Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân giảm sâu đã khiến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM thu không đủ bù chi. Chiều 13/10/2022, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc bệnh viện, nói: “Khoản tiền 91 tỷ bệnh viện bị âm trong năm 2021 không phải là do năng lực của bệnh viện mà do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bởi có thời điểm lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện chỉ còn khoảng 10% so với trước khi có dịch. Bên cạnh đó, bệnh viện còn 38 tỷ đồng đã chi cho bệnh nhân diện bảo hiểm y tế nhưng chưa được quyết toán do vượt tổng mức thanh toán”.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu đang dần phục hồi. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn quỹ tích lũy của các năm trước đã sử dụng hết nhưng nguồn thu hiện tại vẫn không đủ để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ nhân viên.
BS Tuấn cho biết, Bệnh viện Ung Bướu đã kiến nghị các cơ quan ban ngành và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để quyết toán các khoản còn tồn đọng và sử dụng quỹ phòng chống thiên tai, dịch bệnh hỗ trợ bệnh viên tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.
THU NHẬP BÌNH QUÂN GIẢM
BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết, lượng bệnh nhân thời gian qua vẫn chưa đạt so với trước dịch, bệnh nhân khám và điều trị nội trú hiện chỉ đạt khoảng 70%, còn ngoại trú khoảng 80%. Nguồn thu của bệnh viện cũng chưa thể phục hồi. Nguồn thu giảm đang ảnh hưởng đến thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế toàn bệnh viện, tổng thu nhập của cán bộ, nhân viên chưa thể đạt mức của giai đoạn trước dịch COVID-19.
Trong khi đó, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn thu của bệnh viện đạt khoảng hơn 200 tỷ đồng. Doanh thu đã vượt cùng kỳ năm trước, tuy nhiên chưa bình phục được. Sau 2 năm căng mình chống dịch, bệnh viện đang gặp khó khăn trong cân đối thu chi; không có nguồn để tăng thu nhập thêm cho nhân viên y tế.
Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố có 78 đơn vị sự nghiệp công lập, tất cả đều được giao tự chủ tài chính, trong đó có 45 bệnh viện tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, 3 bệnh viện tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, 2 bệnh viện do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên. Nguồn thu của các bệnh viện hiện nay đến từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (khám chữa bệnh), hoạt động liên doanh liên kết, vốn vay, viện trợ, tài trợ và các nguồn thu khác.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nguồn thu của các bệnh viện từ hoạt động khám chữa bệnh (bao gồm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh thông thường) đã giảm nghiêm trọng, do số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh liên tục giảm sâu. Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2020, số lượt khám chữa bệnh ngoại trú trên địa bàn thành phố giảm hơn 29%, bệnh nhân điều trị nội trú giảm gần 19%. Thực tế trên đã khiến nguồn thu của các bệnh viện trong năm chỉ đạt hơn 28.500 tỷ đồng (giảm 9% so với năm 2019).
Bước sang năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, các bệnh viện rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Có thời điểm bệnh viện phải hoạt động theo mô hình tách đôi (một nửa khám chữa bệnh thông thường, nửa còn lại thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19). Giãn cách xã hội khiến người bệnh khó tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh.
Năm 2021, số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị giảm xuống mức kỷ lục. Lượt khám bệnh ngoại trú giảm gần 38%, điều trị nội trú giảm 32% so với năm 2020. Tổng nguồn thu của bệnh viện tiếp tục giảm sâu và chỉ đạt hơn 19.600 tỷ đồng (giảm 28% so với năm 2020 và 35% so với năm 2019).
KHÓ CÂN ĐỐI
Nhân viên y tế tập vật lý trị liệu cho người bệnh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng TPHCM Ảnh: vân sơn |
Tổng thu của các bệnh viện công lập ở TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 12.400 tỷ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019).
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, nguồn thu thấp đang khiến nhiều bệnh viện gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính. Ngoài số lượng bệnh giảm do ảnh hưởng của đại dịch thì một trong những nguyên nhân trực tiếp đang ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện là do giá khám chữa bệnh chưa được cấu thành đầy đủ các yếu tố chi phí.
Theo BS Nam, hiện nay, trong 7 yếu tố cấu thành giá khám chữa bệnh thì các bệnh viện công lập mới chỉ được tính 4/7. Còn 3 yếu tố bao gồm: khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản; chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa được tính vào giá khám chữa bệnh. Nguồn thu từ khám chữa bệnh của các bệnh viện chiếm khoảng 45% - 50% tổng thu của bệnh viện. Khi giá chưa được tính đúng, tính đủ thì tổng nguồn thu của bệnh viện càng thiếu hụt và không đủ kinh phí hoạt động. Mặt khác, vấn đề thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh liên quan đến bảo hiểm y tế thường bị chậm thanh quyết toán đang dẫn đến công nợ của các bệnh viện với những công ty cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị… kéo dài.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, do tác động của đại dịch COVID-19 nên trong 3 năm qua, số đơn vị y tế công lập trên địa bàn không có hệ số thu nhập tăng thêm cho người lao động ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2020 chỉ có 5 đơn vị thì năm 2021 đã tăng lên 13, trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng lên 34. Gần 900 nhân viên y tế đã nghỉ việc.
Sở Y tế đã kiến nghị với Bộ Y tế và các bộ, ngành trung ương cần: Sớm ban hành giá khám chữa bệnh, cần tính đúng, tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần có cơ chế linh hoạt để điều chỉnh bổ sung kịp thời kinh phí cho các bệnh viện trong trường hợp tổng chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế của thành phố vượt dự toán. TPHCM cần có giải pháp bổ sung nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập cho nhân viên y tế tương xứng với công sức làm việc.