Bếp lửa xa xứ

Bếp lửa xa xứ
TP - Hồi đó, cách đây khoảng 20 năm chúng tôi là những lưu học sinh sang đông Âu du học, lúc mới sang đứa nào cũng ngây ngất vì môi trường mới, mức sống cao và không khí yên bình.
Bếp lửa xa xứ ảnh 1
Phở gà - Ảnh: Xuân Bình

So với quê nhà thì cái gì cũng là "cổ tích"- đi shopping, đi picnic ngắm Mùa thu vàng, đi metro, nhà hát, bảo tàng, cung điện, kể cả 3 bữa ăn tự chọn trong nhà ăn sinh viên cũng là đỉnh...

Lũ sinh viên non trẻ chúng tôi vội vàng và tham lam "nếm" thử mọi tiện nghi và hương vị của mảnh đất "cổ tích" mà mình vừa chạm tới. Thế nhưng chỉ sau một vài tháng sự sung sướng đã bão hòa.

Đám con gái bâng khuâng nhớ nhà, nhớ cơm nhà. Các anh chị học năm trên dọa: Rồi sẽ có lúc tụi em thấy sợ cả mùi bơ sữa bay ra từ nhà ăn. Sẽ thèm cơm trắng, thèm nước mắm, gà tươi, bún phở, xôi vò... thèm tất.

Đúng thật, chúng tôi có trò mới, ngồi trong chăn và kể các món ngon quê nhà. Đứa nào sành ăn và khéo miêu tả đứa ấy khiến cả phòng khổ sở vì thèm.

Sang đến nước ngoài mới biết, hồi ở nhà có quá nhiều món mình chưa được ăn. Tôi thèm rỏ dãi mất mấy ngày vì ám ảnh món của một cậu ở Quảng Nam: "Má tớ có một món làm đơn giản mà anh em tớ không bao giờ chán. Cà dái dê thái khoanh tròn vát dày khoảng 2cm đem chiên qua với mỡ, đậy vung cho vừa chín mềm, tắt bếp rồi rưới một bát xì dầu bằm nhiều tỏi ớt lên chảo cà đang nóng, mùi thơm bay khắp xóm. Món đấy ăn với cơm hơi xém thì hơi bị tốn cơm".

Bếp lửa xa xứ ảnh 2
Mỳ vằn thắn - Ảnh: Xuân Bình

Cả chục năm bên đó tôi cứ định bụng thử làm cái món mê hồn đấy nhưng xì dầu rất khó kiếm. Thời đó đâu đã có chợ hay siêu thị đồ ăn châu Á như bây giờ.

Đoàn học tiếng của chúng tôi chủ nhật nào cũng tụ tập để chế món ăn sao cho giống lời miêu tả của một ai đó sành ăn.

Món dễ bắt chước nhất là phở gà. Bánh phở thay bằng mỳ dẹt, vị phở và ngũ quả là quà gửi từ trong nước sang, chỉ cần mua gà già và xương lợn, hành tươi có thể kiếm ở chợ nông trang, đành thiếu thơm và mùi ta.

Khổ một nỗi gà già bên đó để đông lạnh và thịt quá dai nên không thể giống phở gà Hà Nội. Bánh phở cũng chỉ tương tự, thịt gà cũng tương tự chúng tôi vừa ăn vừa tả thêm "thịt gà tươi ở nhà ngọt, da gà vàng bóng mọng, giòn, lá chanh thái chỉ thơm nức".

Bếp lửa xa xứ ảnh 3
Hành muối - Ảnh: Xuân Bình

Chị em mà hứng lên thì lăn lưng vào bếp chiêu đãi anh em món cầu kỳ hơn - mỳ vằn thắn. Mọi nguyên liệu đã có, chỉ thiếu mỗi hẹ và hành khô.

Một người phụ trách cán bột mỳ làm vỏ vằn thắn, mỳ trứng luộc lên để ráo, bóng bì ngâm mềm, trứng gà luộc, thịt lợn thăn tẩm hoa hiên rán, thịt băm ướp sẵn gia vị và hành.

Nồi nước dùng ninh xương thả vào một viên nước mắm khô và hành tây nướng. Làm món gì có nước mắm chúng tôi đều hơi căng thẳng sợ các sinh viên ngoại quốc khác nổi giận vì cái mùi "khó chịu" bay khắp hành lang các tầng.

Món mỳ vằn thắn gần như là thành công, mọi người ăn xì xụp khá thoả mãn tuy nhiên vẫn không quên "đay nghiến" : "giá có hẹ và tương ớt". Gần tết mỗi đứa đều nhận được quà quê nhà, đậu xanh, nếp, bánh đa nem, măng khô, miến,mộc nhĩ, nấm hương, bột sắn, mứt sen, gừng khô, vừng...

Bếp lửa xa xứ ảnh 4

Chè tổ ong - Ảnh: Xuân Bình

Sáng 30 Tết, tất cả nam nữ trong đoàn vào cuộc chuẩn bị bữa ăn liên hoan tất niên. Món nem (chả giò) rán luôn là món thành công nhất của các bà nội trợ xa xứ.

Từ một tuần trước mấy cô gái đảm đang phải ngâm đậu xanh làm giá đỗ. Chúng tôi đã có đầy đủ nguyên liệu cho chảo nem quyến rũ, kể cả bát nước mắm pha đúng tiêu chuẩn chua ngọt cay có rắc hạt tiêu.

Dù sao vẫn thiếu một thứ solo cho đa số món ăn quê nhà đó là rau sống. Mùi, thơm bạc hà, ngổ, kinh giới, rau muống chẻ, hoa chuối thái... là những cái tên xa xỉ.

Món bún chả ở đây không bao giờ thành công vì thiếu bún tươi và rau sống "made in VietNam". Tối giao thừa, mọi người dẹp hết bánh kẹo Tây và cố bày biện một bàn ăn thuần khiết tinh thần quê nhà. Chè tổ ong, kẹo cu đơ, bánh đậu xanh, hạt sen, nhấm nháp với nước chè Thái Nguyên pha đặc.

Một cành hoa đào giả làm từ giấy hồng, khói hương cúng giao thừa nghi ngút, mở đi mở lại bài nhạc " mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ...". Không khí "sến" làm tất cả đều mềm yếu nhớ "chùm khế ngọt".

Bếp lửa xa xứ ảnh 5
Cu đơ (kẹo)

Những năm sau, ngày càng xuất hiện nhiều quầy bán đồ ăn Việt tại các ký túc xá của công nhân xuất khẩu lao động. Chúng tôi dễ dàng hơn trong các cuộc trổ tài nấu ăn, xong gì thì gì mọi "tác phẩm" món ngon nơi xa xứ vẫn chỉ là những bản sao.Luôn thiếu một cái gì đó mà không ai giải thích nổi.

Gần đây, tôi có người bạn gái là Việt kiều sống ở Canada 25 năm mới về Hà Nội, thuê phòng ở khách sạn 5 sao. Buổi sáng đầu tiên ngủ dậy, hai mẹ con cô xuống phòng ăn và ăn hết 7 bát phở gà. Mẹ ăn 4 bát, con trai 10 tuổi ăn 3 bát, mỗi bát 5$ (80.000đ/1bát).

Cô bạn nói "chưa bao giờ tớ thấy phở ngon đến thế. Ở bên kia tuần nào nhà tờ cũng đi ăn phở tiệm, tô phở bò tái chín to bự. Nhưng về đây nhìn thấy phở gà, thèm không chịu được. Ăn rồi lại muốn ăn từ đầu. Thịt gà ở đây như có ma tuý ấy".

MỚI - NÓNG