Hôm 5/5, Bộ Y tế Indonesia thông báo 3 bệnh nhi (2, 8 và 11 tuổi) tử vong tại các bệnh viện ở thủ đô Jakarta sau khi có một số triệu chứng như sốt, vàng da, co giật, mất ý thức. Ngày 30/4, Bộ Y tế Singapore thông báo phát hiện 1 bé trai 10 tháng tuổi bị viêm gan không rõ nguyên nhân. Trước đó, ngày 26/4, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo về ca viêm gan không rõ nguyên nhân đầu tiên ở nước này.
“Các nhà điều tra ở Mỹ cũng như trên khắp toàn cầu đang làm việc hết tốc lực để xác định nguyên nhân”, ông Jay Butler, Phó giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm của CDC, nói. Nhiều chuyên gia y tế nghĩ rằng, bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em liên quan đến một chủng virus tên là Adenovirus. Có tới 90% ca mắc viêm gan bí ẩn ở Mỹ phải nhập viện, trong đó 14% bệnh nhi phải ghép gan. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 2 tuổi và hầu hết đã hồi phục.
CDC đưa ra cảnh báo y tế từ cuối tháng 4, đề nghị các bác sĩ và giới chức y tế công tìm kiếm các trường hợp mắc bệnh tương tự, và bắt đầu xem xét lại các hồ sơ bệnh án kể từ ngày 1/10/2021. Theo CDC, các ca mắc bệnh không liên quan tới việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 vì phần lớn bệnh nhi quá nhỏ, không đủ điều kiện để tiêm loại vắc xin này, ông Butler nói.
Hơn 220 trẻ em mắc viêm gan không rõ nguyên nhân đã được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới, chủ yếu ở châu Âu và một số ở Đông Nam Á, Mỹ, Tây Thái Bình Dương.
Hơn một nửa số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Adenovirus 41 - một chủng virus liên quan bệnh viêm dạ dày-ruột. “Vì bệnh có mối liên kết với Adenovirus nên tôi coi đó là loại virus đứng đầu danh sách cần quan tâm. Nhưng chúng tôi không biết liệu chính Adenovirus là nguyên nhân gây ra các ca bệnh hay có phản ứng miễn dịch với dòng Adenovirus cụ thể này hay không”, ông Butler nói.
COVID-19 có liên quan gì?
Các chuyên gia cũng đang xem xét yếu tố môi trường. Cơ quan An ninh Y tế Anh đang tìm hiểu yếu tố đến từ loài chó vì dữ liệu cho thấy, 70% gia đình bệnh nhân có nuôi chó. Các giả thiết khác về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn bao gồm đồng nhiễm với một mầm bệnh khác như COVID-19, từng mắc COVID-19 khiến trẻ em dễ mắc viêm gan hơn… Adenovirus có thể đã phát triển thành một chủng mới hơn, nguy hiểm hơn. Adenovirus thường lây lan qua tiếp xúc gần gũi, các giọt đường hô hấp và các bề mặt.