Năm năm xử chưa xong vụ án:

Bị hại đập phá tại tòa vì bức xúc

Ông Hiếu thương tật 41% và trở thành tàn phế.
Ông Hiếu thương tật 41% và trở thành tàn phế.
TP - Sau gần 5 năm với hàng chục phiên tòa xử một vụ án nhỏ xảy ra ở xã Bình Nam (Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn không xong, bị hại với thương tật 41% đã nhiều lần quậy phá ngay tại tòa để yêu cầu xử lý dứt điểm. Tại tòa phúc thẩm, một lần nữa, vụ án phải trả hồ sơ.

Ngày 14/3, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên hủy bản án số 55 ngày 5/11/2015 của TAND huyện Thăng Bình, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án “cố tình gây thương tích” đối với 2 bị cáo Trịnh Xuân Hiền (SN 1964) và Nguyễn Thanh Cường (SN 1991, cả 2 cùng trú tại thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Ngay lập tức, ông Nguyễn Khắc Hiếu (bị hại trong vụ án) với thương tật 41% vung nạng gỗ phản ứng, đập phá cửa kính để phản đối vì quá bức xúc. Ngày hôm sau (15/3), ông Hiếu tiếp tục lên trụ sở TAND tỉnh Quảng Nam để phản ứng, tại đây sau khi nói chuyện với lãnh đạo tòa, ông Hiếu tiếp tục đập phá bàn ghế tại tiền sảnh rồi ra về.

Ông Hiếu và ông Trịnh Xuân Hiền là hàng xóm láng giềng với nhau. Theo hồ sơ, vào đêm 8/11 và rạng sáng 9/11/2011, giữa ông Hiếu và ông Hiền xảy ra xô xát, mâu thuẫn. Ông Hiền sau đó gọi 3 người hàng xóm là Nguyễn Thanh Cường (SN 1991), Hoàng Tấn Quốc (SN 1989) và ông Nguyễn Cân dùng đèn pin, tuýp sắt vây đánh ông Hiếu, khiến ông Hiếu bị chấn thương sọ não, vỡ bàng quang, đứt dây chằng chéo chân trái. Ông Hiếu bị thương tật 41%. Hơn một năm sau, vụ việc mới được Công an huyện Thăng Bình vào cuộc điều tra. Sau đó, TAND huyện Thăng Bình nhiều lần đưa vụ án ra xét xử nhưng cho rằng thiếu nhân chứng và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đã nhiều lần tạm hoãn hoặc trả hồ sơ. Tuy nhiên, VKS và cơ quan điều tra huyện vẫn bảo lưu quan điểm. Vụ án dai dẳng, đến tháng 12/2015, TAND huyện Thăng Bình mới có bản án tuyên phạt Trịnh Xuân Hiền 5 năm tù và Nguyễn Thanh Cường 2 năm tù. Cho rằng mức án quá nhẹ, ông Hiếu kháng cáo. Riêng ông Hiền và Cường kêu oan, cũng kháng toàn bộ bản án sơ thẩm.

Lục toàn bộ hồ sơ giấy tờ về vụ việc, ông Hiếu cho biết: sau gần 5 năm với 16 phiên tòa sơ thẩm, 1 phiên tòa phúc thẩm nhưng đã có 6 lần trả hồ sơ điều tra lại, 11 lần hoãn xử khiến bản thân ông rất mệt mỏi.

Đồng phạm nhưng không bị khởi tố

Theo ông Hiếu, điều khó hiểu, là khi vụ án xảy ra, ông bị đánh nhập viện, thế nhưng Công an xã Bình Nam không lập biên bản. Hơn 1 năm sau, khi gia đình ông khiếu nại, Công an huyện Thăng Bình mới vào cuộc điều tra. Tháng 4/2013, lúc ông Hiếu đang nằm tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình, ông Hiền dẫn điều tra viên và những người liên quan ra đây để xin lỗi. Tại đây, người nhà ông Hiền ra giá bồi thường 55 triệu đồng và yêu cầu ông bãi nại nhưng ông không đồng ý.  Ông Hiếu nghi ngờ điều tra viên đã bị ông Hiền mua chuộc nên đã yêu cầu đổi điều tra viên. Sau nhiều lần kiến nghị, điều tra viên được thay và vụ án mới được đưa ra tòa.

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó chánh án TAND huyện Thăng Bình không nhớ chính xác vụ án đã xử bao nhiêu lần. Ông Dũng cho biết: hoàn cảnh của ông Hiếu rất đáng thương. Nhưng tất cả phải làm theo quy định của pháp luật. Ông Hiếu vì bức xúc nên đã nhiều lần quậy phá tại tòa huyện khi tòa tuyên hoãn hoặc trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung 

Theo ông Dũng vụ việc đã rõ như ban ngày, ngay từ phiên tòa đầu tiên (do ông Dũng chủ tọa) ông đã thấy vai trò đồng phạm của Nguyễn Cân và Hoàng Tấn Quốc nên đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại nhưng không được chấp thuận.

“Tòa đã nhiều lần trả hồ sơ, đề nghị VKS và cơ quan điều tra khởi tố hai đồng phạm nhưng không được chấp thuận nên sự việc dai dẳng vì liên quan đến trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự. Đồng phạm không bị khởi tố nên buộc tòa án huyện Thăng Bình phải xét xử dựa trên hồ sơ vụ án. Do giới hạn của việc xét xử, nên trong bản án sơ thẩm, Tòa sơ thẩm kiến nghị cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm xem xét trách nhiệm hình sự đồng phạm trong vụ án này”, ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, qua xét xử tại tòa, xét  dấu hiệu 2 hai đồng phạm tham gia vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa bị truy tố nên tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Nam  đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau 5 năm, vụ án lại một lần nữa phải trả hồ sơ. Dư luận đặt câu hỏi, liệu cơ quan điều tra và VKS có thực sự công tâm giải quyết vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm để vụ án nhanh chóng đi đến hồi kết?

Đại tá Trần Văn Xuân, Trưởng công an huyện Thăng Bình nói rằng:  Vụ việc như hồ sơ vụ án đã thể hiện có vấn đề gì cứ hỏi viện kiểm sát và tòa. Riêng về việc đổi điều tra viên trong quá trình điều tra, ông Xuân nói: do điều tra viên chuyển công tác nên phải thay người khác.

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên liên hệ VKSND huyện Thăng Bình để làm việc thì được  trả lời: lãnh đạo đi vắng. Muốn gặp phải hẹn và sắp xếp lịch trước!

Gia đình ông Hiếu - bị hại trong vụ án đã kiệt quệ sau quãng thời gian dài ông chữa trị thương tật và phục hồi chức năng đi lại. Số tiền chữa trị lên đến hơn 460 triệu đồng.  Để có tiền chữa trị, gia đình ông đã phải bán đất, bán tài sản, con cái phải bỏ dở việc học hành, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.