Bí ẩn về bãi đá cổ Stonehenge đã được giải đáp: Vòng tròn đá này được dựng lên để làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Suốt nhiều năm nay, con người hiện đại luôn băn khoăn về mục đích của “vòng tròn đá Stonehenge kỳ bí ở Anh. Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng họ đã tìm ra câu trả lời.

Bãi đá cổ Stonehenge là một trong những địa điểm độc đáo nhất ở Anh và cũng là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế giới. Suốt nhiều năm tìm hiểu, người ta vẫn không thể giải thích được rằng bãi đá này được dùng làm gì, tại sao người xưa lại tạo nên công trình này.

Đã có rất nhiều tranh luận xoay quanh di sản thế giới này, có người cho rằng nó gửi một thông điệp nào đó, có những người lại cho rằng khu vực này mang ý nghĩa linh thiêng… Thật lạ lùng là một công trình lớn thế này đã được xây dựng, nhưng không có một tài liệu, một kiểu ghi chú nào được tìm thấy.

Bí ẩn về bãi đá cổ Stonehenge đã được giải đáp: Vòng tròn đá này được dựng lên để làm gì? ảnh 1

Bãi đá cổ Stonehenge. Ảnh: Getty/ iStock.

Nhiều nhà khoa học thì cho rằng nó là một kiểu lịch cổ vì ánh nắng Mặt Trời thẳng hàng với những tảng đá này vào ngày Hạ chí, nhưng nếu là lịch thì nó được dùng thế nào? Điều này thì người ta cũng không biết.

Tuy nhiên, Giáo sư Timothy Darvill cùng đội ngũ của ông ở ĐH Bournemouth (Anh) cho rằng họ đã tìm ra câu trả lời cho công trình của hàng ngàn năm trước: Bãi đá này được sử dụng như một loại lịch Mặt Trời khổng lồ.

Theo trang BBC, ông Darvill ước tính rằng những cột đá này được dựng lên từ khoảng năm 2500 trước công nguyên và luôn giữ nguyên vị trí, cấu trúc, cho thấy chúng được dùng làm một kiểu lịch. Bố cục của Stonehenge tượng trưng cho một năm với 365,25 ngày.

Bí ẩn về bãi đá cổ Stonehenge đã được giải đáp: Vòng tròn đá này được dựng lên để làm gì? ảnh 2

Hàng ngàn người đón bình minh ngày Hạ chí ở bãi đá Stonehenge. Ảnh: KIRAN RIDLEY/ Barcroft Media via Getty Images.

Những cột đá cao lớn này còn giúp con người xác định, tính toán thời gian. Tuy nhiên, hồi đó thì khái niệm “thời gian” hơi khác một chút. Không phải là cách thời gian trôi đi thì có gì khác, mà là con người thời đó không tính thời gian theo kiểu một tuần có 7 ngày như chúng ta bây giờ, theo ông Darvill. Ông giải thích: “Mỗi khối trong số 30 khối đá tại vòng tròn đá này tượng trưng cho một ngày trong một tháng. Một tháng lại được chia thành 3 “tuần”, mỗi “tuần” có 10 ngày”. 4 khối Đá Trạm (Station Stones) bên ngoài Vòng tròn Sa Thạch là để đánh dấu, tính ngày nhuận. Có vẻ kiểu lịch này giống với kiểu được dùng ở Ai Cập cổ đại, và đây có thể là bằng chứng cho thấy có sự liên kết nào đó giữa các nền văn minh thời xưa.

Bí ẩn về bãi đá cổ Stonehenge đã được giải đáp: Vòng tròn đá này được dựng lên để làm gì? ảnh 3

Hoàng hôn ngày Đông chí ở Stonehenge. Ảnh: Earthsky.

Các khám phá này được đăng trên tạp chí chuyên ngành Antiquity (Di tích cổ), trong đó cho rằng vào ngày Đông chí và Hạ chí thì Mặt Trời sẽ được “đóng khung” bởi hai cặp đá của bãi đá (một cặp "dành riêng" cho ngày Hạ chí, một cặp cho ngày Đông chí), năm nào cũng vậy. Từ đó, nếu con người tính nhầm ngày thì cũng sẽ phát hiện ra ngay vì Mặt Trời sẽ ở không đúng vị trí vào những ngày Đông chí và Hạ chí.

Quan điểm của Giáo sư Darvill được nhiều đồng nghiệp ủng hộ. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu David Nash ở ĐH Brighton nói với tạp chí New Scientist (Nhà khoa học mới) rằng khám phá của Darvill “rất hợp lý”. Nhưng tất nhiên, để có thể chứng minh cụ thể, rõ ràng hơn nữa thì các nhà nghiên cứu sẽ phải tiếp tục làm việc thêm nhiều.

Bí ẩn về bãi đá cổ Stonehenge đã được giải đáp: Vòng tròn đá này được dựng lên để làm gì? ảnh 7
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bầu trời Dubai bỗng chuyển màu xanh lá cây giữa mưa bão lịch sử, là hiện tượng gì?

Bầu trời Dubai bỗng chuyển màu xanh lá cây giữa mưa bão lịch sử, là hiện tượng gì?

HHT - Trong lúc mưa bão chưa từng có tiền lệ đang diễn ra, bầu trời ở thành phố Dubai (UAE) bỗng nhiên chuyển thành màu xanh lá cây và không khí dường như có một lớp bụi. Hình ảnh này khiến nhiều người sợ hãi, cho rằng trông giống như trong các bộ phim về thảm họa thiên nhiên. Vậy hiện tượng này được giải thích thế nào?