềm vinh dự, cũng vừa là khó khăn, là trách nhiệm nặng nề của đội.
Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, niềm vui của họ là bản thân mình và đồng đội được trở về lành lặn, để tiếp tục góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ vững chắc những công trình thủy điện - thành quả kinh tế lớn lao mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã phải đổ mồ hôi và xương máu để xây dựng.
Theo Đức Vân
Lao Động