Bệnh nhân suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việt Nam có 350 đơn vị chạy thận nhân tạo với nguồn nhân lực 3.500 nhân viên y tế, số máy chạy thận nhân tạo là hơn 5.500 máy nhưng đang thực hiện lọc máu cho khoảng 33.000 bệnh nhân. Đáng chú ý, bệnh nhân suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa.

Thông tin trên được TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam cho biết tại Hội nghị Khoa học lần thứ II của Hội Lọc máu Việt Nam vừa diễn ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Số người đã ghép thận ở Việt Nam hiện nay là hơn 4500 người. Nhu cầu được ghép thận dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo, đặt ra nhiều thách thức cho ngành lọc máu ở Việt Nam.

Tại hội nghị, các báo cáo viên mang đến nhiều nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao trong điều trị, kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân phải lọc máu. Nhiều phương pháp lọc máu mới, thay đổi trong quy trình lọc máu, cũng đã được giới thiệu. Các chuyên gia quốc tế đến từ các nền y học phát triển cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, các giải pháp hiệu quả trong điều trị bệnh nhân phải lọc máu.

Bệnh nhân suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa ảnh 1

Các chuyên gia cũng chỉ ra thực tế, với số bệnh nhân suy thận cần lọc máu quá lớn đã xảy ra tình trạng trang thiết bị cho lọc máu còn thiếu, quá tải ở một số đơn vị chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân phải chia ca, thậm chí phải chạy thận ca đêm. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ lọc máu còn chậm thay thế, nhiều máy chạy thận nhân tạo có tuổi đời trên 10 năm.

Ngành lọc máu Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực Đông Nam Á và có bước phát triển mạnh mẽ tiếp cận với trình độ hiện đại của lọc máu thế giới điển hình với các kĩ thuật như lọc máu chu kì, thẩm tách siêu lọc máu bằng dịch bù trực tiếp (HDF online), hấp phụ máu... "Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng là thách thức không nhỏ cho ngành lọc máu Việt Nam", TS Dũng nói.

Hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh lí về thận ngày càng gia tăng, trong khi đó, nguy cơ mắc bệnh không phân biệt lứa tuổi và giới tính. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lí về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao. Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.

Nguy cơ bị bệnh thận có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên đến người lớn tuổi mà không phân biệt giới tính nam hay nữ. Đặc biệt, bệnh thận thường diễn tiến âm thầm, rất khó phát hiện khiến phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện đều đã đến giai đoạn nặng. Lúc này, cuộc sống của bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào máy lọc thận, với tần suất lọc thận 3 lần/tuần, và mất khoảng 4 tiếng/lần.

Hội nghị khoa học lần thứ 2 với chủ đề Lọc máu hiệu quả, với nhiều báo cáo của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ các nước như CHLB Đức, Australia, Thái Lan, Malaysia, Ai Cập, Philippines và các bệnh viện lớn trong toàn quốc như Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân đội 103, Bệnh viện Việt Đức..., giúp cập nhật, chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm điều trị, lọc máu với bệnh nhân suy thận, trong bối cảnh số bệnh nhân suy thận ngày càng gia tăng.

MỚI - NÓNG