Biến ruộng hoang thành hồ nuôi ốc, nam thanh niên thu nhập nửa tỷ đồng/năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với ước mơ thực hiện mô hình kinh tế trên mảnh đất quê nhà, anh Toại đã học hỏi kinh nghiệm, thuê lại những cánh đồng ruộng bỏ hoang để đào ao thả nuôi ốc bươu đen.

Biến ruộng hoang thành hồ nuôi ốc

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở thôn Long Lập, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, từ nhỏ anh Trần Đăng Toại (SN 1988) ấp ủ ước mơ thực hiện một mô hình kinh tế trên mảnh đất mình sinh ra. Trở về sau hai năm tham gia nghĩa vụ quân sự, anh vào miền Nam mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau.

Nhưng số tiền làm thuê cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống thường ngày. Biết khó có thể thực hiện ước mơ đã định sẵn, anh sang Thái Lan làm việc theo diện xuất khẩu lao động. Sau hai năm bươn chải nơi xứ người, khi có chút ít vốn, anh quyết định về quê để lập nghiệp.

Biến ruộng hoang thành hồ nuôi ốc, nam thanh niên thu nhập nửa tỷ đồng/năm ảnh 1

Mô hình nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) đang được phát triển nhân rộng.

Từ trong đầu chàng trai hình thành nhiều ý tưởng, mô hình nuôi con gì, trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế mang tính bền vững. Nhận thấy ốc bươu đen phù hợp với thời tiết, sinh sản tốt trên đất ruộng. Trong khi đó ở quê anh nhiều diện tích ruộng phải bỏ hoang, nên đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương thuê lại 1ha đất để đào ao thả ốc.

Không ngần ngại, chàng trai quyết tâm đi học tập kinh nghiệm từ các mô hình nuôi ốc bươu đen thành công ở các tỉnh khác. Có kinh nghiệm, kỹ năng, năm 2018, anh Toại bắt đầu thả lứa ốc giống đầu tiên xuống ao.

Biến ruộng hoang thành hồ nuôi ốc, nam thanh niên thu nhập nửa tỷ đồng/năm ảnh 2

Anh Toại bên các hồ nuôi ốc giống.

Thời gian nuôi lần đầu khiến chàng trai gặp không ít khó khăn khi ốc phát triển chậm, có những thời điểm nổi chết đầy trên mặt nước, tỷ lệ sống vụ đầu chỉ đạt 50%.

Vụ đầu chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng chàng trai trẻ không đầu hàng, tiếp tục “khăn gói” tìm đến một số mô hình khác để học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm nguyên nhân ốc chết. Từ những cố gắng này, ở lần thả nuôi thứ 2, tỷ lệ ốc chết giảm hẳn, tốc độ sinh trưởng tăng cao, mô hình bước đầu có những thành công mới.

“Ban đầu làm thì gặp nhiều khó khăn, bởi mô hình nuôi ốc không phải là mới, nhiều người từng nuôi nhưng không thành công. Chính vì thế khi đặt vấn đề thuê đất, chính quyền địa phương cũng không tin tưởng về hiệu quả của mô hình. Ngoài ra những năm trước dân chưa biết nên nhu cầu con giống tiêu thụ còn ít. Những khó khăn như vậy nhưng tôi quyết tâm không từ bỏ ước mơ, cố gắng làm, học hỏi kinh nghiệm”, anh Toại chia sẻ.

Thu nhập nửa tỷ đồng/năm

Anh Toại cho hay, sau 4 năm triển khai mô hình, nguồn thu nhập tăng dần, từ 100-200 triệu đồng/năm, đến năm 2020 thu nhập 500 triệu đồng/năm. Anh chủ yếu bán ốc giống, thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển thêm ốc thương phẩm.

Ốc tuy là loài sống dưới bùn đất nhưng rất ưa sạch. Vì thế anh Toại thường xuyên phải vệ sinh ao, thay nước xử lý môi trường bằng vôi, men vi sinh. Ngoài ra, thức ăn của ốc cần đầy đủ, đều đặn với các loại phụ phẩm nông nghiệp tự nhiên như: lá khoai, lá sắn, bèo phơi khô xay nhỏ…

Biến ruộng hoang thành hồ nuôi ốc, nam thanh niên thu nhập nửa tỷ đồng/năm ảnh 3

Những con ốc bươu bán thành phẩm trong hồ anh Toại.

Anh Toại chia sẻ, thời gian sinh sản của ốc bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch. Sau khi ốc sinh sản, cần gom trứng về nhà cho ấp để trứng nở từ từ. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm nên số lượng trứng đem vào nhà ấp nở đạt thấp, nhưng sau thời gian nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm thì số lượng trứng ốc nở đạt gần 100% như môi trường ngoài tự nhiên.

“Thời gian ấp trứng khoảng từ 14-19 ngày thì ốc sẽ nở 1 tổ. Sau đó chỉ cần nuôi từ 3-4 tháng có thể xuất bán. Hiện tại nhu cầu người mua ốc giống nhiều nên số lượng ốc thương phẩm mỗi năm chỉ bán được 2-3 tấn”, anh Toại chia sẻ.

Anh Toại cho hay, giá ốc thương phẩm giao động từ 55- 80 nghìn đồng/1kg; còn giá ốc giống từ 250-400 trăm đồng/con. Với mô hình kinh tế nuôi ốc này, những năm qua anh Toại đã tạo công ăn việc làm cho 5 đoàn viên tại địa phương.

Biến ruộng hoang thành hồ nuôi ốc, nam thanh niên thu nhập nửa tỷ đồng/năm ảnh 4

Từ mô hình nuôi ốc này nhiều thanh niên địa phương đã đến học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ốc, anh Toại cho cho rằng nếu am hiểu thực sự về ốc thì sẽ rất dễ nuôi vì thời tiết, khí hậu ở các tỉnh miền Trung phù hợp với loại con giống này. Đặc biệt chi phí đầu tư không quá lớn, cách chăm sóc dễ.

“Nuôi ốc chủ yếu ao hồ có diện tích rộng chừng 5m, dài tùy theo địa hình từng vùng. Ốc chủ yếu ăn phụ phẩm nông nghiệp, các thực phẩm tự nhiên như hoa quả, lá cây. Cách chăm sóc cũng không khó, chỉ cần tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi thì đạt thành quả tốt”, anh Toại nói.

Chị Lê Thị Huyền Trang – Bí thư Huyện đoàn Đức Thọ (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Toại là một trong những mô hình thanh niên phát triển kinh tế thành công ở địa phương. Ngoài tạo công ăn việc làm, những năm qua anh Toại hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho các bạn đoàn viên thanh niên học hỏi kinh nghiệm".

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.