Bích Phương giành Vàng, cả làng chia vui

Bích Phương giành Vàng, cả làng chia vui
Khoảng hơn 1 kg giò, 2 kg chả và 1 mâm lòng lợn, dạ dày cùng 1 xô kiệu muối vẫn chưa bán hết, dù đã cuối giờ chiều nhưng quầy hàng của cô Nguyễn Thị Kim Oanh vẫn ảm đạm và thưa khách như bao ngày khác ở cái Làng Lở, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội hơn 20km này.
Trời tối dần nhưng dòng người vẫn không ngớt đổ về nhà Bích Phương
Trời tối dần nhưng dòng người vẫn không ngớt đổ về nhà Bích Phương.

Nhưng bỗng thật ngạc nhiên vì càng lúc càng có đông người với những nụ cười thường trực trên môi tới chia vui với mình. Hoá ra họ hàng và bà con hàng xóm nghe tin con gái của cô, VĐV karatedo Lê Bích Phương mới giành được tấm huy chương vàng tại Asian Games 16.

Đối với nhiều người dân quê, có thể họ chưa hiểu hết ý nghĩa của tấm HCV “quý hơn vàng” của Bích Phương nhưng văn hóa cộng đồng của 1 làng quê thuần Việt vẫn khiến không khí của Làng Lở vui như mở hội. Và cô Oanh cũng không giấu nổi niềm vui cùng sự tự hào về cô con gái cưng của mình. Mặc dù vậy, cô vẫn phải đứng bán cho hết chỗ hàng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Là con gái lớn trong một gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, dưới Phương là 1 cậu em trai, con đường đến với thể thao của cô gái 18 tuổi này đã phải trải qua không ít gian nan. Ông nội và bố của Lê Bích Phương cho biết, Phương đã từng suýt phải bỏ học vì có những lúc gia đình phải đi vay mượn “từng trăm bạc” để đóng tiền học phí cho con. Cơ hội “làm 1 điều gì đó” đến năm Phương 13 tuổi, khi ngành thể dục thể thao địa phương phát hiện và đánh giá cao những tố chất của cô. Quãng thời gian ban đầu “ăn tập” tại Trịnh Hoài Đức, Hà Nội thực sự rất vất vả với gia đình vì buổi sáng Phương học văn hóa ở quê, buổi chiều lại cùng bố bắt xe buýt đi tập luyện. Nắng cũng như mưa, 2 năm đằng đẵng. Số tiền trợ cấp ban đầu tuy còn ít ỏi nhưng nó cũng giúp Phương có niềm tin và hy vọng vào con đường mình đã chọn.

Trời mỗi lúc 1 tối dần trong cái lạnh của mùa đông miền Bắc. Nhưng dòng người vẫn không ngớt đổ về nhà Bích Phương. Đã lâu căn nhà cấp 4 xây từ năm 1959 mới lại ấm áp và đầy ắp tiếng cười như thế. Ai cũng muốn nói hay làm 1 điều gì đó cho cái ngày có thể xem là trọng đại nhất của làng Lở này. Nhiều người hiếu kỳ tập trung trước cửa nhà Phương khiến cho 1 góc làng bỗng trở nên ồn ào, náo nhiệt thay cho cái vẻ vắng lặng thường thấy.

Cô Oanh vẫn chưa đi chợ về, nhưng ông Lê Văn Vang (bố của Lê Thị Phương) đã chuẩn bị sẵn mâm cơm nho nhỏ rồi. Bình thường, ông ít khi vào bếp. Và trong hơi men hứng khởi, ông Vang hào hứng kể về những chiến tích của cô con gái rượu. Đã có những lúc ông từng có ý khuyên con không theo nghiệp thể thao nhưng bây giờ, chắc suy nghĩ ấy không còn tồn tại. Cô Oanh cũng vậy, con đường đi chợ về hôm nay chắc sẽ không nặng trĩu giống như ngày thường.

HCV Asian Games ở tuổi 18 giống như 1 món quà đặc biệt mà chỉ có trong tiểu thuyết người ta mới dám nghĩ tới. Nhưng đối với Phương, món quà lớn nhất vẫn là niềm tự hào của gia đình và tất cả những người dân làng Lở, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo Thể thao văn hóa

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG