Biến động Syria, Triều Tiên, ông Trump và Putin ‘ngày càng xa nhau’

Quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Donald Trump đang bị thử thách bởi biến động ở Syria và Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP
Quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Donald Trump đang bị thử thách bởi biến động ở Syria và Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP
TPO - Những tưởng quan hệ Mỹ - Nga sẽ nồng ấm sau khi ông Donald Trump trở thành người đứng đầu Nhà Trắng. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây liên quan tới Syria và Triều Tiên cho thấy, có vẻ như Washington đang dần từ bỏ chính sách tăng cường quan hệ với Moscow.

Sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 8/11/2016, phương hướng của mối quan hệ Nga-Mỹ đã nhận được sự chú ý của dư luận thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin là người đầu tiên gửi lời chúc mừng tới ông Trump. Sau đó, lãnh đạo hai bên đã phát đi cho nhau những tín hiệu hữu nghị, thường xuyên liên hệ với nhau, khiến cả thế giới tập trung theo dõi.

Đặc biệt, ông Trump chưa từng có phát ngôn nào không hay về ông Putin. Hơn nữa, đội ngũ cố vấn của ông Trump cũng thường xuyên gặp gỡ các nhà ngoại giao Nga và một số trong nhóm này cũng đã nhận tiền từ các công ty của Nga.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây liên quan tới tình hình Syria và căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy, có vẻ như chính quyền của Tổng thống Trump đang dần từ bỏ chính sách tăng cường quan hệ với Nga. Điều này khiến cho việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ là điều không dễ dàng và vẫn còn nhiều vướng mắc.

Mỹ không thể hoà hợp với Nga

Theo giới phân tích, dù chính sách ban đầu trong quan hệ với Nga như thế nào thì rõ ràng áp lực của Quốc hội, giới chuyên gia và truyền thông Mỹ đang buộc ông Trump phải điều chỉnh chính sách với Moscow.

Ngày 12/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng quan hệ giữa Mỹ và Nga “có thể đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm”. Tại buổi họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump nói Mỹ “sẽ không hòa hợp được với Nga nữa”.

Bên cạnh đó, việc Mỹ tấn công quân chính phủ Syria và loại một số nhân vật thân cận với Nga ra khỏi đội ngũ cố vấn của ông Trump, chẳng hạn cựu Cố vấn An ninh Michael Flynn, người điều hành chiến dịch tranh cử Paul Manafort và thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Steve Bannon… đều là những dấu hiệu cho thấy ông Trump đang "xa lánh" nước Nga. 

Biến động Syria, Triều Tiên, ông Trump và Putin ‘ngày càng xa nhau’ ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận quan hệ Mỹ - Nga “đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm”. Ảnh: FFP

Đặc biệt, việc Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga đã bay vào Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) của Mỹ ở ngoài khơi Alaska hôm 17/4, tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận cáo buộc trên cũng là nhân tố khiến cho quan hệ Mỹ-Nga còn nhiều nghi ngờ.

Ngoài ra, các nghị sỹ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ đã gia tăng áp lực đối với ông Trump sau các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ năm 2016.

Nhiều cố vấn của ông Trump bị các cơ quan an ninh quốc gia và tình báo điều tra. Cuối cùng, ông Trump đã phải công nhận rằng Nga đã cố gắng tác động, gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Các chuyên gia Mỹ cùng chung nhận định rằng ông Trump sẽ không thể xây dựng đội ngũ an ninh quốc gia có quan điểm thân Nga. Nếu ông Trump cố gắng làm điều này, đồng nghĩa với việc ông sẽ vướng phải các rào cản từ phía Quốc hội Mỹ.

Niềm tin suy giảm

Trong một cuộc phỏng vấn trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson, Tổng thống Nga Putin cho rằng sự tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và Mỹ, nhất là về quân sự, đã bị hủy hoại trong những tháng đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tiếp đó, ông Dmitry Peskov - Phát ngôn viên của Tổng thống Putin - tuyên bố rằng: quan hệ Nga-Mỹ đang trong tình trạng tồi tệ nhất từ trước tới nay.

Ông Trump hiện đang tiến hành những điều chỉnh lớn trong chính sách đối với Nga. Mặc dù coi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã “lỗi thời” và từng ám chỉ việc Mỹ có thể chấp nhập chuyện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, song chính sách thân thiện với Nga của ông Trump đã thay đổi trong vài tuần gần đây. 

Hiện các phương tiện truyền thông Nga đang đề cập đến việc cần kết thúc “ảo tưởng” trong quan hệ với Mỹ. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vẫn khẳng định, dù Mỹ đã tấn công Syria vào ngày 7/4 vừa qua, song các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này sẽ không có hồi kết.

Trên thực tế, sự thay đổi này không chỉ diễn ra từ phía chính quyền Mỹ. Sau khi ông Trump nhậm chức, Nga cũng đã gia tăng các hành động bạo lực ở miền Đông Ukraine, đồng thời triển khai tên lửa hành trình và thường xuyên “thử thách” các tàu chiến Mỹ ở Biển Đen. 

Biến động Syria, Triều Tiên, ông Trump và Putin ‘ngày càng xa nhau’ ảnh 2 Hành động tấn công tên lửa vào Syria của Mỹ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ Nga - Mỹ. Ảnh: Reuters

Tưởng chừng quan hệ Mỹ-Nga sẽ "đơm hoa kết trái" dưới thời của Tổng thống Donal Trump. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy Mỹ-Nga khó có khả năng đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi.

Mối quan hệ Nga-Mỹ không những bị kìm hãm bởi nhiều nhân tố và mâu thuẫn phức tạp, mang tính lịch sử và hiện thực, mà còn bị kiềm chế bởi mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu, đặc biệt là sự thay đổi và biến động của tình hình thế giới.

Điều này khiến cho việc cải thiện và phát triển quan hệ Mỹ-Nga là điều không hề dễ dàng trong thời gian tới. 

MỚI - NÓNG