Cụ thể, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra nguy cơ thứ nhất là những người đã điều trị khỏi bệnh có thể dương tính trở lại. Ví dụ ở Hàn Quốc đã chữa trị khỏi cho hơn 8.500 người thì có 200 người dương tính trở lại (tỷ lệ khoảng 2,3%). Cho nên hiện nay TPHCM có 53 người đã điều trị khỏi (trừ những người nước ngoài đã về nước) thì TPHCM tiếp tục theo dõi các trường họp này và xét nghiệm lại.
Theo ông Nhân, nguy cơ thứ 2 là người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục về, đây là nguồn lây nhiễm cần chú ý. Do đó khâu thực hiện cách ly những người từ nước ngoài về là rất quan trọng trong việc kiểm soát nguồn lây nhiễm. TPHCM cần nghiên cứu chuẩn bị các khu cách ly vì về lâu dài không thể trưng dụng kí túc xá ĐH Quốc gia, sinh viên phải đi học lại. Do đó TPHCM có thể xây dựng trung tâm dã chiến…
Nguy cơ thứ 3 mà ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra là sau này khi mở cửa cho các đối tác thương mại đầu tư và du lịch vào thành phố. Việc này TPHCM cần phải tính toán và lên phương án giám sát hàng nghìn người là các chuyên gia, kỹ sư các doanh nghiệp nước ngoài vào làm việc.
“Ngắn hạn lo ngay khâu đầu là những trường hợp tái nhiễm và người Việt Nam từ nước ngoài về kiểm soát được, còn khâu thứ 3 quy mô lớn hơn thì cần tính toán dần”, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Qua bài học thực tiễn phòng chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy TPHCM nêu lên 3 phương châm cần làm. Đó là ngăn chặn, phát hiện kịp thời triệt để nguồn lây nhiễm từ nước ngoài vào; phát hiện cách ly kịp thời triệt để các trường hợp nhiễm bệnh; mỗi người dân phải tự lo phòng dịch cho bản thân, cho cơ quan tổ chức và cho cộng đồng dân cư.