Bí mật hậu trường phim 'Biệt động Sài Gòn'

Bí mật hậu trường phim 'Biệt động Sài Gòn'
Khá nhiều chi tiết trong kịch bản được điều chỉnh, thay đổi trong suốt 3 năm làm phim nhằm để tác phẩm điện ảnh này hoàn hảo hơn. Mỗi sự thay đổi kéo theo cả một chuỗi sự “biến chuyển” thú vị.

23 năm đã qua kể từ ngày đầu tiên công chiếu đến nay, phim “Biệt động Sài Gòn” (BĐSG) vẫn luôn luôn để lại một ấn tượng đặc biệt cho tất cả những người xem nó.

Những bản tình ca đẹp như mơ trong những năm dài chiến đấu anh dũng và khốc liệt; những đối đầu trực diện và âm thầm của những người lính huyền thoại nội đô Sài Gòn đã tạo cho phim một giá trị kinh điển trong dòng chảy điện ảnh Việt Nam.

Tuy nhiên, GĐ&XH cam đoan với bạn đọc rằng: Những chi tiết không có trên màn ảnh, cũng không kém phần ly kỳ, hấp dẫn.

Vì sao Sáu Tâm phải “chết”?

Bí mật hậu trường phim 'Biệt động Sài Gòn' ảnh 1
Diễn viên Thương Tín - người thủ vai Sáu Tâm.

Theo ký ức của đạo diễn Long Vân, đầu tiên là việc trong kịch bản, nhân vật Sáu Tâm (Thương Tín đóng) vẫn sống đến hết phim. Trước khi quay, nhiều người cho rằng để nhân vật chính sống là hợp lý, một hình tượng đẹp đến thế, oai hùng đến thế, chết làm sao được.

“Nhưng khi quay xong mấy đoạn, anh em nhận xét, nếu đúng như kịch bản thì các BĐSG như thánh ấy, tài giỏi quá, mũi tên hòn đạn không chạm vào người được, đâu có giống chiến sĩ thật chịu nhiều mất mát, hy sinh” – đạo diễn Long Vân nhớ lại.

Cái sự nhận xét cực kỳ xác đáng này, không khỏi khiến Long Vân suy nghĩ. Làm thế nào người chiến sĩ BĐSG vẫn anh hùng nhưng mà phải chân thật.

Mất mấy đêm vắt óc, ông tìm ra mấy phương án: Một, thêm vào một số cảnh hy sinh; Hai, để nhân vật Sáu Tâm hy sinh. Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến, Long Vân quyết định Sáu Tâm “phải chết”.

“Hoạt động trong lòng địch cần thông minh tài trí, nhưng tài đến mấy cũng không tránh khỏi mất mát. Nếu để Sáu Tâm chết thì “có lợi nhiều thứ” cho bộ phim.

Trong quá trình phân cảnh, có một vấn đề nảy sinh: Nếu Sáu Tâm không chết thì phải phát triển nhân vật này đến hết tập 3. Nhưng nếu kéo vai của Sáu Tâm đến hết tập 3 thì các nhân vật khác lấy đất đâu mà diễn.

Kéo dài như vậy, có lẽ cũng mất hấp dẫn vì đây là bộ phim nói về tập thể BĐSG chứ không chỉ riêng gì Sáu Tâm. Mặt khác, việc Sáu Tâm hy sinh nửa chừng, có thể tạo hiệu ứng cảm xúc rất mạnh trong lòng khán giả vì đó là một anh hùng tài giỏi trong chiến đấu, một người tình tuyệt vời trong yêu đương.

Chọn cách... chết cho Sáu Tâm

Hướng đi đã chọn, thế là chỉ phải nghĩ cách để cho Sáu Tâm chết thế nào cho ấn tượng nhất, cảm động nhất. Sự thay đổi này kéo theo một sự thay đổi nữa của một vai trong kịch bản: Ba Cẩn.

Suy đi tính lại, đạo diễn và biên kịch cho rằng: Để cho Sáu Tâm chết vì bị Ba Cẩn – một đồng đội của mình - phản bội, thì sẽ tạo được cảm giác phẫn nộ với kẻ phản bội đan xen cảm giác xót xa về sự hy sinh của Sáu Tâm.

Việc để Ba Cẩn chỉ điểm còn có cái hay là nói lên được sự khốc liệt đến tận cùng của cuộc chiến đấu trong lòng địch, nếu không kiên trung, đồng chí đồng đội có thể trở thành kẻ thù trong chớp mắt.

Và thế là trong phim, Sáu Tâm bị giết ngay trên cầu, khi đang trên đường làm nhiệm vụ. Sự thay đổi của Ba Cẩn lại kéo theo một sự thay đổi trong cách diễn xuất của người yêu Sáu Tâm (Thúy An đóng).

Sáu Tâm hy sinh, người yêu Sáu Tâm được lệnh đi đi xử tử Ba Cẩn nhưng phải không gây nguy hiểm cho những đồng đội khác.

Nếu là kẻ thù 100% thì cách diễn phải khác, khá đơn giản. Còn kẻ thù ở đây lại là Ba Cẩn – một đồng đội cũ của hai người - thì sẽ phải đối xử thế nào? Không thể thẳng tay quyết đoán như với kẻ thù từ đầu đến cuối được.

Và như vậy, kịch bản và lời khuyên của đạo diễn với diễn viên Thúy An lại thay đổi: Người yêu Sáu Tâm phải thật giằng xé, do dự khi ra tay.

Và đúng như vậy, trên phim, người yêu Sáu Tâm giả làm người sửa điện cho nhà Ba Cẩn rồi tìm cách khống chế để hỏi tội Ba Cẩn.

Nhưng đúng lúc giây phút quyết định nhất thì cô nghĩ, người cộng sản trả thù thẳng cánh thì tầm thường. Vì vậy, khi Ba Cẩn quỳ xuống xin tha thứ, rằng tôi còn mẹ già và các con thơ, xin mở cho một con đường sống để đoái công chuộc tội, cô đã phân vân, do dự và chỉ chờ có thế Ba Cẩn đá văng khẩu súng của cô và tấn công trở lại.

Bằng tài nghệ của mình, cô lấy lại súng và buộc lòng phải bắn Ba Cẩn. Nhưng khi bắn xong, cô đau xót quỳ xuống, hai hàng nước mắt chảy ra vì buộc phải bắn một kẻ phản bội đã từng chung chiến hào.

“Tôi rất hài lòng với cách diễn xuất của Thúy An trong tình huống này, rất ra chất thương cảm, giằng xé khi vừa giết đi người nguyên là đồng chí của mình” – đạo diễn Long Vân đánh giá.

Tại sao Tư Chung lại cử Huyền Trang vào nơi nguy hiểm nhất?

Bí mật hậu trường phim 'Biệt động Sài Gòn' ảnh 2 Bí mật hậu trường phim 'Biệt động Sài Gòn' ảnh 3

Ni cô Huyền Trang.

Thanh Loan - người đóng vai ni cô Huyền Trang.

“Buộc” Sáu Tâm hy sinh ở giữa phim, đạo diễn Long Vân lại phải giải một bài toán hóc búa nữa, đó là: Ai sẽ là người thay thế anh để đánh trận tại khách sạn Caravel ở tập 2?

Và từ đây lại có điều chỉnh kịch bản: Sẽ đưa Huyền Trang, người yêu của Tư Chung (Quang Thái đóng) vào cuộc. Sự điều chỉnh này hứa hẹn sẽ mang lại những cảm xúc mạnh vì một người chỉ huy biệt động nội thành phải đưa người yêu mình vào chỗ 10 phần chết, 1 phần sống.

Và quả thật, cái cảnh Tư Chung dặn dò và cử Huyền Trang vào nhiệm vụ mới, đã diễn ra rất cảm động trên phim. Việc đưa Huyền Trang vào làm tiếp nhiệm vụ dang dở của Sáu Tâm cũng mang lại một hiệu ứng khác: Không có một sự thiên vị nào khi chiến đấu vì đất nước.

Giao nhiệm vụ cho Huyền Trang là một sự hy sinh của Tư Chung – một sự hy sinh không phải là không có giằng xé dữ dội khi quyết định.

Mấy đêm vắt óc cho tình huống đột nhập Caravel

Nói về những chi tiết phải thay đổi kịch bản cho hay hơn, đạo diễn Long Vân vẫn nhớ như in những ngày vắt óc suy nghĩ tình huống Sáu Tâm phải đột nhập vào khách sạn Caravel, trong tình trạng kiểm tra an ninh cực kỳ ngặt nghèo của địch.

Làm thế nào để chuyện đột nhập ấy không cải lương, không hoang đường, không phải là chuyện dễ.

Sau đó đạo diễn tìm ra giải pháp: Để Sáu Tâm thủ tiêu một sĩ quan chỉ huy cảnh sát ngụy rồi lấy quần áo và phù hiệu của tên này đột nhập vào khách sạn Caraven, sau đó đàng hoàng đi ra cửa chính quát tên lính gác:

“Từ giờ phút này không được cho một tên người Việt nào vào đây nữa, vì đây toàn là đặc công Mỹ đấy, biết không!”. Và thế là anh chàng BĐSG thoát ra ngoài một cách an toàn. Tình huống này trước đó cũng không có trong kịch bản.

Điều thú vị nhất trong hàng loạt thay đổi này là đạo diễn Long Vân bị chính nguyên mẫu nhân vật Sáu Tâm là ông Bảy Bê (nguyên chiến sĩ BĐSG)... kiện (tất nhiên là kiện vui mồm thôi) rằng: Tôi vẫn sống đây sao trong phim ông lại cho tôi chết.

Long Vân phải thuyết phục Bảy Bê rằng: “Anh là nguyên mẫu thật, nhưng đây là nghệ thuật, vấn đề đặt ra là phải làm sao để người ta thấy yêu nhân vật, tức là yêu anh, thương sự hy sinh của biệt động hơn”.

Sau này, Bảy Bê hay nhắc đến chuyện đó với thái độ rất hứng thú.

---------------------

(Còn nữa)

Theo Hoàng Hải - Thanh Hà
Gia đình & Xã hội

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.