Biến thể phụ BA.5 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 thời gian tới.

Ngày 13/6, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây. Trong đó tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

ECDC cảnh báo 2 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới. Các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.

Tại Việt Nam, số mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, số mắc mới mỗi ngày hiện còn khoảng 600 - 700 ca mỗi ngày (thấp nhất gần 12 tháng qua), nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.

Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.

Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.

Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Biến thể phụ BA.5 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam ảnh 1

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em Ảnh: Thái Hà

Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Bộ Y tế nhấn mạnh tiếp tục coi vắc xin là “vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19, do đó đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý 2-2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ phân bổ vắc xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý 2-2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kì nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, các trường hợp tử vong do COVID-19 có khoảng 80% không tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền... Trong khi tiến độ tiêm vắc xin tại nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, dù đất nước ta đã ở trạng thái bình thường mới nhưng không thể lơ là vì miễn dịch sẽ giảm theo thời gian, do vậy cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tiếp theo.

Hiện nay, số vắc xin Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022.

MỚI - NÓNG