Biến giấc mơ không tưởng thành hiện thực

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh - Đại sứ cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” trao giải Hoa khôi cho thí sinh Bế Thị Băng. Ảnh: Xuân Tùng
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh - Đại sứ cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” trao giải Hoa khôi cho thí sinh Bế Thị Băng. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Vượt qua rào cản khiếm khuyết hình thể, Bế Thị Băng, Lê Hương Giang và Phan Thị Kim Vân - ba “vầng trăng khuyết” đã mang đến những câu chuyện cổ tích thời hiện đại...

Vũ công một chân

Người mang đến bất ngờ đầu tiên tại đêm Chung kết “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” 2019 là cô gái dân tộc Tày Bế Thị Băng (ở Cao Bằng) khi trình diễn tiết mục tài năng nhảy múa. Tiết mục do cô tự biên đạo, kết hợp giữa điệu nhảy và nhạc của Tây Ban Nha, Ấn Độ và Ba Tư.

Từ ánh mắt biểu cảm, khuôn mặt rạng rỡ và cơ thể uyển chuyển lúc nhanh lúc chậm theo điệu nhạc, chẳng ai tin đó là cô gái chỉ còn một chân. Băng lạc quan, tự tin xuất hiện rạng rỡ trong bộ váy kiểu cách để lộ khiếm khuyết một bên chân và đi giày cao gót. “Tôi nhảy múa để thoả niềm yêu thích và rèn luyện sức khoẻ. Mỗi ngày, tôi đều dành 40 phút để tập luyện”, Băng nói.

Băng từng có tuổi thơ tung tăng chạy nhảy trên đôi chân lành lặn, nhưng trong một ngày định mệnh cô đã mất trọn chân phải dưới bánh xe container. “Mọi nỗi đau rồi cũng qua đi, tôi đã tự động viên bản thân quan trọng là vẫn còn được sống. Sống là hạnh phúc và ngày mai vẫn phải sống tiếp để bước qua những thử thách. Tôi tự nhủ người khuyết tật hay lành lặn đều có quyền được bình đẳng và được sống tự tin với chính mình”, Băng chia sẻ.

Từng tốt nghiệp ĐH Y Thái Nguyên và gắn bó với công việc nha khoa thẩm mỹ, hiện Bế Thị Băng mở phòng khám và kinh doanh căn hộ cho thuê, học thêm tiếng Đức. Với mong muốn chia sẻ câu chuyện bản thân và góp thêm tiếng nói tự tin, ý chí đến “ai đó còn đau khổ vì chân không lành lặn hay khiếm khuyết một phần cơ thể”, Băng đã tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết”.

MC truyền cảm hứng

Lê Hương Giang (Hà Nội) vẫn cho mình đã may mắn khi được sinh ra ở Hà Nội, được học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường cho trẻ khiếm thị. Giang khiếm thị nhưng không sử dụng gậy dò đường. Cô kể, có người bạn khiếm thị có thâm niên hơn chục năm đi gậy, thi thoảng lại gọi điện “khoe” một em gậy “hi sinh” do bị xe chẹt. Một cậu ở trường mỗi lần đi bộ chẳng may gậy chọc vào cái thúng, cái mẹt của người ta là nhận ngay câu mắng gắt: “Mù thì ra đường để làm gì?”…  

Giang buồn nhất khi biết không ít bạn học khá phải nghỉ học do phụ huynh không tin vào tương lai tốt đẹp của con mình. Nhiều bạn bỏ dở giấc mơ trở thành giáo viên, luật sư… vì thiếu niềm tin vào bản thân. “Tôi phấn đấu trở thành chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực người khuyết tật để mong gạt bỏ những rào cản đó”, Giang chia sẻ.

Bước ra khỏi “vòng tròn” của chính mình, Giang có nhiều cơ hội đến nhiều nơi, kết thêm nhiều bạn bè, nạp thêm những năng lượng tích cực trong cuộc sống. Cô cũng là chủ nhân của nhiều giải thưởng về khoa học, kỹ thuật. Giờ đây, Lê Hương Giang đang hiện thực hóa ước mơ trở thành chuyên gia tâm lý. Không những thế cô còn là MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình truyền cảm hứng.

Hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông công cộng

“Nếu cuộc đời cho được chọn lại, tôi vẫn muốn Vân của hiện tại- luôn có chiếc xe lăn là người bạn tri kỷ nâng bước chân tôi trên mọi chặng đường”, Phan Thị Kim Vân (Quảng Nam) tự tin chia sẻ.

Cách đây hai năm Vân kiên trì chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển, dù nhiều lần đứng nhìn xe lướt qua mà bản thân bất lực với hai hàng nước mắt. “Thực tế, tôi là người khuyết tật, sẽ còn nhiều trở ngại và thách thức. Nhưng tôi không tin mọi chuyến xe đều bỏ mình, mọi người đều vô cảm khi nhìn thấy mình. Đi, tiếp tục đi, kiên trì đi, rồi tôi nhận ra tất cả đều là những trải nghiệm thú vị”, Vân chia sẻ.

Từ câu chuyện bản thân, Vân có động lực hành động để giúp những người đồng cảnh ngộ khác vượt qua khó khăn ban đầu. Năm 2016, cô và người bạn thân thực hiện ý tưởng: “Hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông công cộng”, cụ thể là xe buýt trong chương trình Upshift do Unicef và Vye tổ chức. Dự án đã có những tác động tích cực và thiết thực, các bạn khuyết tật đã tự tin hơn khi tham gia sử dụng phương tiện công cộng, nhiều bạn biết cách hỗ trợ người khuyết tật...

“Giờ đây việc đi xe buýt là niềm vui mỗi ngày đối với tôi. Tôi nghĩ đó là cơ hội để người ta giúp đỡ mình, cũng là cơ hội để bản thân hòa nhập và sống có ý nghĩa hơn”, Vân chia sẻ.

Biến giấc mơ không tưởng thành hiện thực ảnh 1 Phan Thị Kim Vân. Ảnh: Xuân Tùng

Chung kết “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” 2019 khép lại, các danh hiệu cao nhất thuộc về các thí sinh: Bế Thị Băng - Hoa khôi và giải Tài năng, Yêu thích nhất; Lê Hương Giang - Á khôi 1; Phan Thị Kim Vân - Á khôi 2 và giải Ứng xử, Thân thiện nhất. 

MỚI - NÓNG