Đây là 2 bệnh hô hấp rất thường gặp. Trên thế giới ghi nhận khoảng 63,6 triệu người có dấu hiệu phổi tắc nghẽn mạn tính và 234,9 triệu người có biểu hiện hen phế quản. Hai bệnh này có nhiều điểm tương đồng, nên dễ bị chẩn đoán nhầm.
Phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường thở do các phần tử và khí độc làm tắc nghẽn đường thở kéo dài, không hồi phục, tiến triển nặng theo thời gian. Bệnh có thể dự phòng được. Trong khi hen phế quản là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính, gây phù nề, tăng tiết, co thắt cơ trơn phế quản. Cơn khó thở thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng.
Phổi tắc nghẽn thường xảy ra ở tuổi trên 40. Triệu chứng của bệnh luôn tồn tại ngay cả khi người bệnh đã hoàn toàn ổn định. Trong khi hen phế quản xảy ra khi còn nhỏ, chỉ một số trường hợp mắc ở tuổi trưởng thành. Triệu chứng chỉ xuất hiện từng lúc, giữa các cơn hen bệnh nhân thường không bị triệu chứng gì.
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh phổi tắc nghẽn là thuốc lá, chỉ vài trường hợp do môi trường ô nhiễm bụi khói, hóa chất. Còn bệnh hen có thể do nhiều yếu tố kích thích như bụi khói, phấn hoa, lông vật nuôi, thời tiết thay đổi, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản.
Câu lạc bộ Bệnh nhân Hô hấp - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức chương trình tư vấn “Hướng dẫn sử dụng đúng cách dụng cụ hít cho người bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)”. Chương trình diễn ra sáng 16/11 tại Giảng đường A, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, 215 Hồng Bàng, quận 5. Điện thoại đăng ký tham dự miễn phí: (08) 39525353 - 54051010 (giờ hành chính).
Những bệnh nhân đã trang bị sẵn dụng cụ hít có thể mang đến để được các chuyên gia hướng dẫn sử dụng trực tiếp và giải đáp thắc mắc liên quan.
Theo Thi Trân