Bệnh viện tuyến huyện tại Hà Nội: Thoi thóp nằm chờ vốn đầu tư

Văn phòng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn tạm bợ, mưa dột liên miên.
Văn phòng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn tạm bợ, mưa dột liên miên.
TP - Mái dột, tường nứt, nhà cửa tạm bợ, nhếch nhác là thực trạng tại nhiều bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện này đang gánh trên vai trách nhiệm nặng nề.

Nằm ở trung tâm thị trấn huyện Thanh Trì nhưng bệnh viện đa khoa của huyện nhìn khá tuềnh toàng, nhếch nhác. Ngoài mấy bộ ghế mới lắp trong phòng đón tiếp bệnh nhân, còn lại toàn bộ cơ sở vật chất, phòng khám, phòng nội trú đã xuống cấp nghiêm trọng. Do lâu ngày không được cải tạo nên hàng chục bộ cánh cửa gỗ đã mục nát, nước từ tầng trên chảy xuống tầng dưới rất mất vệ sinh. Ngay cả văn phòng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn cũng nằm trong sự ô nhiễm vì ngay sát nơi đổ rác, cống thoát nước ẩm thấp.

“Văn phòng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn vốn là nhà để xe cải tạo lại, cứ mưa là dột khắp nơi, rất đáng lo ngại. Ngay cả khi tăng giá dịch vụ nếu tự chủ tài chính thì bệnh viện cũng không đủ tiền trả lương cán bộ”, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì nói.

Cũng do thiếu vốn đầu tư nên bệnh viện Thanh Trì mới đây đã bị Thanh tra Sở TNMT xử phạt 60 triệu đồng do hệ thống xử lý nước thải không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường. Bệnh viện phục hồi chức năng (quận Thanh Xuân) cũng trong tình trạng tương tự. Do thiếu đầu tư nên tại đây hệ thống xử lý chất thải khá tạm bợ. Riêng nước thải vẫn xử lý theo hình thức sơ khai nhất là đổ Cloramin B vào rồi xả thẳng ra cống thoát nước.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, dù đã được đầu tư bước đầu nhưng vẫn trong tình trạng phải hoạt động kiểu chắp vá. Bệnh viện Ba Vì diện tích 1,7 ha, diện tích sử dụng thực tế khoảng 10.899 mhiện tại là quá chật hẹp, có rất ít sân, vườn, thiếu không gian cho bệnh nhân đi lại, thư giãn. Đặc biệt, vì khu đất quá chật hẹp nên bệnh viện không có đường chạy cho xe cứu hỏa, xe cấp cứu tiếp cận được với các công trình, các khoa phòng trong bệnh viện. Nhiều công trình do xây dựng quá lâu, có công trình xây dựng cách đây gần 30 năm và không được đầu tư cải tạo, đã xuống cấp nghiêm trọng: Mái dột, tường nứt, nền sụt lún... rất nguy. Một số hạng mục đã xây nhưng chưa hoàn thiện do thiếu vốn.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình trạng xuống cấp của các bệnh viện tuyến huyện đang rất nhức nhối đòi hỏi phải sớm có biện pháp đầu tư. Nhiều khoa, phòng của các bệnh viện đang hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ như Bệnh viện Thanh Nhàn, Thanh Trì, Phụ sản, Sơn Tây, Hà Đông…

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, với cơ chế hiện nay, phần đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất của các bệnh viện tuyến huyện đều trông chờ vào vốn ngân sách. Và ngay cả khi tăng giá dịch vụ y tế thì phần đầu tư này vẫn phải có sự hỗ trợ từ nhà nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, dù trên địa bàn thành phố tập trung nhiều bệnh viện lớn của Trung ương nhưng vai trò của bệnh viện tuyến huyện vẫn rất quan trọng. “Thu nhập của người dân còn thấp, bệnh viện huyện lại ở rất gần với người dân nên vẫn là nơi cần thiết cho yêu cầu khám chữa bệnh”, bà Thùy nói.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình trạng xuống cấp của các bệnh viện tuyến huyện đang rất nhức nhối đòi hỏi phải sớm có biện pháp đầu tư. Nhiều khoa, phòng của các bệnh viện đang hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ như Bệnh viện Thanh Nhàn, Thanh Trì, Phụ sản, Sơn Tây, Hà Đông…

MỚI - NÓNG