Bi hài, xin nước thủy điện để...đua thuyền

Hút cát trên sông Bung. Ảnh: Nam Cường
Hút cát trên sông Bung. Ảnh: Nam Cường
TP - Câu chuyện bi hài “xin” thủy điện xả thêm nước để có thể tổ chức đua thuyền của UBND huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) trong dịp lễ 30/4 vừa rồi một lần nữa cảnh báo tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn nước thượng nguồn.

Rút ngắn đường đua vì thiếu nước

Đua thuyền dịp 30/4 trên sông Thu Bồn đã trở thành lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống của người dân huyện Hiệp Đức (Quảng Nam). Đây cũng chính là dịp để du khách gần xa hay những người con quê nhà trở về chung vui, có dịp tìm về với ký ức tuổi thơ trên dòng Thu Bồn hiền hòa. 

Những năm trước không sao, nhưng năm nay, sự cố xảy ra khi một vài đoạn của sông Thu Bồn qua huyện Hiệp Đức trơ đáy. Thủy điện sông Tranh 2 đang mùa giữ nước để phát điện.

Anh Phan Đức Tuấn (TP HCM), một người con của Hiệp Đức về thăm quê sau hơn 15 năm làm ăn tận Sài Gòn, ngán ngẩm: “Không còn dòng Thu Bồn hiền hòa, đầy ắp nước như ngày xưa nữa. Không còn những bãi bồi phù sa màu mỡ. Tôi quá thất vọng”.

 Anh Tuấn cho hay, đã nghe qua báo chí nói về tình trạng thủy điện, khai thác khoáng sản trái phép làm cạn kiệt nguồn nước, nhưng đến nỗi không còn nước để đua thuyền truyền thống thì anh không thể ngờ.

Ông Zơrâm Nhiên - Bí thư huyện ủy Nam Giang cho hay, đã quá nhiều lần truy quét nhưng vàng tặc chưa bao giờ bị triệt tận gốc. Thời gian này là bắt đầu vào mùa khai thác. Lãnh đạo huyện Nam Giang cũng đã có tờ trình về việc truy quét, tuy nhiên, cứ một lần ra quân, vàng tặc lại rút vào rừng. Việc phá hủy máy móc không ăn thua so với lợi nhuận mà người làm vàng trái phép thu được.

Ngày 5/5, ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho hay, dự định cuộc đua thuyền diễn ra trên đoạn sông Thu Bồn dài 1,5km, nhưng nhiều chỗ cạn, có đoạn trơ đáy nên không thể hoàn thành. Trước tình huống bất ngờ này, ông Thuyên đã phải gọi điện đến Nhà máy Thủy điện sông Tranh 2 “xin” xả nước 225m3/s để đua thuyền.

Mặc dù ngay sau đó lãnh đạo nhà máy thủy điện cũng vui vẻ chấp thuận, nhưng cuộc đua không thể hoàn thành đường đua 1,5km như dự kiến. Nước xả xuống quá chậm, cuộc đua chỉ gói gọn trong 800m, đua thành nhiều vòng. 

Theo ông Thuyên, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng như thế và hiện cũng mới bắt đầu mùa hạn, dự báo sẽ rất khốc liệt. “Hiệp Đức là huyện miền núi mà còn bị như thế, hạ du sẽ vô cùng khó khăn trong mùa hạn” - ông Thuyên nói.

Những dòng sông chết

Không quá khó khăn để chỉ ra nguyên nhân cạn kiệt nguồn nước thượng nguồn các con sông ở Quảng Nam: Đó là thủy điện, phá rừng, khai thác khoáng sản…

Chỉ cách trụ sở UBND huyện Nam Giang, tức bến Giằng chưa đầy 500m, không dưới 3 tổ máy khai thác vàng trên dòng sông Thanh (một nhánh Vu Gia, từ sông Bung chảy về, đến ngã ba bến Giằng hợp với sông Đăkmi thành sông Cái) ầm ào một khúc sông.

 Anh A lăng Nhiếc (xã Tà Bhing), lắc đầu nói: “Bao năm nay vẫn thế rồi. Có ra quân truy quét thế nào cũng không xong”. Chúng tôi lội bộ men theo sông Thanh ngược dòng lên xã Chà Val. Sông Thanh bây giờ trở thành dòng sông chết, với nước đục ngầu, tí tách chảy về xuôi. Lòng sông bị lật xới tan tành. Vàng tặc ngang nhiên khai thác trái phép. Khi thấy chúng tôi đến, họ vẫn cười hềnh hệch như chẳng có chuyện gì.

 Sông Đăkmi từ đoạn thủy điện Đăkmi 4 tới huyện Nam Giang mùa này đỡ hơn vì vàng tặc ít hoạt động là bởi...?vàng đã cạn kiệt. Sông Bung, từ đoạn Chà Val đi lên cũng nham nhở bởi tình trạng nạo vét ngang nhiên. Chủ một xe xúc đang hút cát dưới lòng sông cho biết, đã được cấp phép đến tháng 7.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.