Ngày 17/11, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương thông tin, nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh trong những ngày qua, địa phương đã tổ chức họp với đầy đủ các thành phần tham dự.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, địa phương đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên hàng đầu, kể cả khi trở về trạng thái bình thường mới. Theo ông Lợi, muốn mở cửa để phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững trước hết phải phòng, chống dịch bệnh thật tốt. Do đó, trong điều kiện, tình hình hiện này, Bình Dương sẽ tổ chức giao ban 2 ngày/lần nhằm đánh giá và đưa ra giải pháp ứng phó nhanh, phù hợp nhất.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, những ngày qua, mặc dù số ca mắc ghi nhận trên 600 ca mỗi ngày nhưng chủ yếu trong khu vực phong tỏa. Mặt khác, F0 ghi nhận mới không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Số lượng F0 được phát hiện trong cộng đồng có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, trung bình ghi nhận trên 50 ca/ngày.
Hiện nay, một bộ phận người dân chủ quan lơ là khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, không tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành y tế, vẫn còn trường hợp không đeo khẩu trang, hàng quán còn tụ tập đông người.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (bìa trái) đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong doanh nghiệp |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị Sở Y tế phối hợp với các ngành mở chiến dịch truyền thông sức khỏe, thích ứng an toàn phòng, chống dịch COVID-19; trong đó xây dựng hướng dẫn cho người dân phác đồ điều trị COVID-19 theo Đông y. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành nghiêm biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo 5K.
“Ban Chỉ đạo các cấp đẩy mạnh kiểm tra bằng mọi biện pháp, không được để dịch bệnh bùng phát trở lại. Khi kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch thẳng tay xử lý”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh.
Đối với việc bố trí F0 điều trị tại nhà, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đề nghị ngành y tế phải cử người theo dõi sát sao, cấp thuốc cho người dân kịp thời, tuyệt đối không được để F0 tử vong tại nhà. Lực lượng y tế theo dõi F0 tại nhà phải trên nguyên tắc 5 đủ (Đủ người, đủ thuốc, đủ oxy, đủ phương tiện, đủ ngân sách để phòng chống dịch).
Để giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận y tế nhanh nhất, Bình Dương thành lập 153 trạm y tế lưu động, trong đó có 31 trạm trong cụm, khu công nghiệp. Hiện lực lượng này đang quản lý, theo dõi sức khỏe cho hơn 6.800 F0 tại nhà.
Các trạm y tế theo mô hình này dựa trên tiêu chí cứ 15.000 dân có 1 trạm, không phân chỉ tiêu. Mỗi trạm y tế truyền thống và trạm lưu động phải có ít nhất 10 giường bệnh điều trị F0, 200 trạm xá thì có 2.000 F0 nhẹ điều trị tại cơ sở để giảm tải cho tuyến huyện.
Bình Phước chính thức bỏ yêu cầu trình giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 đối với người dân từ vùng dịch cấp độ 2, 3 khi vào vào địa phương.
Ngày 17/11, UBND tỉnh Bình Phước có công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành và địa phương về việc điều chỉnh quản lý giám sát người về từ các khu vực có dịch COVID-19.
Theo đó, kể từ hôm nay người dân từ vùng dịch cấp độ 2, 3 thuộc TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về Bình Phước khi qua cửa ngõ vào tỉnh sẽ không phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72h.
Với quyết định mới này, giúp người dân, doanh nghiệp giảm được rất nhiều thời gian và chi phí khi vào tỉnh Bình Phước. Bình Phước là tỉnh cuối cùng khu vực Đông Nam Bộ bỏ quy định này.
Tính đến trưa 17/11, toàn tỉnh này đã ghi nhận 3.845 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch lần thứ tư. Trong đó, có 2.034 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện.