Bệnh nhân trẻ và tương lai

Bệnh nhân trẻ và tương lai
TP - Bệnh nhân trẻ như tôi đang điều trị tại bệnh viện này không ít. Ngoài tôi, anh Mạnh, anh Duyên, còn có Dũng và Quý. Dũng và Quý ít tuổi nhất trong hội. Quý năm nay mười sáu tuổi còn Dũng mười bảy. Cả hai đang học cấp ba thì bị bệnh.

>> Kỳ 10: Ra đi bất ngờ trong đêm

Bệnh nhân trẻ và tương lai ảnh 1
Nguyễn Văn Toán (bên phải) tặng hoa chúc mừng Báo Tiền Phong. Ảnh: Hải Yến

Còn nước còn tát

Trong số những anh em trong hội chơi với nhau, có lẽ Quý là người để lại ấn tượng nhiều nhất cho bác sĩ. Quý bắt đầu nhập viện lúc giáp tết. Em nằm ngay cạnh phòng tôi, khi đó tôi đang phải khổ sở với việc hậu môn bị lở, loét, đau nhức nên cả ngày đều nằm trên giường không đi ra khỏi phòng được.

Phòng tôi và phòng Quý nằm được ngăn cách nhau bởi một tấm nhựa mỏng, nhưng có một chỗ bị mất lớp sơn bên ngoài, nên người ở hai phòng vẫn nhìn thấy nhau.

Lúc mới nhập viện, trông Quý khỏe và có thể tự đi lại được. Nhưng chỉ ít ngày sau đã thấy em nằm bất tỉnh, xung quanh là máy thở oxy, máy trợ tim.

Có ngày, Quý cấp cứu tới hai, ba lần. Sau đó, bụng Quý phình to như hồi đợt điều trị đầu tiên tôi bị đau bụng đi ngoài vậy. Đó là do hạch trong ổ bụng của em bị vỡ và bác sĩ đã phải dùng kim để hút dịch ra.

Nằm ở phòng bên này, tôi quan sát rất rõ việc đó. Bác sĩ Khánh dùng tay nắn bụng em rồi cắm kim trực tiếp vào bụng, chỗ bên hông ngay ở dưới mạng sườn một đoạn ngắn.

Đầu còn lại được nối với sợi dây truyền dịch, nước trong bụng em chảy qua cây kim, rồi ống dây truyền ra ngoài là một thứ nước màu vàng nhạt. Nhờ vậy mà bụng em mới xẹp xuống một chút.

Càng ngày, bệnh của Quý càng nguy kịch. Bác sĩ dường như đã hết cách. Tôi thấy bố em vừa khóc vừa gọi điện thoại cho mọi người để chuẩn bị đưa em về nhà.

Thế rồi vào phút cuối, gia đình em lại quyết định giữ Quý ở lại bệnh viện để các bác sĩ truyền hóa chất với hy vọng “Còn nước, còn tát”.

Thật bất ngờ, từ khi truyền hóa chất, cơ thể Quý dần dần hồi lại. Mấy ngày sau, em có thể ngồi dậy và ăn cơm. Bây giờ, vẫn phải điều trị nhưng trông em khỏe mạnh và rất đẹp trai.

Chuyện tương lai

Vào những buổi chiều mát, mấy bệnh nhân trẻ chúng tôi thường đi dạo quanh Bệnh viện Bạch Mai rồi đến Bệnh viện Việt - Nhật. Đi đến đâu, chúng tôi cũng bị mọi người để ý đến vì chúng tôi có kiểu tóc không bình thường.

Sau những lần đi dạo cùng nhau như vậy, chúng tôi cảm thấy rất vui và hiểu nhau hơn. Tôi nhận ra rằng, cuộc sống bên ngoài bệnh viện thật nhộn nhịp, thật sôi động, khiến tôi thấy hy vọng vào tương lai sau khi tôi điều trị bệnh xong.

Nói đến tương lai, tôi lại phải suy nghĩ. Tương lai rồi sẽ ra sao đối với tôi và những người bạn tôi - những con người không may mắc phải căn bệnh này?

Tôi đã nghỉ gần một năm để điều trị bệnh. Không biết năm học sắp tới đây, tôi có thể theo học tiếp được không? Những bệnh nhân cùng chữa bệnh với tôi và cả những người trong gia đình tôi nữa, họ đều khuyên tôi nên tiếp tục nghỉ học, cho đến khi khỏe hẳn.

Nếu phải nghỉ học sẽ là một sự thiệt thòi rất lớn đối với tôi. Bốn năm hoặc năm năm nữa, các bạn tôi hầu hết đều đã có tấm bằng đại học nhưng, quan trọng là, họ được sống và trải qua thời sinh viên với rất nhiều kỉ niệm đẹp, những kỉ niệm đáng nhớ. Tương lai rồi sẽ rất rộng rãi đối với họ.

Còn tôi? Chẳng lẽ những ngày tháng còn lại, tôi phải sống trong sự nhàm chán? Tôi sống mà không có được tự do bởi vì căn bệnh quái ác này đang chế ngự cuộc sống của tôi.

Và tôi sẽ phải tự hỏi: “Tôi đã chuẩn bị được những gì cho cái ngày tồi tệ ấy? Đó là ngày mà căn bệnh này sẽ quay lại tìm tôi. Liệu đó có phải là số phận của tôi không?”.

Không, tôi không tin. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng quyết không cam chịu. Năm nay, tôi mười chín tuổi. Tôi sẽ còn làm được rất nhiều việc. Học đại học không phải là con đường duy nhất để có thể bước vào đời và khẳng định mình.

Đúng vậy, sau khi điều trị xong, nghỉ ngơi một thời gian nữa cho lại sức, tôi sẽ theo học ngoại ngữ, học về kinh tế hay bất cứ lĩnh vực nào mà tôi cho là phù hợp với mình. Như vậy, gia đình tôi cũng bớt lo lắng cho tôi.

Cũng có lần tôi và anh Duyên nói chuyện với nhau về chủ đề: “Làm gì sau khi được ra viện?”. Tôi hỏi anh:

- Anh Duyên này, hết đợt điều trị này là anh được đi khám định kì. Vậy sắp tới anh sẽ làm gì?

Ngập ngừng một lát rồi anh trả lời:

- Anh cũng chưa biết nữa. Nếu khỏe thì anh sẽ học tiếp năm học cuối để lấy bằng đại học và đi làm. Nếu không, anh sẽ ở nhà và mở quán Internet.

- Em tưởng nếu anh không học nữa thì anh sẽ lấy vợ?

- Lấy vợ? Lấy ai? Mà ai thèm lấy mình? Lấy vợ để dẫn nhau vào viện ở à?

Tôi vội giải thích:

- Thì em cũng chỉ đùa thế thôi. Mà anh có vẻ bi quan quá. Phải lạc quan lên chứ.

- Vậy còn em thì sao?

- Chắc là em sẽ không học đại học nữa. Với lại nếu vừa mới chữa bệnh xong mà đã đi học luôn thì em sợ sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Em không muốn mọi người phải lo lắng nhiều cho mình. Thế anh mong được bao nhiêu năm thì căn bệnh của mình mới tái phát?

Anh Duyên thở dài, suy nghĩ rồi nói:

- Năm năm là đủ lắm rồi. Trong thời gian đó mình cũng làm được khá nhiều việc rồi.

- Em cũng mong được như vậy. Hy vọng đến lúc đó y học có thuốc đặc trị căn bệnh này.

Năm năm ư? Liệu tôi có tham lam quá không nhỉ? Tôi nghĩ là so với những gì chúng tôi đã phải trải qua trong quá trình điều trị bệnh thì chúng tôi xứng đáng được hưởng như vậy.

Kỳ sau: Chuyện thầy cúng và thử thách cuối cùng

Tiền Phong tiếp thêm sức mạnh để tôi phấn đấu

Sáng qua, Nguyễn Văn Toán đến Tòa soạn Báo Tiền Phong tặng hoa nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Toán cho biết, vừa đi khám định kỳ tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, kết quả tốt. Sức khỏe Toán đang ổn định. Tháng 10 này, Toán sẽ trở lại trường Đại học Thủy lợi, tiếp tục là sinh viên năm thứ nhất của trường.

Tại buổi gặp, anh Lê Xuân Sơn, Phó tổng Biên tập Báo Tiền Phong nói: “Những bài viết của Toán đăng trên Tiền Phong có tính nhân văn và giáo dục cao, được nhiều bạn đọc trẻ đón nhận và chia sẻ...”. 

Toán cảm ơn Báo Tiền Phong đã đồng cảm và chia sẻ khi trích đăng loạt bài từ tự truyện của Toán.

“Qua báo, nhiều độc giả gọi điện, viết thư chia sẻ, động viên tôi, các thầy cô trường Đại học Thủy lợi về thăm nhà và tạo điều kiện cho tôi trở lại trường học theo nguyện vọng. Từ Báo Tiền Phong, tôi có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu”, Toán nói.  

MỚI - NÓNG