Bị 2 tấn xi măng đè, người mẹ trẻ nguy kịch
> 'Ước mơ xanh, Trà chanh'
> Nổ bình khí bơm bóng, 5 người trọng thương
Chồng bị câm điếc, không có khả năng lao động, một mình chị phải xin đi bốc vác xi măng thuê để có tiền nuôi 2 con nhỏ. Nhưng tai nạn kinh hoàng 2 tấn xi măng đè lên người khiến sự sống của chị trong tình trạng “thập tử nhất sinh”
Không có tiền để ở viện tiếp, chị Cương đành phải về nhà trong tình trạng sống thực vật . |
Sinh ra, chị Mai Thị Cương đã không may mắn có được một ngoại hình đẹp đẽ để có thể “kén chồng” như bao cô gái khác. Chấp nhận về làm vợ anh Trần Đức Cường – người đàn ông vừa câm, vừa điếc lại mang chứng bệnh động kinh với chị coi như “vung, nồi vừa khít”. Cuộc sống vợ chồng rồi cũng mang lại cho chị hạnh phúc khi có mặt của hai thành viên nhỏ là cháu Trần Thị Mỹ Diệu (5 tuổi) và cháu Trần Thị Kiều Diễm (hơn 2 tuổi).
Lấy chồng phải theo chồng nhưng gia đình anh Cường không có nổi một mái nhà để làm chỗ chui ra chui vào nên chị Cương lại phải “dắt chồng” về nhà để cầu cứu bố đẻ. Không cầm lòng nhìn con, cháu mình sống cảnh lang thang, nhưng mái nhà nhỏ xíu của ông không đủ chỗ ở nên cực chẳng đã ông phải mượn tạm một căn buồng nhỏ tồi tàn để làm chỗ che mưa, che nắng cho gia đình con gái. Cuộc sống của vợ chồng nghèo cứ thế diễn ra với cảnh ngày ngày chồng ở nhà trông con, còn vợ đi làm thuê đủ thứ nghề để lo bữa cơm, bữa cháo cho 4 người.
Bị vỡ xương, dập gan...trong vụ tai nạn khiến chị phải trải đến viện mổ cấp cứu . |
Nhưng tai nạn bất ngờ đã xảy ra, đẩy hoàn cảnh của 4 kiếp người rơi vào cảnh khốn cùng. Theo lời kể của người hàng xóm Mai Thị Gái cho biết: Ngày 10-11-2012 khi đang đi bốc xi măng thuê, trên đường về xe công nông bị lật khiến cả hai tấn xi măng đè hết lên người chị Cương. Tuy nhiên càng không may hơn khi người đi đường chỉ nghĩ có mình anh lái xe nên đã cứu anh trong tình trạng bất tỉnh mà không hay biết dưới đống xi măng còn có một người nữa.
Đến lúc người lái xe tỉnh lại mới cho biết còn một người ở dưới, lúc đó mọi người mới tá hỏa hô hoán nhau lật từng bao xi măng ra để tìm chị. Nhưng lúc đó chị Cương đã trong tình trạng dập vỡ gan, vỡ xương, chảy máu trong nên phải đi cấp cứu mổ gấp. Những ngày đầu được sự cưu mang của bà con thôn xóm nên chị Cương được điều trị đến hết ngày 27-11 nhưng sau đó buộc phải xin về nhà bởi bản thân chị không một đồng dính túi.
Hai đứa con thơ, một đứa lên 5, một đứa hơn 2 tuổi không biết bấu víu vào đâu khi mẹ đau ốm . |
Từ ngày buộc phải xin viện về nhà nằm, chị Cương không thể đi lại được bởi sức khỏe còn quá yếu. Thấy vợ đau, anh Cường cũng chạy tới chạy lui sang hàng xóm xin cốc nước hay bát cơm về bón cho vợ ăn. Dệu dạo nhai từng miếng cơm trắng, chị nhìn hai đứa con mà nước mắt lưng tròng : “Tết năm ngoái, tôi còn đi làm thuê có tiền mua được hai đứa gói bánh, gói kẹo và một cái giò ăn tết, còn năm nay thì nhà không có gì cả. Nhà tôi bình thường đã không lao động được gì, nếu lúc nào lên cơn là hai chị em nó lại kéo nhau chạy sang hàng xóm vì sợ bố đánh”.
Vừa nói, chị lại nhìn chồng, người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ và mặc chiếc áo rách bươm đang cố gắng ra hiệu bằng tay gọi hai con vào với mẹ. Tôi nhìn anh hỏi thật to : “Anh có thương vợ không?” nhưng anh Cường hoàn toàn không hiểu nên cứ ngây ngô nhìn rồi lại cúi mặt xuống một cách tội nghiệp. Ông ngoại Mai Hiển Thiệu cho hay : “Bình thường tôi cũng thấy nó thương vợ, thương con lắm, có nhiều hôm nó còn đút cơm cho con ăn được và ngồi bên cạnh trông vợ cả ngày. Nhưng cứ đùng một cái, nó lên cơn là lại nằm thẳng cẳng, bọt mép sùi ra rồi không biết gì cả làm chúng tôi sợ lắm”.
Tết năm nay, cả gia đình vẫn quây quần trong căn buồng nhỏ hẹp và chật chội chẳng khác gì một cái “chuồng bò” cũ. Người chồng câm điếc vẫn trong bộ quần áo rách tả tơi chăm vợ liệt giường, bên cạnh là hai đứa con nhỏ dại bụng đang sôi lên vì đói. Giọng thều thào, chị Cương chỉ có một tâm nguyện : “Được đến bệnh viện chữa tiếp để có thể đi lại bình thường còn về đi làm nuôi con, nuôi chồng”.
Nghe chị nói, quay mặt đi, tôi cũng thấy nghèn nghẹn ở cổ. Năm mới, người ta ước được giàu sang, may mắn, còn chị thì khao khát có tiền để được đến bệnh viện…. Chào tôi ra về, một vài người hàng xóm cũng không cầm lòng được cho hay : “Người ta đi viện về được chăm sóc, bồi bổ còn chị Cương thường xuyên bị đói vì trong nhà không có lấy một hạt gạo, ấy thế mà khi có người cho bát cơm chị nhất định không ăn để dành phần cho hai con”.
Địa chỉ để bạn đọc giúp đỡ: Chị Mai Thị Cương và anh Trần Đức Cường (thôn An Thư – xã Trịnh Xá – huyện Bình Lục – tỉnh Hà Nam)
ĐT: 0165.558.4308
Xem clip anh Cường chăm vợ, trông con trong căn nhà "nát"
Theo Phạm Oanh
Dân trí