Biến thách thức thành cơ hội kiếm tiền

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà đầu tư.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà đầu tư.
TP - Đó là lưu ý của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và các doanh nghiệp hạ tầng đô thị (DN) diễn ra vào ngày 3/6.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, hạ tầng đô thị hình thành từ lâu nên đã lạc hậu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, gây bức xúc trong nhân dân như ngập nước, kẹt xe. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết trong giai đoạn 2020 - 2025, TPHCM cần 553.879 tỷ đồng đầu tư cho 203 dự án hạ tầng giao thông, trong đó các công trình cầu đường bộ (kết nối liên vùng, các tuyến vành đai và các trục hướng tâm) cần 339.946 tỷ đồng với 137 dự án...

Theo phó giám đốc trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Nguyễn Hoàng Anh Dũng trong giai đoạn 2016 – 2020, TPHCM cần hơn 73.000 tỷ đồng chống ngập, trong đó chống ngập do triều theo quy hoạch 1547 cần 20.482 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết nguồn vốn đầu tư hạ tầng từ nay đến năm 2020, TPHCM cần 500.000 tỷ đồng song ngân sách chỉ bố trí được khoảng 31,8%, còn lại phải huy động từ các nhà đầu tư. Chỉ tính riêng chương trình chỉnh trang đô thị với việc di dời 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch trên địa bàn hai quận 4 và 8 (5.800 căn nhà), TPHCM cần hơn 15.000 tỷ đồng. “Vừa qua, TPHCM đã làm việc với một số nhà đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP). Trước đó tổ chức hợp tác quốc tế Nhật (JICA) đã khảo sát nhưng rất ngập ngừng. Dù là phương thức PPP, TPHCM cũng cần có vốn đối ứng từ ngân sách. Quỹ đất chỉ còn nhiều nhất ở huyện Cần Giờ, Củ Chi. Làm việc với tôi, nhiều nhà đầu tư muốn chọn đất ở Thủ Thiêm (quận 2) và khu trung tâm. Đất Thủ Thiêm làm gì còn, đất ở trung tâm rất hiếm và hiện nay chính phủ đã tạm đình chỉ”, ông Phong băn khoăn.    

Đề cập đến lĩnh vực xử lý rác thải, người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết mỗi ngày TPHCM cần xử lý 7.500 - 8.000 tấn rác sinh hoạt. Công nghệ chủ yếu hiện nay là chôn lấp, xử lý tái chế đạt tỷ lệ rất thấp.

Tại buổi gặp mặt, nhiều DN bày tỏ quan ngại về thủ tục. Đại diện Công ty Thuận Việt cho biết, đang tham gia đầu tư một số dự án cao ốc tại TPHCM. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư này tham gia vào chương trình cải tạo chung cư cũ, xuống cấp thì tắc. “Chúng tôi đăng ký cải tạo 2 lô chung cư cũ trên địa bàn phường 2, quận 10. Thủ tục đã qua hai đời chủ tịch quận, hai lần trình bày với giám đốc Sở Xây dựng nhưng đến nay dự án vẫn chưa được thông qua”, đại diện Công ty Thuận Việt bức xúc.

Ông Bùi Dương Hùng, Tổng giám đốc Công ty Licogi 16 cho biết đang tham gia dự án xây mới cầu đường Bình Tiên (quận 6) theo hình thức hợp đồng BT (đầu tư - chuyển giao) và được hoàn trả bằng một số khu đất. Tiếng là đất của thành phố nhưng đơn vị quản lý mở nhà hàng, cho thuê… “Nhà đầu tư xác minh rất khó khăn, mất nhiều thời gian vì kết nối giữa các sở ban ngành và quận huyện rất chậm, trong khi DN phải ứng vốn để giải phóng mặt bằng cho dự án và cả khu đất được hoàn trả”, ông Hùng cho biết.

Ông Đinh Ngọc Ninh, Tổng giám đốc tập đoàn SSG lưu ý: Tại TPHCM, địa chất yếu, chi phí xử lý rất tốn kém. SSG thi công công trình Saigon Peal, đào xuống độ sâu -45m vẫn còn bùn. Đó là chưa kể phải xử lý vấn đề thoát nước rất phức tạp.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiên quyết: Hệ thống không gian ngầm là tài nguyên quý trong điều kiện không thể mở rộng. Địa chất xấu, dù tốn kém cũng phải khắc phục và phát triển đồng bộ vì hiện nay rất tản mạn. “Các bức xúc về thủ tục, tôi đã thấy và giao các sở ban ngành lập 2 tổ công tác (đầu tư và xây dựng) xem xét và cấp phép luôn nếu thấy đủ điều kiện, không lòng vòng xuống từng sở như trước. Có đặt mình vào nhà đầu tư mới thấy bức xúc như thế nào”, ông Phong nhấn mạnh.

Lưu ý TPHCM cần quy hoạch (QH) có tầm nhìn dài hơi, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu chủ tịch UBND TPHCM rà soát QH chức năng vùng và QH sử dụng đất đồng thời công khai kế hoạch các dự án, đưa QH sử dụng đất, các dự án kêu gọi đầu tư lên mạng để nhà đầu tư lựa chọn. 

“Đất TPHCM chiếm 0,6%, dân số chiếm 9%, lao động 8% cả nước. Trên một km2, dân số gấp 14 lần, lao động gấp 12 lần cả nước và không ngừng tăng… Thách thức càng nhiều, càng có nhiều cơ hội kiếm tiền. Nhà đầu tư cần biến các thách thức thành cơ hội kiếm tiền và hỗ trợ thành phố”, ông Nhân nói.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.