40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc

Bia thiêng bên dòng Kỳ Cùng

Các CCB Sư đoàn 337 vui mừng ngày gặp lại ảnh: Duy Chiến
Các CCB Sư đoàn 337 vui mừng ngày gặp lại ảnh: Duy Chiến
TP - Trong các trận chiến không cân sức giữa quân ta và lính Trung Quốc đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, quả cảm, hy sinh vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Một trong những địa danh làm bạt vía quân thù, đó là trận đánh ở cầu Khánh Khê bên dòng sông Kỳ Cùng. 

Lũy thép

Chúng tôi cùng các Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 337 đến khu vực cầu Khánh Khê nằm giáp ranh giữa hai huyện Cao Lộc và Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn). Đến đây vào dịp Tết đến, Xuân về, mọi người nhớ nhiều hơn về chiến tích xưa, về các đồng đội từng kề vai sát cánh trên chiến hào, nay kẻ còn, người mất.

Thiếu tá Nguyễn Nhật Chiến, nguyên Trưởng ban hậu cần sư 337 chỉ về phía đồi trước mặt, xúc động nhớ lại và kể: Năm 1979, Sư đoàn 337 đang làm nhiệm vụ tại Quân khu 4 thì được điều động lên biên giới phía Bắc. Vừa hành quân thần tốc, vừa bổ sung lực lượng, đến ngày 25/2/1979, cơ bản lực lượng của Sư đoàn đã đến khu vực cầu Khánh Khê, lập tức bước vào chiến đấu. 

“Với vị trí chiến lược này, quân Trung Quốc tìm mọi cách vượt qua cầu Khánh Khê, băng qua sông Kỳ Cùng để vu hồi về phía đèo Sài Hồ và thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), từ đó bao vây thị xã Lạng Sơn. Địch đã tập trung rất đông quân cùng hỏa lực mạnh và bằng mọi giá xé tan tuyến phòng thủ của ta. Cuộc chiến 12 ngày đêm tại Khánh Khê đã diễn ra vô cùng ác liệt”. Thiếu tá Chiến hồi tưởng. 

Trong suốt cuộc chiến đấu từ 28/2 đến 5/3/1979, những người lính của Sư đoàn 337 cùng quân, dân huyện Văn Quan đã chiến đấu anh dũng, kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” quyết không để địch vượt qua được sông Kỳ Cùng. 

Theo lịch sử truyền thống của Sư đoàn 337, trong các trận chiến, ta đã tiêu diệt 8 xe tăng và thu được một số vũ khí, chặn đứng và đánh bại ý định vu hồi bao vây chia cắt Lạng Sơn của quân địch. 

“Sau trận chiến ở cầu Khánh Khê, các nhà sử học trên thế giới đã nhận định rằng, chưa bao giờ quân xâm lược lại phải mất nhiều thời gian để tiến công như vậy. Ước tính mỗi ngày chúng chỉ đi được 0,8 km và có lẽ đây cũng là lần quân xâm lược tập trung đông nhất, nhưng cũng là lần tiến công ì ạch nhất, lực lượng bị tiêu hao nhiều nhất. Chính vì vậy, đối phương phải dừng bước, rút quân, thua ê chề trên mọi phương diện”, thiếu tá Chiến nói.

Tuy nhiên, trong trận chiến này, có hơn 650 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã nằm xuống hai bên bờ sông Kỳ Cùng, trong đó có nhiều lính trẻ đang ở độ tuổi mười chín, đôi mươi đến nay vẫn chưa tìm được thi thể... 

Trường tồn

Hướng ánh nhìn về phía cầu Khánh Khê, thiếu tá cựu binh Nguyễn Nhật Chiến cho biết, khoảng cuối năm 1979, đầu năm 1980, ngay tại vị trí đầu cầu Khánh Khê, Sư đoàn 337 cùng quân, dân huyện Văn Quan đã xây dựng một cột bia chiến thắng để tưởng niệm những người đã hi sinh. Lúc đó tình hình biên giới Việt - Trung vẫn khá căng thẳng, đất nước vô cùng khó khăn.

“Để có được nguyên vật liệu xây dựng cột bia phải vận động chỗ này một chút, xin chỗ kia một chút, không hề dễ dàng gì. Nhưng Sư đoàn vẫn quyết làm bằng được vì đó thực sự là một công trình thiêng liêng, giàu ý nghĩa. Nó không chỉ là cột bia chiến thắng để thờ, nhớ ơn các anh đã ngã xuống, mà còn mang ý nghĩa chốt chặn, cột mốc cảnh giác trước quân thù”, thiếu tá Chiến nói.

Cột bia chiến thắng Khánh Khê được xây dựng bằng gạch, xi măng cao 5 m, hai cạnh có kích thước 1,2 m x 1,5 m. Chính giữa mặt bia khắc chìm dòng chữ: “Tại đây, Sư đoàn 337 đã đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược.”. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong vùng đèn nhang tri ân vào các ngày rằm, mồng một hằng tháng và các ngày lễ tết. 

Khi đề cập đến vấn đề bia mộ, đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh (nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, cựu chiến binh Sư đoàn 337) cho biết, khoảng đầu năm 2010, nghe tin tấm bia tưởng niệm của Sư đoàn 337 bị hư hại, nơi đây lại chuẩn bị làm công trình thủy điện Thác Xăng, tấm bia có nguy cơ bị ngập hoàn toàn trong nước nên cán bộ, chiến sỹ, cựu chiến binh rất lo lắng. Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn, đại tá Nguyễn Chấn, tuổi gần 90 đang bị bệnh cũng phải gượng nói như ra lệnh cho đồng đội cũ: “Chúng ta phải khôi phục bằng được bia chiến thắng, phải bù đắp cho đúng với xương máu của đồng đội đã hy sinh anh dũng bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Chính vì vậy, mặc dù còn những khó khăn, vất vả song đầu năm 2012, công trình Nhà bia chiến thắng Sư đoàn 337 Anh hùng được khởi công xây dựng ở một quả đồi cao, đẹp, thoáng, không tên, thuộc thôn Pác Péc, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, nằm kề cạnh sông Kỳ Cùng, sát nơi diễn ra các trận đánh oanh liệt nhất của quân dân ta. 

Nhà bia có diện tích trên 60 m2 nằm trong khuôn viên hơn 200 m2 với tổng giá trị gần 600 triệu đồng, từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ các thế hệ Sư đoàn 337 và sự hỗ trợ của UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tư lệnh Quân khu I được hoàn thành đúng ngày 27/7/2012. Năm 2014, UBND huyện Cao Lộc còn đầu tư hơn 600 triệu đồng để xây dựng đường lên xuống nhà bia, tiện lợi cho mọi người đến thăm viếng.

Khúc hát tri ân

Chúng tôi cùng các CCB Sư đoàn 337 thắp tâm nhang tri ân ở “Nhà bia chiến thắng”. Ngọn gió đầu xuân vi vu trong nắng chiều tà. 

Ông Ngô Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Bình Trung (huyện Cao Lộc) cho biết: Sau khi Nhà bia chiến thắng Sư đoàn 337 được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, Ban đại diện cựu chiến binh Sư đoàn đã tổ chức bàn giao cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý, chăm sóc, bảo vệ từ 26/7/2017. Nhân dịp 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019), có nhiều lượt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong vùng đến dâng hương, dâng hoa, tri ân các anh hùng liệt sỹ. 

Bia thiêng bên dòng Kỳ Cùng ảnh 1  CCB Sư đoàn 337, cấp ủy địa phương dâng hương, dâng hoa tại “Nhà bia chiến thắng Sư 337 - Ảnh: Duy Chiến

Chúng tôi tản bộ xuống chân đồi Pác Péc khi trời đã về chiều. Hương tỏa cùng dòng nước vỗ quanh đôi bờ Kỳ Cùng như nhắc lại chiến tích bi hùng ngày trước. Lúc chia tay, đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh cho biết, với những thành tích xuất sắc, nhiều tập thể, cá nhân của đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, quân đội. Đặc biệt, Sư 337 vinh dự được tặng danh hiệu “Đoàn Khánh Khê”.

 

 “Nằm yên bình trên một quả đồi nhỏ bên bờ sông Kỳ Cùng, nếu chỉ đọc những dòng chữ ngắn ngủi được khắc trên hai mặt tấm bia chiến thắng, có lẽ nhiều người không thể hình dung, chính nơi đây 40 năm trước từng là một chiến trường ác liệt đầy máu xương của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 337 trong 12 ngày đêm ác liệt, ngăn bước quân thù”. 

Thiếu tá, CCB Nguyễn Nhật Chiến

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.