Anh khó thì dân cũng khó chứ, mà dân lại còn đang khó rất nhiều khi trong năm nay, tình trạng kinh tế chưa phải vượt lên được và còn đang rất khó khăn. Các gia đình đang phải oằn mình lo các loại phí đầu năm học, bây giờ lại bắt phải đóng thêm 3 tháng BHYT nữa.
Số tiền này không hề nhỏ, đặc biệt đối với những gia đình ở nông thôn, ở các khu vực ngoại thành. Có những nơi thu nhập rất kém, nông sản lỗ rất nhiều, do vậy không thể có lý do gì mà lại dồn cái khó cho người dân như vậy được. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi ít nhất cũng chỉ nên thu BHYT 12 tháng như mọi năm, không được thu nhiều hơn.
Bên cạnh đó, để phát huy được hiệu quả, tại những cơ sở đào tạo có y tế học đường thì nên chuyển BHYT của học sinh, sinh viên về đó, để họ có thể chăm sóc học sinh, sinh viên dưới nhiều hình thức khác nhau. Tôi đề nghị nên làm theo hướng này, ít nhất cũng phải chuyển 50% số BHYT hiện nay về các cơ sở y tế học đường.
Nếu học sinh, sinh viên đóng BHYT nhưng lại chẳng đi khám gì là không ổn. Tất nhiên, BHYT là sự tương trợ giữa người này với người kia, giữa người khỏe với người ốm, nhưng điều quan trọng đây là nguồn lực lâu dài, các em có khỏe mạnh, tươi tỉnh thì mới có trí tuệ được.
Về nguồn thu từ BHYT, dứt khoát không chỉ cần công khai mà còn phải rất minh bạch từng khoản một. Công khai tổng thu là đúng rồi, nhưng như thế chưa đủ, phải minh bạch ra: Năm nay BHYT thu được bằng nào?
Trường A thu được bao nhiêu, trường B bao nhiêu? Chi đi đâu? Chi cái gì? Tiến độ chi ra sao?... Mặt khác cần phải có quyết toán, một năm BHYT đã phải chi bao nhiêu cho trường này, trường kia, từ đó sẽ tính ra được con số cụ thể ngay. Tôi đề nghị công khai phải gắn với minh bạch.