Bệnh viện đầu tiên của Việt Nam sở hữu máy CT hiện đại nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Sau thời gian sản xuất ưu tiên tại Đức, cỗ máy đỉnh cao công nghệ CT-Photon đã về đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ. Đây là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam sở hữu máy CT hiện đại nhất thế giới.

CT Photon là thế hệ máy mới nhất, do công ty Siemens Healthineers sản xuất, mới có gần 80 máy được lắp đặt trên toàn cầu. Ngày 22/9, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, sau khi chi số tiền “khủng” hơn 120 tỷ đồng, cỗ máy CT-Photon đã chính thức về tới bệnh viện. Đây là cỗ máy đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những cỗ máy đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Để hiểu hơn về tính ưu việt của CT-Photon, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Nguyễn Đức Chỉnh, Trưởng khối Nội tim mạch – Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Bệnh viện đầu tiên của Việt Nam sở hữu máy CT hiện đại nhất thế giới ảnh 1

Thưa Bác sĩ, xin bác sĩ cho biết vai trò của chụp CT trong chẩn đoán hình ảnh?

Ra đời từ những năm 1970, những thế hệ CT đa lát cắt đầu tiên với 16 lát cắt từng bước tăng lên 32, 64, 128, 512 và đến nay là 768 lát cắt. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, một thế hệ máy CT với công nghệ hoàn toàn mới vượt qua giới hạn về số lát cắt; dựa trên nguyên lý xử lý hình ảnh độc nhất đó là máy CT đếm Photon phát ra.

Về nguyên tắc, chụp CT giúp bác sĩ nhìn thấy những cấu trúc bên trong cơ thể ở không gian 3 chiều mà các các phương pháp thăm khám truyền thống không thể đánh giá được. Hiện nay, CT đang góp phần đắc lực vào chẩn đoán các loại bệnh về: phổi, xương khớp, gan mật, tiết niệu đặc biệt là động mạch vành (mạch máu nuôi tim), động mạch chủ, động mạch tạng – chi… Ngoài ra, CT còn giúp chẩn đoán các bệnh lý như ung thư, dị tật, dị dạng, chấn thương ở tất cả hệ cơ quan trên cơ thể với độ phân giải cao trong thời gian chụp rất ngắn.

Tuy nhiên, vấn đề bất tiện của phương pháp chụp CT là phải sử dụng tia X, cần phải bơm thuốc cản quang khi cần chụp mạch máu. Có nguy cơ nhỏ dị ứng cản quang và tăng nguy cơ suy thận (trong những trường hợp bệnh nhân đã có suy giảm chức năng thận).

Sự khác biệt giữa CT Photon và CT khác hiện nay ra sao, thưa bác sĩ?

Đối với các thế hệ CT trước đây thì phân tích tín hiệu gián tiếp từ chùm tia X đi qua cơ thể biến đổi thành năng lượng ánh sáng và cho ra hình ảnh, trong khi đó chụp CT Photon thì phân tích tín hiệu trực tiếp từ sự suy giảm năng lượng của các hạt photon khi đi qua cơ thể, từ đó cho chất lượng hình ảnh tốt hơn, rõ nét hơn.

Với tính năng phân tích tín hiệu trực tiếp góp phần giảm thời gian cũng như liều lượng tia xạ mà người bệnh phải tiếp xúc, cùng với đó chất lượng hình ảnh cũng được tăng hơn khi chụp với máy CT Photon. Đây là giải pháp an toàn nhất cho trẻ em khi cần chụp CT vì liều tia X là thấp nhất so với các máy CT hiện tại.

Thưa bác sĩ, ưu điểm của CT Photon trong các bệnh lý tim mạch nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng là gì?

Với các thế hệ máy CT trước, để đánh giá bệnh nhân bị bệnh mạch vành vôi hóa hoặc mạch vành đã đặt stent thì không khả thi do có nhiều xảo ảnh (ảnh giả). CT Photon cho chất lượng tốt hơn, độ phân giải tốt hơn, thời gian ngắn hơn nên có thể chụp được cho những đối tượng bệnh nhân sau đặt stent nhằm đánh giá tái hẹp và chẩn đoán bệnh lý mạch vành có vôi hóa nặng mà các thế hệ trước không đánh giá được.

Bệnh viện đầu tiên của Việt Nam sở hữu máy CT hiện đại nhất thế giới ảnh 2

Đối với những bệnh nhân có hẹp mạch vành do xơ vữa thì CT Photon có khả năng dự đoán mảng xơ vữa nguy cơ cao, tiến triển thành nhồi máu cơ tim giúp người bệnh chủ động phòng ngừa, điều trị tốt hơn.

Trong các bệnh lý van tim có chỉ định mổ thay van hoặc can thiệp qua da thì các hướng dẫn điều trị của các tổ chức quốc tế đều khuyến cáo chụp CT mạch vành trước mổ để tầm soát và điều trị bệnh mạch vành phù hợp.

Ngoài ra, những trường hợp có bất thường cấu trúc tim như tim bẩm sinh, hoặc bệnh tim mắc phải (bệnh cơ tim, viêm màng ngoài tim, bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim) thì máy CT Photon cũng giúp chẩn đoán tốt hơn.

Những bệnh nhân nào nên chụp CT động mạch vành, thưa bác sĩ?

Để cho thuận tiện tôi xin chia làm 2 nhóm đối tượng, nhóm 1 là bệnh nhân chưa từng đặt stent. Bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ của bệnh mạch vành như đau ngực hay khó thở thì có chỉ định chụp CT để xác định chẩn đoán. Các bệnh nhân không triệu chứng nhưng có yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành và có bất thường trên các cận lâm sàng không xâm lấn khác như ECG hay siêu âm tim.

Ngoài ra ở các nhóm đối tượng đặc biệt như bác sĩ đã nói ở trước đó là các bệnh nhân có bệnh van tim có chỉ định mổ thay van hoặc can thiệp qua da, các bệnh nhân dự kiến ghép tạng, các đối tượng có nghề nghiệp đặc biệt như phi công, tài xế xe buýt, thợ lặn.

Nhóm 2 là bệnh nhân đã đặt stent. Trước đây khi bệnh nhân có triệu chứng tái phát (đau ngực khó thở) phải chụp mạch vành trực tiếp tại phòng DSA để kiểm tra lại (do độ phân giải có các thế hệ máy CT trước không đánh giá được tái hẹp trong stent). Hiện nay với CT Photon những bệnh nhân có nghi ngờ tái hẹp chỉ cần chụp CT Photon có thể chẩn đoán được bệnh, góp phần giảm nguy cơ khi làm thủ thuật xâm lấn, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ngoài ra những vị trí đặt stent có nguy cơ tái hẹp cao, đe dọa tính mạng bệnh nhân như vị trí thân chung động mạch vành trái hoặc đặt stent các chỗ chia đôi ở đoạn gần nên chụp kiểm tra sau 1 đến 3 năm.

Thưa bác sĩ, CT Photon ngoài chức năng vượt trội trong chụp động mạch vành thì còn chụp ở những cơ quan nào?

CT Photon còn giúp chẩn đoán sớm ung thư như: ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi ở những đối tượng nguy cơ cao như hút thuốc lá, uống rượu bia. Trong chẩn đoán bệnh lý thoái hóa xương khớp, CT Photon giúp đánh giá các cấu trúc xương với độ phân giải cao hơn so với thế hệ CT trước, có thể phát hiện rạn/nứt/gãy xương ở mức độ nhỏ mà các máy CT trước không phát hiện được.

Ở mạch máu thần kinh thì CT Photon giúp chẩn đoán rõ hơn trong các trường hợp bệnh nhân đã đặt Stent, Coils hay bơm các chất gây tắc hoặc bệnh nhân có kim loại trong người, đeo máy tạo nhịp tim… khi chụp chụp cộng hưởng từ (MRI) gây ra xảo ảnh thì có thể lựa chọn CT Photon thay thế. Máy còn giúp đánh giá tốt các vị trí mạch máu tạng – ngoại biên như động mạch chủ, động mạch chậu, động mạch chi, mạc treo.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

MỚI - NÓNG