Bi kịch gia đình có gần 10 người chết vì ung thư

Ông Nguyễn Văn Hán: “Không biết cái bệnh này sẽ lấy đi bao nhiêu con, cháu trong gia đình nữa”.
Ông Nguyễn Văn Hán: “Không biết cái bệnh này sẽ lấy đi bao nhiêu con, cháu trong gia đình nữa”.
Ở vùng đất khô cằn xã Kim Sơn (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), người ta không hiểu vì nguyên nhân gì mà năm nào cũng có người chết vì ung thư. Đến nỗi, gia đình ông Nguyễn Văn Hán có 14 người thì hơn một nửa đã chết vì căn bệnh quái ác này...

Bi kịch ung thư

Đã nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Hán (75 tuổi) ở xóm Hồng Sơn, xã Kim Thành luôn sống trong nỗi bi thương cùng cực. Bởi không có một nỗi đau nào khi hơn một nửa thành viên trong gia đình ông đều đã chết vì căn bệnh ung thư.

Nhìn vào căn nhà xác xơ, những tấm di ảnh của người thân ông Hán trên bàn thờ, có lẽ không ai cầm lòng được. Nhà ông Hán ở giữa xóm Hồng Sơn, qua vòng vèo đường đất cùng những rặng tre rậm rạp. Ông Hán cho biết, nếu kể cả hàng cháu chắt thì đại gia đình ông Hán có cả thảy 14 người và một nửa trong số đó đã chết vì ung thư. Trong vòng 5 năm trở lại đây, năm nào gia đình ông cũng quặn xót tiễn đưa một người thân của mình... ra đồng vì căn bệnh nan y quái ác. Từ ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư vú... cùng các biến chứng của nó đã biến căn nhà lụp xụp dưới triền đê của ông Hán thành căn nhà của nỗi đau thương.

Thắp những nén hương cho vợ, con, cháu, giọng ông Hán run run như chực khóc: “Gia đình tôi có làm gì nên tội mà giời hành khổ sở quá chú ơi”. Mời khách bát nước, ông lại đầu giường lấy cuốn sổ nhàu nhĩ, giở ra đọc họ tên, năm sinh, ngày mất của từng thành viên trong gia đình. Trong cuốn sổ đó, ngoài các thông tin cá nhân, ông Hán ghi đầy đủ tình trạng bệnh tật của những người thân. Người đầu tiên trong danh sách buồn thảm ấy chính là người vợ đầu của ông, bà Phan Thị Thuận. Bà Thuận mất năm 1995 vì bị ung thư vòm họng. “Đời bà ấy khổ, khổ cho đến lúc chết. Cả năm trời hàm bà ấy cứng lại, có nhai nuốt được gì đâu. Khi mất, bà ấy bị suy kiệt nặng, người chỉ còn da bọc xương, thương lắm”, ông Hán rưng rưng nước mắt nói.

Ông Hán và bà Thuận có với nhau 5 người con thì 2 trong số ấy cũng đã ra đi vì căn bệnh ung thư. Người con đầu của ông là anh Nguyễn Văn Tương, SN 1966 bị ung thư dạ dày và chị Nguyễn Thị Lan, SN 1968 bị ung thư vú. Trước khi mất, anh Tương đã có vợ con, mưu sinh cùng cánh thợ nề trong xã. Cũng vì túng bấn quá mà tới khi bụng anh trương lên, đau buốt không chịu nổi thì hai vợ chồng mới vay mượn được ít tiền, đưa anh Tương lên viện. Nhưng bệnh đã bước sang giai đoạn cuối, đi viện được tròn tháng thì anh Tương mất.

Nhấp ngụm nước, ông Hán kể tiếp: “Sau khi vợ đầu mất được dăm năm thì tôi đi bước nữa. Người vợ thứ hai này sinh thêm được cậu con trai, nhưng số phận bi đát, thê thảm gấp mấy lần so với anh chị nó”.

Giở tiếp cuốn sổ, ông Hán cho biết đó là anh Nguyễn Văn Cường. Từ nhỏ đến lúc lập gia đình, sức khỏe anh Cường cũng bình thường như mọi người. Năm 1998, anh cưới vợ. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thao về làm dâu được vài năm thì phát hiện ung thư vòm họng. Rồi chị Thao mất, anh Cường tiếp tục lấy người vợ thứ hai là chị Hoàng Thị Ngân. Sau khi sinh cho anh Cường 2 người con thì chị Ngân cũng qua đời vì bị ung thư vú.

Nhìn lên bàn thờ, ông Hán lặng im hồi lâu rồi nói như khóc nghẹn: “Vợ đầu chết. Vợ hai chết thì thằng Cường cũng đi theo vì bị ung thư gan. Khổ lắm chú ơi. Bố chết, mẹ chết, tôi thì già yếu nên hai đứa con phải gửi một đứa sang nhà bác đằng ngoại, còn một đứa nữa thì nương nhờ ở Làng trẻ em SOS của tỉnh. Chả biết căn bệnh này nó còn lấy tiếp đi gia đình tôi bao nhiêu con, cháu nữa”.

Bi kịch gia đình có gần 10 người chết vì ung thư ảnh 1

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Hán nơi chứng kiến một nửa thành viên đã chết vì ung thư. Ảnh: P.B.

Một xóm có 19 hộ “dính” ung thư

Theo cuốn sổ theo dõi ở Trạm Y tế xã Kim Thành, chỉ tính riêng ở xóm Hồng Sơn, tổng số hộ là 120 mà có tới 19 hộ có người chết vì ung thư, nhiều gia đình 2, 3 người chết. 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Kim Thành nói rằng, tỷ lệ chết vì ung thư của cả xã những năm gần đây có chiều hướng tăng. “Con số ung thư mà chúng tôi cung cấp cho các anh là chỉ tính những trường hợp Trạm Y tế xã thống kê được do các gia đình báo cáo lên. 

Con số thật thì còn hơn vì có nhiều trường hợp bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn quá, bị bệnh rồi ủ bệnh đến lúc chết không đi viện ngày nào. Nói tóm lại, xã chúng tôi đang thực sự lúng túng hoang mang vì tình trạng này”, ông Hòa bộc bạch.

Đã từ rất lâu, người dân ở Kim Thành cứ sống trong nơm nớp lo âu, không biết đến ngày nào thần chết gọi tên mình. Nguyên nhân thì chưa có cơ quan nào khẳng định và đương nhiên chưa có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này. 

Ông Nguyễn Văn Phụng, 79 tuổi, cho rằng: “Có thể người dân bị ung thư nhiều là do nguồn nước ô nhiễm thuốc sâu. Tôi nhớ rõ, thời bao cấp, xã Kim Thành có một kho thuốc sâu lớn đặt dưới chân đồi giữa làng Hồng Sơn trong một thời gian dài. Hồi ấy, vì điều kiện bảo quản thô sơ, có thể thuốc sâu đã theo nước mưa thẩm thấu xuống các mạch ngầm, tích tụ dưới đó và giờ mới phát tác”.

Ngoài kho thuốc trừ sâu từ ngày xưa này thì nhiều người lớn tuổi trong xã Kim Thành lại cho biết thêm, trước đây, để chống mối mọt, người dân đã ứng dụng một phương pháp rất... rùng rợn. Họ lấy thuốc trừ sâu 666, DDT trộn cùng với đá xít (một loại đá non) để dựng vách xây nhà. Cẩn thận hơn nữa, nhiều người còn lấy những loại thuốc trừ sâu cực độc đó đem rải ở đầu giường, chân bồ thóc để chống mối mọt. Đó cũng có thể là nguyên nhân gây ra một loạt những hậu quả khiếp hãi đến tận bây giờ. 

Cũng có một nguyên nhân khác nữa mà nhiều người dân ở đây đoán già đoán non là có kho thuốc súng được đặt ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Kho thuốc súng đặt ở lưng chừng đồi, theo nước mưa ngấm xuống lâu ngày cũng có thể làm nguồn nước ngầm ở đây nhiễm độc?.

Sợ nguồn nước nhiễm độc nên người dân đã xây bể để tích nước mưa. Thế nhưng, nguồn nước này không thể đủ cho sinh hoạt hàng ngày. Nhiều hộ gia đình ở dọc xóm Hồng Sơn do lo ngại tình trạng bệnh tật đã bắt đầu bỏ nhà kéo nhau vào Nam tìm kế sinh nhai.

Theo Phùng Bình

Theo Gia đình & Xã hội
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.