Bi kịch anh 'ngẩn ngơ' chứng kiến em tâm thần sát hại cha đẻ
> Chú hàng xóm vào tù vì 'yêu' cháu sáu tuổi
> Bi kịch bị cáo mắc bệnh tâm thần
Mỗi khi dở khùng dở điên, Hoàn bỗng thèm rượu.
Nhiều lần, bố mẹ đưa gã rượu pha nước, gã vẫn chẳng hay, uống tì tì. Nhưng lần ấy, khi người bố chưa kịp đưa gã chai rượu, đứa con tâm thần đã nổi cáu, vớ thanh sắt cài cửa đập liên tiếp vào đầu người sinh thành ra gã. Bố chết, gã con tâm thần vấy máu tung tóe khắp sân nhà. Một người con trai khác của nạn nhân cũng chỉ biết cười hềnh hệch vô thức trước tai ương của gia đình, mọi trách nhiệm, đớn đau đổ dồn lên người vợ, người mẹ già lam lũ…
Cái chết được “báo” trước
Trong vụ thảm án con tâm thần dùng thanh sắt cài cửa đập đầu cha đến chết tại Hải Phòng vừa qua, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà sau này nhiều người cho rằng, đó như một “điềm báo”. Ngày 10/10 hôm đó là ngày giỗ của mẹ đẻ ông Phạm Văn Đặt (SN 1950, trú tại đội 5 – thôn Kiến Phong – Đồng Thái – An Dương – Hải Phòng). Lễ cúng được tổ chức ở nhà người anh trai cả của ông Đặt, cách đó khoảng hơn một cây số. Nhà đang phải quản cậu con trai mắc bệnh tâm thần nên lúc nào cũng phải có người tỉnh táo ở nhà để canh chừng. Buổi sáng hôm ấy, chính bà Mí – vợ ông Đặt – là người chủ động nhận trách nhiệm ở nhà trông con để ông Đặt sang đám giỗ. Chẳng ngờ, ông Đặt bảo: “Thôi bà sang đó đi, để tôi ở nhà trông nó. Bà ở nhà, nó đánh bà chết đấy…”. Và cái chết đã ập đến với người đàn ông ấy.
Đến bữa trưa, ông Đặt đưa cả những đứa con khờ khạo của mình sang nhà anh cả ăn cỗ. Bữa ăn kết thúc, ông nhanh chóng đưa các con về nhà, còn vợ ông ở lại cùng mọi người lo dọn dẹp. Về nhà, con trai thứ hai mắc bệnh tâm thần của ông Đặt là Phạm Văn Hoàn (SN 1981) dở chứng đòi uống rượu. Hoàn xin tiền bố để mua rượu uống nhưng biết con phát bệnh nên ông Đặt không đồng ý. Tức tối, Hoàn cầm thanh sắt dài khoảng 40 cm mà gia đình vẫn thường dùng làm then cài cửa để đập vào đầu bố. Bị đánh bất ngờ, hơn nữa lại tuổi cao sức yếu nên ông Đặt chỉ kịp kêu: “Ối, cứu tôi với…” rồi đổ vật ra sân nhà, trong tư thế úp mặt xuống đất. Thấy bố nằm sõng soài giữa sân nhà, Hoàn tiếp tục đập nhiều nhát vào đầu ông Đặt. Nạn nhân tắt thở, Hoàn vẫn trong cơn điên cuồng, dùng tay trát máu của bố lên tường nhà.
Những người hàng xóm nghe tiếng động lạ vội chạy sang và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, Hoàn dùng chân giẫm đạp lên cơ thể già nua của bố mình. Mọi người xúm lại khống chế Hoàn nhưng chẳng thể cứu được ông Đặt nữa. Vụ việc được thông báo đến cơ quan chức năng. Trong tư thế tay bị bẻ về phía sau, trói chặt, Hoàn rũ rượi, vô hồn. Một người hàng xóm bức xúc trước tội ác của gã nghịch tử, túm tóc Hoàn giật ngược lên để gã nhìn về phía thân xác nằm gục bên vũng máu và quát lớn: “Mày có biết ai đang nằm đó không?”. Đáp lại, Hoàn chẳng phản ứng gì, gương mặt gã trắng bợt, không cảm xúc.
Theo người nhà của ông Đặt cho biết, từ nhỏ Hoàn vốn lầm lì, ít nói và chẳng mấy khi giao tiếp với ai. Hoàn cũng được cha mẹ cho đi học nhưng đã bỏ dở giữa chừng vì không thể tinh thông như những đứa trẻ cùng trang lứa. Thường thì Hoàn chỉ quanh quẩn ở nhà, thi thoảng cũng biết đi bắt con tôm, con cá ngoài đồng phụ giúp cha mẹ. Dẫu chẳng phải đứa trẻ lanh lẹ, khôn ngoan như bình thường nhưng suốt thời thơ ấu, Hoàn chưa từng có biểu hiện bệnh tật. Cho đến khi Hoàn được 21 tuổi thì biểu hiện bệnh rõ rệt. Hoàn thường vô cớ nổi nóng với người thân trong gia đình. Hình ảnh thằng con trai sức vóc đuổi đánh bố mẹ già quanh sân, khắp xóm đã chẳng còn xa lạ với những người hàng xóm của gia đình ông Đặt.
Nhiều khi lên cơn điên, Hoàn đòi uống rượu. Biết bệnh tình của con, ông Đặt, bà Mí thường pha nước vào rượu đưa cho Hoàn, gã chẳng hay biết, vẫn uống tì tì. Thậm chí, đã có lần Hoàn uống thuốc trừ sâu tự tử. Lần ấy, may mắn cho Hoàn, người thanh niên hàng xóm phát hiện kịp thời nên xông vào giật chai thuốc trừ sâu ra khỏi miệng gã, cứu gã thoát chết trong gang tấc. Sau lần ấy, Hoàn chẳng dám tự tử nữa vì bị người hàng xóm quát mắng, cho vài cái bạt tai nên gã hình như đã biết sợ. Mà Hoàn sợ người thanh niên cao to, lực lưỡng tên Triển ở gần nhà gã thật. Mỗi khi Hoàn có biểu hiện quậy phá, mọi người vẫn thường dọa: “Triển Chiêu kìa” là gã lại rúm ró, im re. Hoàn chỉ dám “bắt nạt” bố mẹ già, chứ với những người hàng xóm, gã tuyệt nhiên chưa một lần dám gây hấn.
Lâu nay, qua cơn bệnh, Hoàn lại lầm lì sống như bình thường. Thương con, đã nhiều lần vợ chồng ông Đặt đưa Hoàn vào điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Những đợt điều trị dài ngày như thế, bệnh tình của Hoàn thuyên giảm, ông bà Đặt lại đưa con về nhà chăm sóc. Cha mẹ già chẳng nỡ để Hoàn ở lại nhà thương điên, họ muốn tự tay chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho đứa con u u mê mê ấy, dẫu vất vả bội phần. Khoảng hơn một tháng trước thời điểm xảy ra vụ thảm án con giết cha, bệnh tình của Hoàn trở nên trầm trọng, tần suất phát bệnh dày đặc hơn. Nhưng chưa một ai, kể cả bố mẹ sinh thành ra Hoàn lại nghĩ rằng, Hoàn là mối đe dọa đến tính mạng những người sống quanh gã.
“Trước đó vài ngày, tôi gặp Hoàn và còn trêu nó, hỏi nó sắp lấy vợ chưa? Nó bảo, em sắp lấy vợ rồi, phải mời chị chứ… Ai dè, mấy ngày sau nó lại phát bệnh và giết bố kinh hoàng thế…” – chị T. , người hàng xóm của gia đình nạn nhân cho biết. Và chính sự chủ quan của những người tỉnh táo đã phải trả giá quá đắt bằng cái chết đau đớn, tức tưởi và đầy oan nghiệt của người cha già.
Bi kịch cuộc đời
Ông Đặt vốn là cựu quân nhân, từng phục vụ ở chiến trường miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Bom đạn kẻ thù chẳng thể cướp đi sinh mạng của ông nhưng những chất độc đã kịp ngấm vào máu thịt của vị cựu quân nhân ấy. Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương, gặp bà Mí và hai người nên duyên vợ chồng. Nhưng rồi chiến tranh như một kẻ hủy diệt vô hình, phá tan ước mơ hạnh phúc gia đình trọn vẹn của người lính năm nào.
Vợ chồng ông Đặt sinh ba người con, hai trai và cô con gái út. Hai người con trai của ông nhiễm chất độc màu da cam từ cha nên chẳng thể có cuộc sống bình dị như mọi người. Đứa con đầu lòng của ông Đặt bị bại não từ khi lọt lòng mẹ, rồi đến đứa con thứ hai là Hoàn cũng dở khùng dở điên, để cuối cùng tước đoạt mạng sống của chính người cha già ấy. Chỉ duy nhất người con gái út may mắn thoát khỏi bất hạnh ấy và đã xây dựng gia đình với một người đàn ông cùng xã. Nhưng cuộc sống của cô con gái út cũng vất vả, lắm lo toan nên chẳng thể giúp gì nhiều cho cha mẹ và hai anh bệnh tật. Đồng lương ít ỏi của vị cựu quân nhân cùng chút tiền trợ cấp xã hội dành cho các đối tượng được hưởng chính sách khiến bà Mí phải tằn tiện lắm mới tạm đủ chi tiêu, lo cho 4 miệng ăn của gia đình sống qua ngày.
Sự ra đi đột ngột của vị cựu quân nhân khiến người dân khắp làng trên, xóm dưới đều bàng hoàng, xót xa, không chỉ bởi họ tiếc thương một người đàn ông hiền lành, tốt bụng phải chịu cái chết oan nghiệt do chính con trai mình gây ra, mà còn bởi một lẽ khác. Bất cứ ai quen biết gia đình ông Đặt đều biết và cảm phục nghị lực phi thường của người đàn ông ấy. Ông Đặt vốn bị căn bệnh xơ gan hành hạ, từng nhiều phen tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng trước trách nhiệm lớn lao của người chồng, người cha, ông Đặt đã cố gắng lạc quan, chống lại bệnh tật để được sống. Ông Đặt vừa xuất viện về nhà sau một đợt điều trị bệnh dài ngày thì gặp tai ương thảm khốc ấy.
Sau cái chết của ông Đặt, gia đình bà Mí sống trong tột cùng đau đớn. Người đàn bà nhỏ thó, lam lũ bảo, bà chẳng còn lời nào nói về hoàn cảnh của mình nữa, nỗi đau đớn quá lớn khiến bà dẫu sống mà như chết lặng. Nhưng bà vẫn phải vực dậy để lo toan. Dồn tâm sức lo mồ yên mả đẹp cho chồng xong, bà Mí lại tất tả lo cho những đứa con ngây dại của mình. Hoàn đã vậy, còn người anh trai của Hoàn cũng bệnh tật, phải nhờ cả vào bàn tay chăm sóc của mẹ già. Suốt 37 năm qua, mọi sinh hoạt, ăn uống của người con trai cả đều phải dựa vào bố mẹ già. Anh ta vẫn đi lại được nhưng không nhận thức được gì, đến việc vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ đến bố mẹ dắt đi.
Ngày xảy ra án mạng, người con trai cả của bà Mí cũng có mặt tại nhà nhưng chỉ biết đứng nhìn em trai giết bố. Khi ông Đặt đã chết, thấy hàng xóm láng giềng đến chia buồn, anh ta cười hềnh hệch nói: “Bố chưa chết, nằm trong nhà…”. Nụ cười vô thức trước tai ương của gia đình khiến không ai có thể cầm nước mắt. Cảm thông với bất hạnh tột cùng của gia đình bà Mí, bà con lối xóm chẳng ai bảo ai, tự nguyện quyên góp tiền của giúp đỡ bà Mí qua cơn bĩ cực.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật