Dưới đây là những bí quyết nhỏ giúp bạn hạn chế những xung đột trong hôn nhân và hãy áp dụng ngay trong năm mới này:
Hãy tranh luận, đừng tranh cãi
Tranh luận, nói đơn giản là một cuộc bàn cãi để tìm hiểu về vấn đề, đương nhiên nếu có thể hãy phân tích cho cả hai bên những đúng sai. Nhưng tranh luận không có nghĩa là một cuộc đấu khẩu chửi bới của cả hai. Bạn và bạn đời của mình hãy thoải mái tranh luận với nhau, nhưng khi đã đến đỉnh điểm và chuyển sang bới móc tính tốt xấu đúng sai thì nên tạm thời dừng lại bằng cách hít thở sâu hoặc bỏ ra ngoài phòng khác, đi ra nơi khác, đợi đến lúc cả hai bình tĩnh lại sẽ tiếp tục bàn bạc về vấn đề đã qua. Cố gắng đừng biến nó thành trận khẩu chiến. Có nhiều người cho rằng “muốn dừng không được vì anh/cô ta rất ngang bướng”. Nhưng tại sao bạn không phải là người chủ động ngừng lại các cuộc tranh cãi không có hồi kết?
Ảnh minh họa: Medicaldaily.com.
Im lặng không phải là vàng
Điều quan trọng thứ hai sau tranh luận đó là tránh việc im lặng. Nhiều người nghĩ rằng nếu cứ cãi vã nhau chẳng giải quyết được gì thì tốt nhất là im lặng. Nhưng điều tồi tệ nhất chính là lúc bên này không hiểu bên kia đang nghĩ gì, muốn gì. Thậm chí sự im lặng sẽ ngầm cho đối phương hiểu rằng “tôi không thèm nói với anh/cô” và sẽ khiến cho họ tức giận hơn.
Nếu bất cứ vấn đề gì mà vợ chồng cũng giữ im lặng thì không thể chia sẻ với nhau được. Thể hiện quan điểm của mình một cách thẳng thắn trên cơ sở tôn trọng đối phương là cách bạn nên quan tâm đến. Kể cả bạn có thất vọng về người bạn đời của mình thì cũng hãy tìm cách cho họ biết để họ còn thay đổi.
Nhìn vào ưu điểm của đối phương
Bên cạnh những nhược điểm mà bạn nhìn thấy, có lẽ đối phương của bạn cũng có ưu điểm nào đó chứ. Nếu không thì vì sao bạn lại cưới anh/cô ấy? Nếu cứ soi mãi vào điểm xấu của nhau, bạn thấy cuộc hôn nhân của mình chỉ là sự chịu đựng. Hãy thử có cái nhìn mới mẻ tốt đẹp về nhau thì cả hai sẽ có động lực cùng phấn đấu vươn lên và sẽ có suy nghĩ cải thiện mối quan hệ hai vợ chồng theo chiều hướng tích cực.
Không tranh cãi lạc đề
Thông thường, khi nói chuyện về chủ đề nào đó dẫn tới căng thẳng, bạn hoặc đối phương thường dễ bị chuyển sang chủ đề khác. Chẳng hạn như các bạn đang cãi nhau về chuyện nên mua điện thoại đắt tiền hay không, đừng chuyển nó sang thành việc anh ấy/cô ấy không quan tâm đến mình hay vấn đề nào từ xưa cũ lại lôi ra bới móc. Trong khi tranh luận với nhau, bạn hãy cố gắng để chính mình và đối phương chỉ hướng đến những gì liên quan đến sự việc cụ thể thôi nhé.
Không giấu diếm cảm xúc
Nhiều khi bất đồng xảy ra là do một trong hai bên đã không thể hiện cảm xúc của mình. Hãy tưởng tượng cảm xúc của bạn bị giữ lại như một quả bóng bị bơm hơi, nếu không “xả” kịp thời thì quả bóng sẽ bị vỡ tung. Vậy thì hãy cứ để những cảm xúc đang chứa chất được tuôn ra. Trước đây và thậm chí cả ngày nay, nhiều thanh niên được dạy là con trai cần phải mạnh mẽ và phải biết giấu cảm xúc. Hãy quên chuyện đó đi, cảm xúc của ai cũng cần được tôn trọng và nên thoải mái thể hiện tâm trạng của mình.
Thừa nhận ai cũng có lúc sai lầm
Con người không phải là ngọc, thậm chí ngọc còn có vết nên chúng ta không ngại nhìn nhận rằng ai cũng có những lúc sai lầm. Nhưng tâm lý thông thường khi tranh luận hay bất đồng, ít khi chúng ta cho rằng mình sai mà hay đổ lỗi cho đối phương. Nếu cứ thế thì đến bao giờ những bất đồng mâu thuẫn trong gia đình mới dừng lại? Hãy nhìn nhận những điều chưa được ở bản thân với người bạn đời, đừng lo mình bị hạ thấp giá trị. Việc hoàn thiện tính cách trong mắt nhau không phải là điều mà cả hai đang chờ đợi sao?
Nhà tâm lý Hà Linh