Bi kịch khiến người chồng chất phác thành 'ác quỷ'

Bi kịch khiến người chồng chất phác thành 'ác quỷ'
Khoảng 20h ngày 7-4-1992, chị Chinh đang ở nhà một mình thì anh Khải đến chơi và cả hai đã rủ nhau xuống bếp “tâm sự”. Đúng lúc này, Hiếu về nhà, phát hiện vợ và người em con cậu của mình đang ôm nhau...

> Phần 2: 'Ác quỷ' sông Lô 18 năm giỡn mặt 'lưới trời'
> Phần 1: Tội ác hiện hình nơi sông nước

Khoảng 20h ngày 7-4-1992, chị Chinh đang ở nhà một mình thì anh Khải đến chơi và cả hai đã rủ nhau xuống bếp “tâm sự”. Đúng lúc này, Hiếu về nhà, phát hiện vợ và người em con cậu của mình đang ôm nhau...

Trần Đình Hiếu thời trai trẻ (ảnh trái) và khi bị bắt (ảnh phải)
Trần Đình Hiếu thời trai trẻ (ảnh trái) và khi bị bắt (ảnh phải).

Đón được vợ cả và đàn con vào Kiên Giang, Trần Đình Hiếu ngỡ rằng cuộc sống như vậy đã là ổn định và hắn sẽ tiếp tục qua mắt được lực lượng chức năng với cái tên Trần Thanh Hải. Nào ngờ, cuộc “đại di cư” ấy đã gây sự chú ý của người dân cũng như chính quyền xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Từ đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đã nắm bắt được hình tích của “ác quỷ sông Lô” năm xưa. Ngày 27-1-2010, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tuyên Quang đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, xin tập trung lực lượng, phương tiện truy bắt bị can này. Những nỗ lực của các trinh sát lần này đã đem lại hiệu quả.

Ngày 9-2-2010, tại tổ 1, ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, Trần Đình Hiếu đã phải tra tay vào còng, kết thúc gần hai thập kỷ lẩn trốn pháp luật. Lời khai của “ác quỷ sông Lô” cho thấy, dẫu tội ác của hắn là không thể biện minh nhưng ngọn nguồn khiến Hiếu lún sâu vào tội ác quả là một tấn bi kịch.

Từ ân nhân thành kẻ bị “cắm sừng”

Hồ sơ vụ án thể hiện: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trần Đình Hiếu chỉ học hết lớp 4/12 đã phải rời trường lớp. Năm 16 tuổi, Hiếu rời bỏ quê hương (xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đi theo người anh con bác ruột - ông Trần Văn Thông vào vùng kinh tế mới ở Tuyên Quang.

Trải qua một thời gian làm ăn buôn bán, khi đã có chút vốn liếng và thông thạo vùng đất mới, Hiếu nên duyên với chị Tô Kim Chinh. Đôi vợ chồng trẻ này dựng một căn nhà ở xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang làm nơi cư trú.

Năm 1990, vợ chồng Hiếu bắt đầu làm ăn phát đạt. Dõi về quê nhà ở Thái Bình, Hiếu thấy em con cậu mình là anh Đào Trọng Khải đang gặp khó khăn: Vợ mất sớm, phải một mình nuôi ba con nhỏ. Thương anh Khải, Hiếu rủ anh này lên Tuyên Quang tính kế mưu sinh cho cuộc sống đỡ phần cơ cực.

Thời gian đầu lên Tuyên Quang, cho điều kiện kinh tế khó khăn, anh Khải phải sống nương nhờ tại nhà Hiếu. Nào ai ngờ, chính khoảng thời gian này giữa anh Khải và người vợ mới ngoài 30 tuổi của Hiếu lại nảy sinh tình cảm yêu đương.

Sống chung dưới một mái nhà, đương nhiên Trần Đình Hiếu phát hiện ngay ra mối quan hệ bất chính ấy. Vì không có chứng cứ lại vốn tính hiền lành, chất phác và rất yêu vợ, Hiếu đã cố gắng dùng lời lẽ để nhắc nhở chị Chinh và anh Khải. Tuy vậy, lmối quan hệ trái luân thường đạo lý này được họ dấm dúi duy trì, kể cả khi anh Khải đã làm nhà, ra ở riêng.

Cơn ghen che mờ lý trí

Khoảng 20h ngày 7-4-1992, chị Chinh đang ở nhà một mình thì anh Khải đến chơi và cả hai đã rủ nhau xuống bếp “tâm sự”. Đúng lúc này, Hiếu về nhà, phát hiện vợ và người em con cậu của mình đang ôm nhau...

Giọt nước nhẫn nhịn đã tràn ly, trong cơn bực tức, Hiếu cầm dao lao tới, quát lớn: “Làm sao thế này hả Khải?”. Thấy chồng quá hung dữ, chị Chinh vội vàng vơ quần, chạy ra ngoài. Anh Khải bị Hiếu tóm cổ, đưa lên nhà trên. Tại đây, Hiếu đóng sập cửa, dùng dây thừng trói quặt tay anh Khải về phía sau. Hiếu gằn từng tiếng: “Tao đưa mày lên đây làm ăn, chia đất cho mày, mày lại chiếm đoạt vợ tao” và lao vào đấm, đá, tát anh Khải.

Sau đó, Hiếu gọi vợ vào mặc quần cho anh Khải, bắt cả hai quỳ xuống thú nhận về mối tình sai trái của mình. Sau khi tra khảo, Hiếu ra điều kiện cho anh Khải: Hoặc là Hiếu sẽ lôi anh Khải ra xã, báo cho anh em họ hàng trong gia đình biết và xử lý hoặc anh Khải phải đi vĩnh viễn rời khỏi Tuyên Quang. Anh Khải chọn phương án thứ hai. Hiếu nói rằng sẽ áp giải anh này ra đường bắt xe khách.

Tuy vậy, trên đường dẫn anh Khải đi, Hiếu đã suy nghĩ lại. Người đàn ông bị “cắm sừng” cho rằng phải giết anh Khải, nếu không anh này sẽ quay lại giết Hiếu và chiếm đoạt vợ con của hắn. Vì thế, khi hai người đi đến đoạn đường mòn ven sông Lô cách nhà Hiếu chừng 1km, Hiếu đã nhặt một đoạn dây sắn rừng, trói hai chân anh Khải rồi đẩy anh này xuống dòng nước đang chảy siết...

Với tội ác của mình, Trần Đình Hiếu bị VKSND tỉnh Tuyên Quang truy tố về tội “Giết người”, trường hợp gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Khoản 3, Điều 101, Bộ luật Hình sự năm 1985 và nay là Khoản 1, Điều 95, Bộ luật Hình sự hiện hành.

Ngày 24-9-2010, TAND tỉnh Tuyên Quang mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Đình Hiếu. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, trong vụ án này, bị hại cũng một phần có lỗi là quan hệ tình dục với vợ bị cáo ngay tại nhà bị cáo, và đó lại là mối quan hệ giữa em con cậu với chị dâu khiến bị cáo rơi vào trạng thái tinh thần không còn đủ minh mẫn, bị kích động mạnh và gây án.

Từ những căn cứ trên, HĐXX chỉ tuyên phạt Trần Đình Hiếu 3 năm tù, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường 62 triệu đồng cho gia đình bị hại.

Chỉ vì cưới nhầm người vợ lăng loàn, một người đàn ông hiền lành, tốt bụng, chất phác đã trở thành “ác quỷ” gieo rắc kinh hoàng trên sông Lô để rồi anh ta phải dùng phần còn lại của tuổi thanh xuân để trốn chui trốn lủi.

Ở góc độ khác, từ một có gia cảnh bĩ cực, nạn nhân trong vụ án này đã được bị cáo giang tay nâng đỡ nhưng anh ta đã để dục vọng che mờ lý trí và “cắm sừng” chính ân nhân của mình. Kết cục của vụ án thật thảm thương: Người chết, kẻ vào tù, hai gia đình tan vỡ, một phụ nữ mang điều tiếng không thể gột rửa và ba đứa trẻ phải sống kiếp mồ côi cả mẹ lẫn cha.

Theo Văn Minh
Pháp luật Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG