Biến tướng sĩ tử cầu may

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sĩ tử đua nhau dâng hương tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và nhiều cơ sở tâm linh khác vào mùa thi bất chấp di tích đóng cửa phòng, chống dịch. Nét đẹp truyền thống đang bị hiểu sai lệch, biến tướng theo chiều hướng tiêu cực.
Biến tướng sĩ tử cầu may ảnh 1

Sĩ tử đổ về Văn Miếu cầu may bất chấp di tích đóng cửa phòng dịch. Ảnh: Trọng Tài

Vái vọng la liệt

Văn Miếu- Quốc Tử Giám (VMQTG) vốn là địa chỉ đỏ thu hút sĩ tử Thủ đô và các địa phương lân cận đổ về mỗi mùa thi. Dân gian rỉ tai nhau về cái gọi là “cầu may” cho con cái trước mỗi lần bước vào kỳ thi cử quan trọng. Bất cập bộc lộ trong mùa thi này, bởi các di tích chưa được mở cửa đón khách nhưng hàng nghìn lượt phụ huynh, học sinh kéo nhau tới trước cổng Văn Miếu vái vọng. Hương hoa đặt vội bên vỉa hè, rồi gài qua cổng sắt trước di tích quốc gia đặc biệt này. Đài Nghiên-Tháp Bút (Đền Ngọc Sơn) cũng là một trong những nơi được nhiều bậc cha mẹ xúi con cái tới khấn vái cầu may.

“Hai ngày cuối tuần, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học VMQTG phải căng mình cùng chính quyền phường Quốc Tử Giám nhắc nhở bà con. Từ nhiều ngày trước chúng tôi nhận được nhiều lời nhắn tương tác trên mạng xã hội của di tích hỏi về lịch mở cửa để tới dâng hương. Chúng tôi tư vấn cho họ về quy định đóng cửa phòng, chống dịch bệnh rồi, thế nhưng nhiều người vẫn kéo tới thắp hương, vái vọng ở cổng Văn Miếu. Thậm chí tấm bia “Hạ mã” vốn là “biển báo giao thông” xưa kia cũng trở thành nơi để họ đặt lễ, bất chấp trung tâm đã có tấm biển thuyết minh đặt bên cạnh. Một số em học sinh còn mang cả đề ôn luyện ra khấn rồi gieo quẻ để “bốc đề” hòng xin trúng tủ”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm cho biết.

Biến tướng sĩ tử cầu may ảnh 2

Sĩ tử “bốc đề” lấy may trước cổng Văn Miếu. Ảnh: Viết Niệm

Sức hút của Văn Miếu không xa lạ, đầu rùa bia tiến sĩ ở đây mòn vẹt, nhẵn bóng và nguy cơ bị hư hại sau nhiều năm trời trở thành nơi được viếng thăm nhiều nhất của di tích. Từ năm 2013, nhà bia đặt 82 bia đá là di sản tư liệu thế giới được dựng hàng rào ngăn cách, có biển cảnh báo và được bảo vệ thường xuyên túc trực nhắc nhở. Thói quen xoa đầu rùa lấy may từ đó mới dần được cải thiện. Thế nhưng tâm lý cầu may của sĩ tử trước mỗi mùa thi dường như đã ăn sâu vào tiềm thức.

Không cổ xúy

Văn Miếu vốn là nơi thờ Khổng Tử, các bậc tiền hiền nho học. Quốc Tử Giám phía sau là trường học đào tạo về nho học, không có sử sách nào ghi về “tính thiêng” của di tích này. Trong hàng chục ấn phẩm xuất bản về di tích quốc gia đặc biệt này cũng không có tài liệu ghi lại về tục tới Văn Miếu cầu may.

“Đây đâu phải đền thờ, miếu mạo gì mà người ta cứ nghĩ phải đến đó cầu may. Thấy nơi đây ghi danh nhiều tài năng, trí tuệ đất nước, ai cũng nghĩ bia đá sử vàng thiêng liêng nên nhiều người đến tận nơi cầu xin. Đó hoàn toàn là câu chuyện của ngày nay, phản ánh tâm lý của người Việt. Tâm lý này còn thể hiện rất rõ ở chỗ người ta bất chấp tới đền Trần để cầu thăng quan tiến chức. Chính vì thế tôi cho rằng chúng ta không nên cổ xúy cho tâm lý cầu may ở Văn Miếu và những di tích tương tự”, GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, so với tục cầu may của sĩ tử xưa thì nét văn hóa truyền thống này có nhiều biến đổi theo hướng tiêu cực. Theo đó, sĩ tử trước đây tìm tới các bia đá tiến sĩ là để ngẫm ngợi nội dung văn bia để ngấm tinh thần người xưa gửi gắm, lấy đó làm gương để phấn đấu vươn lên. Ngày nay nhiều gia đình, học sinh hiểu biết chưa thấu đáo nên đã biến di tích lịch sử văn hóa thành đền, miếu để cầu xin mù quáng. Thậm chí nhiều người còn không biết VMQTG phụng thờ ai, giá trị lịch sử văn hóa nằm ở đâu nên mới có những hành động thắp hương vái vọng, cầu xin a dua như thế.

TS. Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội cho biết, hiện chưa có kế hoạch mở lại hệ thống di tích trên địa bàn Hà Nội. Những ngày qua, nhiều người dân bày tỏ mong mỏi được vào đền Ngọc Sơn hành lễ, tuy nhiên Ban Quản lý nghiêm túc thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Vất vả hai ngày liền để giải thích, vận động người dân không tập trung trước cổng Văn Miếu nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, ông Lê Xuân Kiêu nhận thấy nhiều gia đình có tâm lý không bước chân vào Văn Miếu thì không yên, tinh thần không thoải mái. “Thông qua mạng xã hội và website chúng tôi đã giải thích cho người dân hiểu hơn về lịch sử di tích. Vào Văn Miếu dâng hương là để thể hiện sự kính trọng, tri ân các bận tiền hiền, nhìn vào lịch sử để noi gương các bậc kỳ tài đã vất vả dùi mài kinh sử học hành đỗ đạt thành tài giúp đời. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực truyền thông rộng rãi hơn để người dân nâng cao nhận thức hơn về di tích”, ông Lê Xuân Kiêu nói.

Nhu cầu của người dân là có thật, khó dùng mệnh lệnh hành chính, ý chí lay chuyển một sớm một chiều, cho nên vẫn cần quá trình truyền thông rộng rãi, lâu dài.

MỚI - NÓNG