Bệnh thành tích & cái giá phải trả

TP - Bệnh thành tích trong giáo dục, về bản chất chính là việc không coi trọng sự thực học, chỉ chạy theo điểm số và thành tích ảo. 

Còn nhớ phong trào “hai không” - Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục – đã được phát động và là hai mục tiêu lớn của ngành giáo dục từ cách đây hơn chục năm, năm 2006. Đáng buồn, đến nay tròn một chu kỳ 12 năm - một thế hệ học sinh đã ra trường, song cả “hai không” nói trên vẫn đang tồn tại dai dẳng trong nền giáo dục nước nhà.

Bệnh thành tích trong giáo dục, về bản chất chính là việc không coi trọng sự thực học, chỉ chạy theo điểm số và thành tích ảo. Hay nói cách khác, nhẹ là sự tự huyễn hoặc, nặng là sự thiếu trung thực, dối trá trong thi cử, trong thành tích dạy và học. Đáng báo động, căn bệnh kinh niên này đã trở thành phổ biến lâu nay, và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chuyện những lớp học tiểu học có tới 90 -100% học sinh giỏi là điều có thật. Chuyện bố mẹ chỉ hỏi hôm nay con được mấy điểm thay vì hỏi hôm nay học có gì hay, là câu cửa miệng của không ít các gia đình. Chuyện cả cô và trò đều diễn, cô yêu cầu cả lớp giơ tay, không biết cũng giơ tay, nhưng chỉ gọi các bạn học giỏi, trong giờ thao giảng là chuyện thường. Cũng vì bệnh thành tích, vì áp lực điểm số, vì học chỉ để thi, vấn nạn dạy thêm-học thêm ngày càng lan rộng. Cũng vì bệnh thành tích, mà tỉnh thành nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng chót vót 96-97%.

Hậu quả của căn bệnh thành tích trong giáo dục có thể không nhìn thấy ngay, nhưng sức tàn phá của nó rất nguy hại cho cả một nền giáo dục. Chúng ta sẽ đào tạo ra cho đất nước những công dân với chất lượng ra sao, một khi các em trĩu nặng căn bệnh thành tích trên vai, một khi kết quả học tập của các em là ảo, một khi học giả mà bằng thật ?

Nên nhớ rằng, để đánh giá chất lượng một nền giáo dục cần dựa trên số đông, tức đại đa số dân chúng. Đừng nhìn vào thành tích của một thiểu số rất nhỏ, các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, các HCV, HCB Olympic quốc tế mà đánh giá chất lượng cả nền giáo dục. Một xã hội có quy củ, nề nếp, văn minh hay không, phần nhiều do giáo dục mà nên. Giáo dục là một bộ phận của xã hội nên xã hội còn khuyết tật gì, giáo dục có khuyết tật đó. Nhưng, ở chiều ngược lại, xã hội cũng chính là bức tranh phản chiếu chất lượng một nền giáo dục. Cứ ra ngoài đường, nhìn cách hành xử, giao tiếp giữa các công dân trong xã hội, sẽ biết chất lượng giáo dục ra sao.

Giáo dục có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong xã hội. Chính vì vậy, căn bệnh thành tích mà nó mang trong mình bao năm qua, nhất định phải loại bỏ ! Bằng không, chính những công dân tương lai của chúng ta sẽ phải trả giá.

MỚI - NÓNG