Biến tướng phức tạp của chứng khoán quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chiêu lừa đảo chứng khoán quốc tế đã được cảnh báo. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn mất hàng trăm triệu bởi những chiêu lừa đảo ngày càng mới, ma mãnh. Nhiều người có lời trên app nhưng rút ra không được. Lúc này, app yêu cầu phải nộp thêm phí để rút tiền và cuối cùng, người chơi cay đắng vì mất tất cả...
Biến tướng phức tạp của chứng khoán quốc tế ảnh 1
Ngày càng có thêm nhiều người sập bẫy chứng khoán quốc tế. Ảnh: PV

Ðổ hàng trăm triệu đầu tư, không rút được tiền

Ngày 10/8, anh Đào Công H. ở Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) được một số zalo 03296800xx có tên “Nguyễn Thùy Chi” kết nối mời tham gia giao dịch chứng khoán trên cổng giao dịch V-Gate. Tài khoản này gửi đường link qua Telegram (ứng dụng trò chuyện trên nền tảng) với tên “thùy chi” cho anh H. tải về cài đặt vào máy điện thoại, nạp tiền để giao dịch. “Người chơi sẽ đưa ra vốn khả dụng, người hướng dẫn sẽ tính toán dự tính lợi nhuận khi mua mã tăng trần. Ví dụ, hằng ngày họ sẽ đưa ra bảng tính như: Với vốn 2 tỷ đồng và tham gia cả mã tăng trần T+1 (ngày giao dịch thứ 1 sau ngày mua, bán) và T+2 thì dự kiến lợi nhuận trung bình một cổ phiếu là 5% (chưa bao giờ dưới 5%) thì lợi nhuận một tháng đạt được sẽ không dưới 620 triệu đồng (chưa tính lãi kép)”, anh H. nói và cho biết, những quảng cáo lợi nhuận nạp nhiều càng lãi nhiều như thế, sau hơn 1 tháng, số tiền anh H. nạp vào cổng giao dịch V-Gate và khoảng 10 tài khoản ngân hàng liên kết với cổng này là hơn 472 triệu đồng.

Khi tài khoản còn hơn 300 triệu đồng, anh H. muốn rút tiền nhưng không thực hiện được. Liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng thì anh được yêu cầu nộp bảo lãnh 190 triệu đồng mới rút được. Anh đóng thêm số tiền được yêu cầu trên qua tài khoản ngân hàng người hướng dẫn cung cấp. Tuy nhiên, anh H vẫn không thể rút được tiền và không thể liên lạc được với nhóm người này. Theo anh H., trong quá trình tham gia cổng giao dịch chứng khoán này, ngoài anh còn có rất nhiều nhà đầu tư khác tiền đầu tư lên đến nhiều tỷ đồng. Sau gần 2 tháng tham gia, anh H. phát hiện đối tượng mời gọi có nhiều dấu hiệu lừa đảo nên đã làm đơn trình báo, tố giác đến Công an thành phố Hà Nội. Vụ việc được chuyển về Công an huyện Thanh Trì thụ lý giải quyết.

Không chỉ anh H, gần đây, đường dây nóng của báo Tiền Phong liên tục nhận được nhiều cuộc gọi kêu cứu vì chứng khoán quốc tế bị sập bẫy vì không thể rút được tiền ra. Có bạn đọc đưa phóng viên vào nhóm zalo “kêu cứu”, gồm hơn 50 người mất hơn 1 tỷ đồng vì chứng khoán quốc tế. Họ tố cáo khắp nơi nhưng chưa có kết quả.

Ngày 5/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khuyến cáo nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được đơn vị này cấp phép. Một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán. Hoạt động này không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của mình

“Bình mớirượu cũ”

Thời gian gần đây, những mô hình lừa đảo loại này có phần gia tăng. Tinh vi hơn, các đối tượng đã thành lập app mẹ, phía trong là các app con, hay app đổi tên, còn nội dung bên trong là một, như Stock X thành APPE; Trading FT thành V-GATE… mạo danh mô hình các sàn chứng khoán tại Việt Nam. Hằng ngày, nhiều người tự xưng là người của sàn giao dịch chứng khoán quốc tế gọi điện quấy nhiễu người dân. Anh Hoàng Hạnh (Thái Bình) cho biết, anh liên tục nhận được các cuộc gọi từ người lạ giới thiệu ở công ty đầu tư chứng khoán quốc tế muốn tư vấn… Tuy nhiên, anh đã đọc cảnh báo nên tắt máy luôn. Nhiều người khác cũng nhận được những cuộc gọi với nội dung tương tự.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, GĐ Cty Luật Hưng Nguyên nhận định, đây là những sàn chứng khoán không được phép giao dịch tại Việt Nam. Những hành vi nêu trên có yếu tố lừa đảo. “Những đối tượng mời gọi “đánh” vào sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của người tham gia. Lúc đầu, người tham gia sẽ được trả những khoản lợi nhuận nhất định nhưng sau đó sẽ lún dần vào hệ thống và mất hết.

Trong khi đó, để xử lý những đối tượng có hành vi lừa đảo rất khó, vì đa phần họ sử dụng công nghệ, nick ảo, nhờ người khác đứng tên tài khoản; hệ thống vận hành, điều hành rất phức tạp, khó truy vết. Văn phòng luật cũng từng tiếp nhận thông tin từ những nạn nhân tham gia sàn chứng khoán như vậy bị lừa hàng chục tỷ đồng nhưng hiện vẫn chưa xử lý được”, luật sư Nguyên phân tích.

Theo luật sư Nguyên, những giao dịch này thường là dân sự. Dù biết được người nhận tiền qua số tài khoản nhưng họ chỉ là trung gian hoặc người tham gia chơi. Họ chỉ là đầu mối của một đầu mối khác cũng bị mất tiền, cũng là bị hại.

.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.