Bí ẩn vật thiêng của người K’Ho

Những chiếc xà gạc
Những chiếc xà gạc
TP - Không chỉ là dụng cụ sinh hoạt đa năng, thuận tiện, xà gạc còn là vật thiêng hàm chứa bao điều bí ẩn trong đời sống tinh thần của người K’Ho trên cao nguyên Lâm Đồng.

Chém cửa ở rể

“Người K’Ho theo chế độ mẫu hệ nên con gái bắt chồng. Trong lễ rước chú rể về nhà vợ, không thể thiếu vật thiêng là chiếc... xà gạc. Xưa đã thế và nay cũng vậy”, già làng Rơ Ông Ha Tang (xã Đưng K’Nớ, Lạc Dương) cho biết. Khi đoàn rước đến sân nhà gái, đại diện nhà trai cầm xà gạc tiến đến cửa buồng tân hôn dõng dạc bảo: “Họ nhà tôi đã đưa đứa con trai giỏi giang tới đây. Hãy mở cửa cho cháu rể vào!”.

Phía trong cánh cửa, đại diện nhà gái đáp: “Cửa có 2 lớp ngoài được đan bằng tre và 3 lớp trong bằng gỗ. Nếu khéo léo, khỏe mạnh thì tìm cách mà vào, không ai mở giúp đâu!”. Tuy nói thế nhưng nếu nhà gái đã ưng cái bụng thì cửa không bị nêm quá chặt. Đại diện nhà trai lùi lại 3 bước, vung xà gạc chém tượng trưng liên tiếp 3 nhát rồi đẩy cho cánh cửa bật ra, cùng chú rể bước nhanh qua bậu cửa. Nhà gái sẽ làm lễ nhận chú rể.

Các già làng cho biết, ngày nay những cây xà gạc cổ trăm tuổi đang bị giới buôn đồ cổ săn lùng ráo riết, đưa ra khỏi buôn làng và trở thành món chơi thời thượng.

“Chém cửa là nghi thức mở ra một giai đoạn mới của cuộc sống lứa đôi, nhắc nhở hai người luôn yêu thương nhau và tuân thủ luật tục của dòng tộc”, già  Rơ Ông Ha Tang nói như đúc kết. Nếu vợ chết, người chồng phải rời khỏi nhà vợ với tài sản duy nhất được mang theo là chiếc xà gạc chứ không được ở lại sống cùng con.

Lễ vật của vòng đời

Theo truyền thống, nếu vợ sinh con trai, người chồng liền rèn chiếc xà gạc để dâng cúng thần linh trong lễ đặt tên, nghi lễ công nhận đứa bé chính thức bước vào cộng đồng, được tổ chức khi trẻ 8 ngày tuổi.

Thầy cúng cắt tiết, moi lưỡi con gà, vừa khấn đọc cái tên định đặt cho đứa trẻ vừa cầm lưỡi gà nhúng vào rượu cần ném lên bàn thờ từ 1 đến 3 lần. Lưỡi gà dính vào bàn thờ nghĩa là tên của đứa bé đã được thần linh chấp nhận. Thầy lấy máu gà chấm lên trán đứa trẻ xin thần xà gạc che chở, để ngăn thế lực hắc ám làm hại trẻ.

Con đến tuổi trưởng thành, người cha lại làm lễ trọng. Cha đặt chiếc xà gạc lên vai con, cầu xin thần linh ban cho con sức khỏe, sự tinh anh, khéo léo. Cứ thế chiếc xà gạc gắn bó suốt cuộc đời, như cánh tay nối dài của người đàn ông K’Ho và sẽ được đưa ra nhà mồ khi người đó về với tổ tiên. “Người K’Ho quan niệm cái chết là tiếp nối của sự sống, bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác cũng tương tự như cõi trần. Do đó phải chia của cải gồm chiêng, ché, gùi, xà gạc… để người đó sử dụng”, già làng Krajan Plin (buôn Đăng Ja, Lạc Dương) cho hay.

Gìn giữ vật thiêng

Bí ẩn vật thiêng của người K’Ho ảnh 1

Thanh niên K’Ho trong trang phục truyền thống và chiếc xà gạc

Người K’Ho rèn nhiều loại xà gạc. Với xà gạc dùng trong sinh hoạt (săn bắt, phát rẫy…), cán được làm từ gốc cây tre già, dài từ 0,8m-1m, lưỡi bằng sắt có hình chữ nhật dài 25cm, rộng 4cm. Loại xà gạc được xem như vật thiêng dùng trong nghi lễ ăn trâu hiến tế cúng Yàng, lập làng, cầu mùa… tinh xảo hơn nhiều, cán được làm bằng thân cây mây uốn cong hình chữ S, lưỡi cong tựa vầng trăng khuyết, mũi nhọn, thoạt nhìn có vẻ mỏng mảnh nhưng rất bền, đẹp.

Các già làng cho biết, ngày nay những cây xà gạc cổ trăm tuổi đang bị giới buôn đồ cổ săn lùng ráo riết, đưa ra khỏi buôn làng và trở thành món chơi thời thượng. Người ta đồn thổi những chiếc xà gạc này đã bao lần tắm máu kẻ thù, mãnh thú, nên trở thành linh khí có công dụng làm tăng vượng khí, xua đuổi tà ma… Người già trong các buôn làng vì thế phải rất chật vật khi gìn giữ những cổ vật truyền đời của cha ông. 

Dân tộc K’Ho có khoảng hơn 166.000 người, sống chủ yếu ở Lâm Đồng, hiện còn lưu giữ nhiều phong tục truyền thống độc đáo. Khi thu hoạch mùa màng xong, bà con tổ chức ăn Tết, thường là vào tháng 12 dương lịch. Lễ tết tưng bừng có khi kéo dài vài tuần. Sau Tết mới được ăn lúa mới và làm những việc lớn như chuyển làng, cất nhà mới.

MỚI - NÓNG