Trong những năm qua, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực xây dựng, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng y tế chuyên môn cũng như nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Với quy mô khoảng hơn 500 giường bệnh, gồm các khoa lâm sàng, khoa cận lâm sàng và các phòng chức năng. Đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, đầy tâm huyết với gần 700 cán bộ, nhân viên, trong đó có gần 100 thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ chuyên khoa I...
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh hiệu quả, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã từng bước triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao về chất lượng y tế chuyên môn và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Đáng chú ý, bệnh viện đã ứng dụng có hiệu quả nhiều kỹ thuật cao như kỹ thuật tách tiểu cầu từ máu toàn phần, phẫu thuật nội soi cắt tử cung, mổ cắt tử cung qua đường âm đạo, chẩn đoán trước và sàng lọc sơ sinh, nhiễm sắc đồ máu ngoại vi và giản đau trong chuyển dạ.... đạt nhiều kết quả trong khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Một trong những dấu ấn để lại trong lòng người bệnh đó là những thành công trong việc điều trị vô sinh, hiếm muộn của Khoa hỗ trợ sinh sản. Đây luôn là địa chỉ tin cậy, gửi gắm niềm tin cho bệnh nhân khám và điều trị hiếm muộn, vô sinh. Với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tiên tiến mang đến hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Được thành lập vào tháng 6/2004, Khoa Hỗ trợ sinh sản với đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao và tận tụy với nghề. Đây là đơn vị tuyến tỉnh duy nhất đã triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Cùng với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại và tạo điều kiện để các y, bác sĩ được thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, các hội thảo về hỗ trợ sinh sản trong nước và quốc tế để cập nhật thông tin, kiến thức mới trong lĩnh vực hiếm muộn, vô sinh.
Năm 2007, Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện được chính thức cấp phép đủ tiêu chuẩn thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), trở thành đơn vị hỗ trợ sinh sản tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước làm chủ được kỹ thuật IVF. Năm 2008, việc áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh, 4 em bé đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm ra đời khỏe mạnh, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Sau nhiều năm đi vào hoat động, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, áp dụng thực hiện các phương pháp hiện đại có khả năng thành công cao.
Đến năm 2018 bệnh viện đánh dấu thực hiện thành công nuôi cấy phôi đến giai đoạn blastocyst và chuyển phôi ngày 5...tiến tới sàng lọc tiền làm tổ, với tỷ lệ có thai 80%, tỷ lệ thai lâm sàng 70% đã giúp cho những cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đạt kết quả khả quan với chất lượng phôi tốt và giảm thiểu tỷ lệ đa thai.
Hàng năm, Bệnh viện Phụ Sản Thanh Hoá đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên tất cả các mặt công tác. Chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng lên, nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được ứng dụng như chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh, đẻ không đau, giảm đau sau mổ. Đặc biệt nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như đông phôi và chuyển phôi đông lạnh, phôi thoát màng, nuôi phôi và chuyển phôi ngày 5... Trong chăm sóc điều trị sơ sinh non tháng, sơ sinh bệnh lý có nhiều tiến bộ...
Theo Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, mỗi năm Khoa Hỗ trợ sinh sản thực hiện khoảng hơn 500 chu kỳ IVF với tỷ lệ thành công cao. Hiện tại, sàng lọc di truyền tiền làm tổ được đánh giá là một bước tiến quan trọng của khoa Hỗ trợ sinh sản trong việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Bệnh viện là đã hỗ trợ thành công cho nhiều cặp đôi làm IVF thành công khi tuổi đã cao. Tính đến nay đã có hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn có con nhờ thực hiện kỹ thuật IVF tại khoa. Nhiều bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm thành công cũng quay lại sử dụng phôi trữ để thực hiện chuyển phôi lần 2, 3.
Để các cặp vợ chồng hiếm muộn biết đến những thành công trong việc áp dụng kỹ thuật trong điều trị hiếm muộn, Khoa Hỗ trợ sinh sản triển khai một số chương trình hỗ trợ tư vấn miễn phí để được thăm khám và điều trị sớm. Hiện có rất nhiều bệnh nhân từ Ninh Bình, Nghệ An, Hòa Bình, Vũng Tàu... đã thăm khám, chữa trị hiếm muộn và có con.
Bác sỹ CKII Võ Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cho biết: Cùng với nỗ lực nâng cao hoạt động chuyên môn, các hoạt động xã hội thiện nguyện được ban lãnh đạo bệnh viện, cán bộ, người lao động tại đơn vị tham gia tích cực. 100% cán bộ viên chức, người lao động đã tham gia ủng hộ xây dựng quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quỹ chất độc màu da cam, ủng hộ đồng bào lũ lụt, hướng về miền Nam... Với trách nhiệm là người thầy thuốc của nhân dân, chúng tôi luôn nỗ lực rèn luyện, học tập, lao động để vững vàng về chuyên môn; đồng thời, nâng cao trách nhiệm, y đức của người thầy thuốc để mang lại nhiều hy vọng, niềm vui cho bệnh nhân nói riêng, sự phát triển chung của bệnh viện, ngành y.