Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhiễm phong - hàn đến khám tại phòng khám của khoa Y học cổ truyền Trường ĐH Y Dược TP. HCM tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đó. Biểu hiện của bệnh là ho, hắt hơi, sổ mũi kéo dài, đau mởi cứng gáy; thậm chí còn bị tê - liệt nửa mặt, liệt bên mắt...
Nhiều chứng bệnh
BS Nguyễn Thị Sơn, Phó khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, khí hậu có sáu loại khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người: phong (gió), hàn (lạnh), thử (nóng), thấp (ẩm ướt), táo (khô ráo), hỏa (nhiệt). Bất cứ khí nào quá mạnh (dân gian thường gọi là khi “trái gió trở trời”) cũng đều sẽ gây bệnh, đặc biệt nếu có kèm theo tình trạng chính khí kém (thể trạng, sức đề kháng suy yếu).
Cuối năm, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm tăng cao, kèm theo những đợt gió lùa, lạnh khiến cơ thể rất dễ bị nhiễm bệnh nếu không giữ đủ ấm. Các bệnh gây ra từ sự kết hợp của cả hai tà khí gió và lạnh được thầy thuốc Đông y gọi là chứng phong-hàn.
Phong-hàn có thể tấn công nhiều kinh mạch/bộ phận cơ thể khác nhau, gây ra nhiều chứng bệnh với biểu hiện, triệu chứng tương ứng khác nhau. Vì vậy, phong-hàn không phải là một bệnh mà bao gồm một nhóm các bệnh lý.
Theo BS Trần Văn Năm, nguyên Phó giám đốc Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, phong chỉ tình trạng bệnh diễn ra nhanh, đột ngột, ngứa ngoài da, có tính thay đổi và di chuyển. Hàn là tình trạng bệnh xảy ra do yếu tố lạnh từ môi trường bên ngoài hoặc cả từ bên trong cơ thể, tính chất bệnh nặng thêm khi tiếp xúc với lạnh và giảm đi khi chườm ấm, ăn uống nóng - ấm.
Phong hoặc hàn đều có thể gây bệnh cấp hoặc mạn tính. Nếu cấp tính, phong sẽ có các triệu chứng: cảm cúm (ho, đau họng, đau đầu, nghẹt mũi, hắt hơi, đau mỏi cơ khớp) kèm sợ gió, liệt đột ngột vận động (liệt nửa người, liệt mặt, sụp mi), đau cơ - khớp (đợt cấp của viêm khớp dạng thấp), bệnh ngoài da (mề đay, viêm da dị ứng), bất tỉnh (hôn mê)… Động kinh, liệt run (Parkinson), chàm, vảy nến… là các bệnh mạn tính bị ảnh hưởng bởi phong.
Ở mức độ cấp tính, hàn có các biểu hiện cụ thể như: sốt, ho, đau đầu, cứng vai - gáy, chảy mũi trong, đau họng, đau mỏi cơ bắp, sợ lạnh, tiêu chảy, đầy bụng, buồn nôn hoặc nôn. Hàn gây bệnh mạn tính với các triệu chứng như: đau quặn thắt, sờ vùng đau bị lạnh, rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, tiêu chảy với thức ăn sống lạnh), chứng Raynaud (co thắt các tiểu động mạch gây thiếu máu một bộ phận của cơ thể do tiếp xúc với lạnh), phù, mềm, ấn lõm…
Theo Tây y, có thể phân các chứng bệnh phong-hàn theo từng biểu hiện cụ thể như sau: đau đầu, ho, nuốt đau, chảy mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi, đau mỏi vai gáy tương ứng với căn bệnh viêm đường hô hấp trên do vi rút (viêm mũi - xoang, viêm họng, viêm phế quản).
Liệt mặt ngoại biên (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên) có triệu chứng đột nhiên nhắm mắt không kín, đau tai, miệng lệch khi nói (hoặc cười), ăn uống bị đổ, chảy nước khi đánh răng. Bệnh sụp mi (liệt dây thần kinh số 3) thường xuất hiện một bên, khó mở mắt, nhìn song thị, đau đầu, sợ gió, lạnh.
Khi da xuất hiện từng mảng cao hơn mặt da hoặc mụn đỏ, ngứa nhiều khi tiếp xúc với lạnh hay gió thì gọi là bệnh dị ứng (hoặc mề đay), bệnh thường có liên quan đến nguồn thực phẩm đưa vào cơ thể. Các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn hoặc buồn nôn, tay chân lạnh xuất hiện cho thấy bạn bị rối loạn tiêu hóa hoặc nhiễm độc thức ăn.
Một chứng phong-hàn khác cũng thường gặp là sự tái phát của bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gout (thống phong) với biểu hiện các khớp đau nhiều, cứng các khớp - ngón tay vào buổi sáng, sợ lạnh, sợ gió, đi lại khó khăn, khớp đau nhưng không đỏ.
Phòng ngừa sao cho hiệu quả?
Chứng phong-hàn thường xảy ra trên cơ thể có chính khí kém, sức đề kháng suy giảm; đặc biệt là những người cao tuổi có kèm bệnh mạn tính (cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, thừa cân - béo phì). Tuy nhiên, người khỏe mạnh không nên chủ quan vì nếu trúng hàn tà, phong tà quá mạnh thì vẫn có thể bị nhiễm phong-hàn.
Để điều trị phong-hàn, thầy thuốc Đông y có nhiều cách. Tùy từng trường hợp cụ thể, người bệnh sẽ được kê đơn Đông dược để đẩy hàn tà ra khỏi cơ thể, cách khác là nâng chính khí của cơ thể lên hoặc kết hợp cả hai.
Những trường hợp bị liệt dây thần kinh số 3, số 7 sẽ cần phối hợp thêm biện pháp châm cứu. Nếu ở mức độ nhẹ, chính khí tốt, người bệnh chỉ cần sử dụng những loại thực phẩm có vị thuốc quen thuộc hàng ngày như kinh giới, tía tô, rau má, gừng… để đẩy tà khí ra khỏi cơ thể.
Hiểu biết về bệnh và thực hành các biện pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để không bị nhiễm bệnh phong-hàn. BS Nguyễn Thị Sơn khuyến cáo: "Mọi người không tiếp xúc với khí lạnh đột ngột; trước khi bước ra ngoài gió lạnh nên xoa nhẹ mặt, tay chân; giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các bộ phận ngực, cổ, chân, tay, đồng thời tránh nơi gió lùa vào những ngày thời tiết thay đổi.
Hạn chế thức ăn sống lạnh, bổ sung các loại rau có vị thuốc như gừng, tỏi, tía tô, kinh giới… vào các bữa ăn. Giữ cho chính khí tốt bằng cách tập thể dục thường xuyên, uống nước (nước ấm) và ngủ đủ giờ. Nếu mắc phải những bệnh mạn tính, cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
Những ngày cuối năm thường có nhiều lễ hội, liên hoan kéo theo tình trạng uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều. Đây chính là những tác nhân làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ nhiễm bệnh phong-hàn nên cần phải tiết giảm tối đa".
Theo BS Trần Văn Năm, nếu có hiểu biết về huyệt đạo, nên duy trì việc xoa bóp, day nắn hoặc cứu ấm một số huyệt có tác dụng tăng sức đề kháng như: túc tam lý, khúc trì, hợp cốc, phong trì, phong môn, phong long, ngoại quan, phong thị, quan nguyên, khí hải…