Biển Đông 2011

Biển Đông 2011
TP - 2011 là một năm xảy ra nhiều sự kiện dồn dập trên Biển Đông và diễn ra nhiều vận động quân sự - chính trị liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Có thể khái quát những điều này bằng một cụm từ ngắn gọn: Biển Đông bừng tỉnh.

Việt Nam

Ngày 26-5-2011, 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam để uy hiếp và cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gây nên sự chý ý của dư luận trong và ngoài nước.

Đây có thể coi là giọt nước tràn ly, và Việt Nam như bừng tỉnh trước áp lực về tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đã tiến hành tranh chấp toàn diện trên Biển Đông, từ quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao đến thông tin truyền thông. Trước đó, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc ủi chìm, ngư dân bị họ bắt làm con tin và đòi tiền chuộc. Nhưng Việt Nam muốn hòa bình và chỉ dừng lại ở việc ra tuyên bố “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, và tiến hành các thủ tục ngoại giao để đưa tàu, đưa người về nhà.

Nhưng do tính chất nghiêm trọng của sự kiện Bình Minh 2 và sau đó là sự kiện tàu thăm dò địa chấn Viking 2 cũng của Tập đoàn Dầu khí bị quấy phá cũng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, do tính chất leo thang rõ rệt, và do tính lặp lại của các sự kiện này, chúng ta như bừng tỉnh. Chỉ một ngày sau sự kiện Bình Minh 2, Bộ ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc để trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vi phạm chủ quyền đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho tàu Bình Minh 2. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã chính thức nêu lên tại Diễn đàn an ninh Châu Á lần thứ 10, diễn ra sau một tuần sau đó ở Singapore.

Đáng ghi nhận hơn, toàn dân Việt Nam, từ các hội đoàn như Hội Luật gia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đến các cá nhân, đã tổ chức nhiều hoạt động chính thức phản đối sự xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Báo chí, truyền thông cũng vào cuộc. Chưa bao giờ thông tin về biển đảo lại tràn ngập trên mặt báo như năm 2011 vừa qua.

Trong nước bừng tỉnh!

Nhà văn hóa thị trấn Trường Sa
Nhà văn hóa thị trấn Trường Sa.

Quốc tế

Những diễn biến trên Biển Đông khiến không chỉ trong nước, mà cả quốc tế cũng bừng tỉnh: 7 nước ASEAN đã “cùng kêu gọi việc tìm ra giải pháp hòa bình và sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông”. Trước đó, Philippines đã có nhiều hành động mạnh mẽ nhằm phản đối sự gia tăng tranh chấp của Trung Quốc. Chính phủ Philippines đã chuẩn bị hồ sơ để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Nhân dân Philippines cũng tổ chức biểu tình để phản đối Trung Quốc gây hấn.

Đáng chú ý hơn, hai thượng nghị sĩ Mỹ, Jim Webb và James Inhofe, đã đệ trình một nghị quyết lưỡng đảng mang tên “Kêu gọi một giải pháp đa phương, hòa bình cho những tranh chấp lãnh hải ở Đông Nam Á” để “yêu cầu Trung Quốc ngưng các hành động quân sự và trở lại bàn đàm phán đa phương để giải quyết các vấn đề chủ quyền”.

Sau vụ va chạm giữa các tàu Trung Quốc và tàu Impacable của Mỹ ngày 8-3-2009, và đặc biệt sau những gia tăng áp lực từ Trung Quốc lên các nước ASEAN có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, nước Mỹ đã chuyển chú ý đến Biển Đông với tuyên bố Mỹ có “quyền lợi quốc gia quan trọng” ở khu vực này của Ngoại trưởng H. Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội tháng 7 - 2010. Mới đây nhất, ngày 16-11-2011, trong chuyến thăm Australia, tổng thống Mỹ B. Obama đã tuyên bố sẽ triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ tại căn cứ hải quân Darwin, cách Biển Đông không xa.

Quốc tế bừng tỉnh!

Trực diện sự thật

Ngày 25-11-2011, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội khóa 11, Thủ tướng chính phủ đã công bố: “Năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”.

Biển Đông 2011 ảnh 2

Đây là lần đầu tiên việc Hoàng Sa bị cưỡng chiếm được đưa ra công luận bởi người đứng đầu chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã trực diện sự thật.

Chúng ta đã đưa ra một sự thật. Đó là: Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974. Còn Trường Sa và Biển Đông đang bị tranh chấp dữ dội từ Trung Quốc và nhiều nước khác trong khu vực.

Chúng ta đã mất gần bốn mươi năm. Đó là một khoảng thời gian quá dài. Đó là cả một sự chuyển đổi khó khăn. Nhưng đó là bước cần thiết đầu tiên để tìm ra giải pháp. Chính nhờ vào việc trực diện sự thật của người đứng đầu chính phủ, lần đầu tiên, giải pháp đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình đã được đưa ra bàn thảo trước công luận.

Rồi đây, sẽ còn rất nhiều sự kiện và tư liệu lịch sử liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông đòi hỏi thái độ nhìn thẳng vào sự thật như sự thật về Hoàng Sa bị cưỡng chiếm. Sự thật đó có thể gây đau đớn, nhưng không thể tránh vì vô cùng cần thiết cho việc tìm ra các giải pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Sẽ còn nhiều việc phải làm. Sẽ phải kiên cường bền bỉ lâu dài. Và chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi chúng ta đã trực diện sự thật, khi toàn dân góp sức tìm giải pháp và đồng lòng hành động thì không khó khăn nào có thể ngăn cản được.

Với Biển Đông, năm 2011 là một năm bừng tỉnh: Trong nước bừng tỉnh, quốc tế bừng tỉnh và sự thật về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông thoát khỏi vùng lặng, bừng tỉnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.