Bí mật tên lửa Teapodong 2 - Kỳ cuối

Bí mật tên lửa Teapodong 2 - Kỳ cuối
TP - Các chuyên gia quân sự CHDCND Triều Tiên thừa biết, mọi di biến động liên quan đến việc thử vũ khí mới của họ đều được các vệ tinh do thám đối phương giám sát chặt chẽ.
Bí mật tên lửa Teapodong 2 - Kỳ cuối ảnh 1

Nhật Bản, Mỹ và phương Tây càng lo ngại. càng tốt cho Bình Nhưỡng trong việc đặt điều kiện cho các cuộc thương lượng sau này.

Nỗi lo về an ninh của Nhật Bản

Trước khi có tin về những dấu hiệu Bình Nhưỡng chuẩn bị thử tên lửa Taepodong-2 tháng 5 vừa qua, Nhật Bản đã có nhiều căn cứ để lo ngại về mối đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên.

Chừng nào tên lửa của CHDCND Triều Tiên còn có thể bắn tới Nhật Bản, chừng đó Tokyo còn cảm thấy mối đe dọa từ phía Bình Nhưỡng. Theo GS Hideshi Takesada, thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản tên lửa Taepodong có thể bắn tới Washington nhưng CHDCND Triều Tiên triển khai loại tên lửa này không nhằm mục đích chiến tranh với Mỹ.

Mục tiêu cuối cùng của Bình Nhưỡng là làm cho Mỹ phải rút quân đội ra khỏi bán đảo Triều Tiên để hai miền Triều Tiên đi đến thống nhất. Sau khi chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới tại vùng vịnh, Iraq, Kosovo, v.v. các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng biết rõ cái giá phải trả sẽ rất đắt nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ.

Do vậy mọi nỗ lực của CHDCND Triều Tiên  là chỉ nhằm làm cho Mỹ rút quân ra khỏi các căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc.

Khác với đánh giá của phía Mỹ, các học giả ở Tokyo cho rằng tên lửa Taepodong tuy bắn được xa nhưng đối với Nhật Bản thì không nguy hiểm bằng loại tên lửa Nodong.

Với tầm bắn 2.000 km các tên lửa Nodong của CHDCND Triều Tiên có thể phá hủy bất cứ mục tiêu nào của Nhật Bản và bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ Nhật.

Đáng ngại nhất là khi Nodong được sử dụng trong các cuộc xung đột quân sự còn ở qui mô nhỏ chưa đủ để gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện. Có lập luận rằng tên lửa Nodong bắn không chính xác nhưng kể cả như vậy, một khi tên lửa này đã bay vào lãnh thổ Nhật Bản rồi thì dù không trúng mục tiêu nhưng rơi xuống đâu cũng là nguy hiểm.

Một học giả Nhật Bản cho rằng CHDCND Triều Tiên hiện nay chưa có đủ sức mạnh quân sự để thống nhất đất nước thông qua một cuộc chiến tranh nhưng lại thừa sức để tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc, và các căn cứ quân sự Mỹ đóng trên lãnh thổ hai nước này.

Nhật Bản luôn lo ngại rằng một ngày nào đó rất có thể các tên lửa Nodong sẽ bay từ CHDCND Triều Tiên  tới các mục tiêu trên lãnh thổ Nhật. Theo phân tích của các chuyên gia quân sự ở Tokyo, điều kiện để cho điều đó có thể xảy ra là khi hội đủ các nhân tố dưới đây:

Khi mối quan hệ song phương Nhật-Triều trở nên rất xấu; Quan hệ Nhật-Hàn không tốt; Quan hệ Mỹ-Hàn trục trặc nghiêm trọng; và các cuộc đàm phán giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên trên các diễn đàn đều bế tắc. Khi đó, chỉ cần một sự xung đột nhỏ châm ngòi là bùng lên một cuộc xung đột ở qui mô khu vực.

Tìm cứu cánh nơi lá chắn tên lửa

Cuối tháng 6 vừa qua, khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và cả Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan lên tiếng phản đối việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa Taepodong-2, Nhật Bản còn đi xa hơn một bước.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết, Cục trưởng Phòng vệ Nhật Bản Fukushiro Nukaga liền phái các tàu chiến được trang bị rađa Aegis cùng các máy bay gián điệp đi do thám tình hình.

Cục Phòng vệ Nhật Bản còn ra lệnh cho một tàu khu trục Kirishima có trang bị Aegis đang tham gia tập trận ở Hawaii phải trở về Nhật Bản ngay đề phòng CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa.

Các cơ quan tình báo quân sự Nhật Bản vài tuần qua luôn phối hợp chặt chẽ với tình báo Mỹ giám sát mọi động thái của CHDCND Triều Tiên.

Phía Nhật Bản đã phản ứng quá mức cần thiết trước các dấu hiệu Bình Nhưỡng sắp thử tên lửa Taepodong-2  lần này. Có thể sự phản ứng này bị tác động bởi cú sốc đối với Nhật Bản khi CHDCND Triều Tiên bắn thử tên lửa Taepodong-1 hồi năm 1998 vẫn còn ám ảnh các nhà quân sự ở Tokyo. Khi đó, tên lửa Triều Tiên đã bay qua miền bắc Nhật Bản rồi mới rơi xuống một điểm trên Thái Bình Dương.

Mỹ từ lâu đã có kế hoạch xây dựng các hệ thống lá chắn tên lửa. Kế hoạch phòng thủ tên lửa này bị Liên bang Nga, Trung Quốc, và một số nước khác phản đối. Phe phản đối cho rằng lá chắn tên lửa đó có thể làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn cầu, và cả ở qui mô khu vực.

Khi tin tức về việc CHDCND Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa Taepodong-2 rộ lên, Nhật Bản, Mỹ, và Hàn Quốc thấy ngay đây là thời điểm thích hợp để công khai kế hoạch xây dựng các hệ thống lá chắn tên lửa ở khu vực châu Á.

Ngày 3/7/2006 tướng Henry “Trey” Obering - Chỉ huy trưởng quân chủng phòng vệ tên lửa Mỹ - tuyên bố chuẩn bị thử tại Nhật Bản một hệ thống rađa phòng thủ tên lửa mới cực mạnh “FBX-T” do Mỹ chế tạo.

Các giàn rađa này đã được triển khai cùng với các tàu khu trục trang bị rađa Aegis tại khu vực phía bắc Nhật Bản đối diện với CHDCND Triều Tiên trong mạng lưới kỹ thuật điện tử phát hiện sớm tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, Nhật Bản đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot hiện đại PAC tại Nhật để bảo vệ các căn cứ quân sự Mỹ.

Việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa Taepodong-2 mới chỉ là những dấu hiệu nghi vấn bề ngoài chứ thực tế chưa diễn ra. Dẫu vậy, điều đó cũng đủ để là nguyên cớ hay đã là một nhân tố kích hoạt cho một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".