Biến đổi khí hậu làm sạt lở hàng trăm km vùng ĐBSCL

TPO - Biến đổi khí hậu và những tác nhân khác càng làm cho tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL gia tăng, phức tạp, đe doạ đến sản xuất và đời sống hơn 20 triệu người trong vùng. Vùng ĐBSCL có 770 km bờ biển, xuất hiện 526 vị trí bờ sông, bờ biển sạt lở với 786 km.

Ngày 9/4, tại tỉnh Cà Mau, hội thảo “Giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL” đã thu nhận thực trạng sạt lở, kinh nghiệm chống sạt lở và giải pháp xử lý sạt lở từ Bộ NN- PTNT, các nhà khoa học, chuyên gia, chính quyền, cơ quan quản lý dự án… 13 tỉnh.

Biến đổi khí hậu làm sạt lở hàng trăm km vùng ĐBSCL ảnh 1 Quang cảnh hội thảo

Thứ trưởng thường trực Bộ NN- PTNT Hà Công Tuấn nói: Biến đổi khí hậu nhanh, phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các địa phương tìm ra giải pháp hiệu quả để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và sẽ có chuyến di thực địa ven biển Cà Mau.

Biến đổi khí hậu và những tác nhân khác càng làm cho tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL gia tăng, phức tạp, đe doạ đến sản xuất và đời sống hơn 20 triệu người trong vùng. Vùng ĐBSCL có 770 km bờ biển, xuất hiện 526 vị trí bờ sông, bờ biển sạt lở với 786 km. Trong đó, có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với 164 km (38 sạt lở bờ sông, dài 79 km, sạt lở bờ biển 19 điểm, dài 85 km).

Biến đổi khí hậu làm sạt lở hàng trăm km vùng ĐBSCL ảnh 2 Sạt lở ven biển nghiêm trọng tại Cà mau

Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng để triển khai 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển. Bộ NN- PTNT đề nghị Thủ tướng xử lý sạt lở 1.000 tỷ đồng ngồn đầu tư trung hạn, 36 triệu USD từ dự án WB, ADB. Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng trong việc triển khai dự án chống sạt lở, xử lý cấp bách.

Biến đổi khí hậu làm sạt lở hàng trăm km vùng ĐBSCL ảnh 3 Sạt lở huỷ hoại các công trình hạ tầng ven biển

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi Cà Mau cho biết: có 254 km bờ biển, sông ngòi chằng chịt với hàng trăm cửa sông thông ra biển, xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Giải pháp trong thời gian qua đã gia cố được 18 km kè ngầm, tạo bãi, trồng rừng mang lại hiệu quả cao nhưng chi phí cao.

Tiến sĩ Đỗ Đức Dũng, Viện khoa học thuỷ lợi Miền Nam cho rằng, giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông cần giải pháp công trình gắn với giải pháp phi công trình là khôi phục đai rừng để bảo vệ đê biển. 

Đại diện Sở NN- PTNT Đồng Tháp cho biết, đang triển khai dự án khảo sát dòng chảy Sông Tiền để ứng phó sạt lở chủ động và hỗ trợ sinh kế người dân bị ảnh hưởng.

Biến đổi khí hậu làm sạt lở hàng trăm km vùng ĐBSCL ảnh 4 Kè ngầm tạo bãi, trồng rừng...đang phát huy tác dụng ở Cà Mau

Tiến sĩ Vũ Văn Việt, Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam cho biết, đã nghiên cứu nhiều đề tài phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL. Giải pháp công trình và phi công trình ven biển Cà Mau mang lại kết quả. Tiến sĩ Vũ Văn Việt đề xuất kết hợp, cần nghiên cứu loại cây phù hợp, có khả năng chống chịu và chuyển giao người dân trồng để bảo vệ bờ sông, bờ biển.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Những ưu đãi của thiên nhiên, xài hết rồi, ĐBSCL đang chìm, chúng ta cố kéo dài quá trình đó, càng dài càng tốt và cho đến chìm hẳn thi thôi. Tôi đề nghị Bộ NN- PTNT có khảo sát, đánh giá, xây dựng qui hoạch, giải pháp xử lý sạt lở vùng ĐBSCL để hành động như cấm khai thác cát, khai thác nước ngầm hợp lý”.

Biến đổi khí hậu làm sạt lở hàng trăm km vùng ĐBSCL ảnh 5 Sạt lở bờ sông do thiếu hụt phù sa đang lan rộng

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói: "Giải pháp công trình, phi công trình đã có. Hiện nay, khó khăn là tài chính chống sạt lở, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở đất. Vây, Bộ NN- PTNT đề nghị Thủ tướng cho triển khai công trình cuốn chiếu, có thể tập trung ở Cà Mau, rồi đến các tỉnh khác mà không nên dàn trải, không đồng bộ, lãng phí".

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất: "Bộ NN- PTNT chưa xử lý dứt điểm, đi đến cùng xã hội hoá trong chống sạt lở. Doanh nghiệp đề xuất xây dựng kè bảo vệ đê biển và họ được sử dụng, khai thác phần đất phía trong để làm kinh tế có được không?"

Thứ trưởng thường trực Bộ NN- PTNT Hà Công Tuấn kết luận: Lượng phù sa sẽ tiếp tục giảm, sẽ còn 30% trong thời gian tới. Việc khai thác cát, khai thác nước ngầm sao phù hợp? Đất liền sụt lún, nước biển dâng đang đặt ra khả năng thích ứng.

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn giao cho "Tổng cục phòng chống thiên tai rà soát những điểm sạt lở, có phương án xử lý. Chúng ta chống sạt lở phải gắn với sinh kế người dân. Đồng thời, các địa phương phải gần dân hơn, cảnh báo kịp thời, xử lý nhanh những biến đổi bất thường với những công trình, phi công trình".

MỚI - NÓNG