'Bếp yêu thương' của đầu bếp không chuyên gửi tuyến đầu hàng chục nghìn suất cơm

0:00 / 0:00
0:00
"Bếp yêu thương" của thầy cô Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nấu 200-300 suất ăn/ngày
"Bếp yêu thương" của thầy cô Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nấu 200-300 suất ăn/ngày
TPO - Từ một lời nhắn nhủ trong nhóm: “Thầy cô trong khoa có thể hoặc biết ai tham gia “bếp yêu thương” thì giới thiệu nhé”, vậy là thầy cô trong Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã trở thành những đầu bếp, nấu hàng trăm suất cơm mỗi ngày gửi tuyến đầu chống dịch.

Khi thầy cô thành “anh, chị nuôi”

Vào học kỳ III, thầy trò Khoa Du lịch và Việt Nam học vẫn tiếp tục các lớp học trực tuyến. Lúc này Thành phố đang thực hiện giãn cách, cô Đỗ Thị Hường - giảng viên của khoa về quê Long An vừa dạy học online vừa được gần gũi gia đình.

Vậy mà, khi biết Bếp yêu thương của trường, cô liền khăn gói trở lại TPHCM tham gia bếp. Lúc đầu, cô giáo trẻ còn bỡ ngỡ khi thấy những chiếc nồi, chảo, muỗng… còn to hơn cả người mình. Vậy mà chỉ qua một buổi, cô Hường đã thuần thục thao tác như một đầu bếp chuyên nghiệp.

'Bếp yêu thương' của đầu bếp không chuyên gửi tuyến đầu hàng chục nghìn suất cơm ảnh 1

Bếp Yêu Thương chính thức “đỏ lửa” từ ngày 23/8 đến nay, với 10 thành viên tham gia.

Biết tin Bếp yêu thương đang tuyển “đầu bếp”, cô Sâm - giảng viên khoa Du lịch và Việt Nam học đã động viên chồng (vốn là đầu bếp tại một nhà hàng ở TPHCM) tham gia. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề nấu ăn, giờ anh đã là một trong những cánh tay đắc lực của Bếp.

Thầy Đạt - người thầy giáo với dáng vẻ thư sinh nhưng lại thoăn thoát đôi tay mỗi khi chuẩn bị những suất cơm thân ái để kịp giờ gửi đến các cán bộ y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch. Thầy bộc bạch: “Ở nhà hay ở trường tôi cũng làm việc được, nhưng nếu xung phong lên trường làm việc thì tôi có thêm thời gian để tranh thủ vào Bếp phụ cùng các thầy cô”.

Thầy Trung vừa lập gia đình ít lâu cũng tạm xa vợ để vào Bếp. Dù công việc hằng ngày là dạy học nhưng khi vào bếp, thầy rắn rỏi bưng bê từng nồi cơm, nồi canh đến bao gạo, bọc rau củ.

'Bếp yêu thương' của đầu bếp không chuyên gửi tuyến đầu hàng chục nghìn suất cơm ảnh 2

Từ những mớ rau, con cá vốn bình thường, qua bàn tay của các “thầy cô đầu bếp” trở thành suất cơm thơm ngon, bổ dưỡng gửi đến tuyến đầu.

“Chúng ta cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn thử thách này nhé! Hứa hẹn về một Sài Gòn sớm bình yên và khoẻ mạnh” - đó là lời thầy Lợi động viên thầy cô tại Bếp. Dù không chỉ trực tiếp đứng bếp, thầy Lợi đã kêu gọi thêm các Mạnh thường quân hỗ trợ để có thêm những phần cơm nhiều dinh dưỡng gửi tuyến đầu chống dịch.

Hay cô Chang quyết định giao con nhỏ nhờ người thân chăm sóc, đến “đóng quân” 24/24 tại Bếp. Nhìn dáng dấp bé nhỏ của cô giáo nhưng thoăn thoắt lặt rau, vo gạo, rồi lại tỉ mỉ với từng miếng thịt, con cá… khiến ai cũng nể phục.

Những suất ăn “yêu thương”

Những “đầu bếp” này vốn là những người cầm phấn trên bục giảng, cầm bút bên những trang giáo án, ngày ngày truyền ngọn lửa nghề nghiệp cho sinh viên. Nào mấy ai quen với công việc bếp núc hay nấu hàng trăm suất ăn mỗi ngày như thế bao giờ.

Vậy mà nay, mỗi ngày họ lại tất bật với mớ rau, con cá từ sáng sớm đến tối muộn, để kịp có những phần cơm sốt dẻo, ngon lành kịp giờ đưa đến các bệnh viện dã chiến. Xong việc hôm nay, các “đầu bếp” đã lên tiếp thực đơn cho bữa mai. Cứ thế, công việc được vận hành khoa học nhưng vì khối lượng công việc khá nhiều cũng như việc giảng dạy trực tuyến vẫn phải tiếp tục nên ai cũng “luôn tay, luôn chân” cả ngày.

'Bếp yêu thương' của đầu bếp không chuyên gửi tuyến đầu hàng chục nghìn suất cơm ảnh 3

Bếp được xây dựng tại khu thực hành bếp theo tiêu chuẩn 5 sao dành cho các sinh viên chuyên ngành Nhà hàng - Khách sạn.

Tuy chỉ khoảng 10 thành viên (vì lý do an toàn mùa dịch) nhưng mỗi ngày, Bếp đều mang 200 - 350 suất ăn đến với những người đang cần.

Trước khi làm việc tại Bếp, thầy cô phải tự cách ly ít nhất 14 ngày và đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin. Họ phải xét nghiệm COVID-19 mỗi 3 ngày/lần nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và các thành viên còn lại trong Bếp Yêu Thương.

"Bếp yêu thương" do cô Phan Thị Ngàn – Ban chủ nhiệm Khoa Du lịch và Việt Nam và thầy Trần Thế Vĩnh – giảng viên doanh nghiệp của Khoa khởi xướng, huy động nguồn lực xã hội cũng như liên hệ các bệnh viện dã chiến, phường… để cung cấp những suất cơm. Cô Ngàn chịu trách nhiệm điều hành Bếp, còn thầy Vĩnh đi giao cơm cho người nghèo, người vô gia cư.

'Bếp yêu thương' của đầu bếp không chuyên gửi tuyến đầu hàng chục nghìn suất cơm ảnh 4

Những phần quà gửi đến người khó khăn

“Bếp yêu thương” chính thức “đỏ lửa” từ ngày 23/8 và đã gửi tặng hàng ngàn đến các tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu và cả người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân mắc COVID-19. Đó là một nỗ lực rất lớn của những thầy cô của Khoa mong muốn lan toả tình yêu thương đến khắp Sài Gòn trong giai đoạn cam go này.

Được sự chấp thuận của Ban lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chương trình Bếp Yêu Thương đã sử dụng cơ sở vật chất của trường chính là khu thực hành bếp theo tiêu chuẩn 5 sao dành cho các sinh viên chuyên ngành Nhà hàng - Khách sạn. Chính vì thế, thầy cô thường gọi vui là “Bếp yêu thương 5 sao”.

Được biết, thời gian qua, thầy cô Khoa Du lịch và Việt Nam học đã trao gần 1.000 phần quà gồm lương thực, thực phẩm dự trữ, đồ dùng sinh hoạt cần thiết gửi đến các sinh viên và cả những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.