Bí thư Hà Nội khuyến khích cán bộ ra hiện trường

Bí thư Thành Ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghi “vi hành” trên xe buýt. Ảnh: Thành Nam
Bí thư Thành Ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghi “vi hành” trên xe buýt. Ảnh: Thành Nam
Dẫn lại thông tin từ báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho hay, đa số dư luận nhân dân đồng tình với việc cán bộ lãnh đạo cần sâu sát với thực tế, phải ra hiện trường.

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội sáng 19/11, khi nói tới công tác cải cách hành chính, Bí thư Phạm Quang Nghị đưa ra thông tin từ một bài viết nói về việc các bộ trưởng nên ngồi ở văn phòng chỉ đạo những vấn đề chiến lược hay nên ra thực tế công trường chỉ huy.

Theo Bí thư Hà Nội, kết quả khảo sát bạn đọc của bài báo cho thấy có tới trên 75% người tán thành các bộ trưởng nên ra hiện trường. “Trong điều kiện hiện nay, với bộ máy, cán bộ như bây giờ, ngồi ở nhà cũng cần, nhưng không cần bằng ra hiện trường”, ông Nghị nói.

Dẫn một ví dụ khác để nói tới cải cách hành chính, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nêu, lực lượng chức năng của thành phố phát hiện và thu giữ lô hàng buôn lậu nhưng làm quy trình thủ tục để đấu giá lô hàng gần 2 năm không xong.

“Tôi gọi điện cho Phó chủ tịch thành phố phụ trách lĩnh vực và Giám đốc Sở Công Thương yêu cầu tìm cách tháo gỡ. Sau đó lô hàng được bán cho Tổng công ty thương mại thành phố để họ bán lẻ. Tôi được biết khi họ tổ chức bán, người dân xếp hàng dài để mua. Chúng ta cứ câu nệ máy móc quy trình thủ tục”, Bí thư Hà Nội nói.

Liên quan đến lô hàng trên, Bí thư Hà Nội thông tin thêm: “Hôm qua tòa án đã xử tù một anh giả làm con trai tôi đi đăng ký mua lô hàng. Anh này huy động tiền trái phép, sau đó không trả được, bị bắt giữ và xử tù. Dám liều đến thế”.

Về nghi vấn “bôi trơn” làm sổ đỏ ở Khu đô thị Mễ Trì Thượng, ông Phạm Quang Nghị cho hay ngày 30/11 sẽ có kết quả thanh kiểm tra. Vấn đề làm sổ đỏ nói chung trên toàn thành phố, hiện đã có một số đơn thư, có người đến gặp Thành ủy cung cấp thông tin, thành phố sẽ giải quyết hết sức nghiêm túc.

Cũng nói tới việc giải quyết đơn thư khiếu nại, Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng có nhiều vụ việc đã được cảnh báo, nhưng các quận, huyện không tập trung giải quyết sớm để sự việc trở nên phức tạp.

“Tất cả đơn thư đến với chúng ta chỉ có 2 khả năng chứ không có khả năng thứ ba. Một là chúng ta giải quyết đúng nhưng không thông tin cho nhân dân. Hai là chúng ta làm sai. Cả 2 phương án đều thuộc trách nhiệm của chúng ta. Thế tại sao không công bố công khai, đối thoại với nhân dân”, ông Hoạt nêu.

Phó chủ tịch Hội đồng cho biết, từ đầu năm đến nay HĐND đã tiếp 12 vụ việc đơn thư kéo dài. Có vụ khi tiếp nhận giật mình vì để 10 năm, đơn thư gửi khắp nơi. Nhưng khi Hội đồng đề nghị các sở, ngành liên quan đến cùng giải quyết thì thấy việc không hề khó mà chỉ là không đơn vị nào đứng ra giải quyết dứt điểm. “Vụ việc đó, Hội đồng yêu cầu giải quyết xong trong một tháng. Chưa đến một tháng đã có báo cáo giải quyết xong”, ông Phó chủ tịch thông tin.

Theo lãnh đạo Hội đồng, rất nhiều vụ việc nhỏ lẻ, nhưng cơ sở không giải quyết triệt để, đẩy lên thành phố. “Một thành phố có cả núi việc, nhiều việc nhạy cảm thì chỉ có ông thánh mới không có khuyết điểm, chúng ta không sợ”, ông Lê Văn Hoạt nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, đưa ra ví dụ về cơ chế hỗ trợ cho người dân nông dân còn nhiều bất cập, Bí thư huyện ủy Phú Xuyên, ông Trương Thế Cầu đề nghị cần giám sát các chính sách xem có đi vào cuộc sống hay không, nếu không thì mắc chỗ nào để tháo gỡ, không thì cơ chế chỉ là cơ chế.

Cho rằng có lẽ đây là lần cuối được trực tiếp phát biểu ý kiến trước ban chấp hành, Bí thư Phú Xuyên tâm tư: “Nếu chỉ mong để đảm bảo an toàn cho vị trí của mình, không dám nghĩ, dám làm, dám quyết định thì chúng ta có tội, có lỗi với dân”.

Theo Võ Hải

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG