“Dân giàu, tỉnh mạnh”
Trên cương vị công tác mới là Bí thư Tỉnh ủy, mối quan tâm lớn nhất của ông đối với Đắk Lắk là gì?
Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, mối quan tâm lớn nhất của tôi là cùng với tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tập trung xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân với suy nghĩ phải làm sao cho “dân giàu, tỉnh mạnh”; khơi dậy, phát huy tiềm năng lợi thế, khắc phục hạn chế, tồn tại.
Tỉnh Đắk Lắk phải phát triển đi lên với các trọng tâm: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn”, nhất là về giao thông. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ; chú trọng công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là an ninh chính trị, an ninh biên giới, an ninh trật tự…
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng là chăm lo công tác an sinh xã hội, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đắk Lắk là một trong những địa bàn trọng yếu của Tây Nguyên, từng là điểm nóng về an ninh chính trị. Ông có thể cho biết, công tác đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội cũng như tình hình an ninh biên giới được Đắk Lắk triển khai như thế nào?
Đắk Lắk là tỉnh có đường biên giới dài gần 74 km, tiếp giáp với tỉnh Mon-dul-ki-ri (Vương quốc Campuchia); có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-chính trị, quốc phòng-an ninh của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Những năm qua, xác định rõ vị trí, vai trò là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, nên công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như tình hình an ninh biên giới luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk đặt lên nhiệm vụ hàng đầu. Nhìn chung, tình hình biên giới của tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hai huyện Buôn Đôn và EaSup được đầu tư khá đồng bộ về kết cấu hạ tầng nên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở vùng biên giới của tỉnh từng bước được cải thiện, nâng cao. Thời gian qua, trên cơ sở triển khai thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mon-dul-ki-ri của Campuchia đã thống nhất ký bản Ghi nhớ về phối hợp chặt chẽ và xử lý tốt những vấn đề về biên giới.
Quan điểm, chính sách nhất quán là không để các thế lực thù địch lợi dụng lãnh thổ của mình làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu nghị láng giềng của hai tỉnh, hai nước; về quan hệ giao lưu biên giới, hai tỉnh thống nhất sớm mở hai cửa khẩu trên tuyến biên giới (hiện nay đã có một cửa khẩu), đồng thời, tạo điều kiện hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa hai tỉnh theo đúng tinh thần hai bên ký kết.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã quán triệt và giao nhiệm vụ các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ, các chương trình phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh Mon-dul-ki-ri triển khai các hoạt động hội đàm, trao đổi thông tin, tạo điều kiện để các đơn vị gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Mối quan hệ hợp tác ấy ngày càng được tăng cường, thể hiện bằng nhiều chương trình thiết thực, mang lại lợi ích cho nhân dân hai tỉnh. Những kết quả đó đã góp phần củng cố về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc và nhân dân hai tỉnh.
Thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy
Năm 2020 là năm thực hiện Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vậy Đắk Lắk đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này? Đặc biệt là công tác nhân sự Đại hội được chú trọng thực hiện ra sao?
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 127-KH/TU, ngày 22/8/2019 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các tiểu ban do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đứng đầu: Tiểu ban văn kiện; Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban Tuyên truyền, phục vụ và bảo vệ Đại hội. Lập 4 tổ phụ trách theo dõi, chỉ đạo, tháo gỡ, hướng dẫn giải quyết các kiến nghị (nếu có) ở các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy do các đồng chí thường trực Tỉnh ủy làm tổ trưởng.
Trong quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đã nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả.
Trong đó, công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đồng thời chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025 không phải là người địa phương; cơ bản đến năm 2025 bố trí 100% bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn không phải là người địa phương. Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội…
Về tổ chức đại hội, đại hội cấp cơ sở hoàn thành trong quý II năm 2020, đại hội cấp huyện hoàn thành trong quý III năm 2020 và cấp tỉnh hoàn thành trong tháng 10 năm 2020. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thống nhất chọn từ 1- 2 đảng bộ cấp huyện để tổ chức đại hội điểm rút kinh nghiệm; chọn từ 1 - 2 đảng bộ cấp huyện để thí điểm chủ trương đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy.
Các mục tiêu nổi bật, quan trọng được tỉnh Đắk Lắk đặt ra trong năm 2020 là: Phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 đạt kết quả cao nhất. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch các huyện, thị xã, đặc biệt quy hoạch thành phố Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội...