> Sạt lở bãi vàng 'thổ phỉ': Chết nhiều, báo cáo chỉ 2
> Lào Cai: Lở núi ở bãi vàng chôn vùi hàng chục người
Đó là cách đá trách nhiệm ra xa, “lối đá” ưa thích của những “cầu thủ” kém cỏi. Cái sự sợ trách nhiệm ấy đã phát bệnh nặng, khi một số cán bộ dè dặt cung cấp thông tin để cùng báo chí làm sáng tỏ nghi vấn của dư luận địa phương. Họ còn thốt ra những lời khó nghe đại ý: bãi vàng thổ phỉ các phóng viên quan tâm làm gì.
Phóng viên Tiền Phong đã thâm nhập bãi vàng, chỉ ra sự khác nhau giữa phát ngôn - báo cáo của những người có trách nhiệm và thực tế ở thực địa cũng như tại gia đình các nạn nhân. Nhưng, báo chí cũng chỉ cung cấp thông tin và có trách nhiệm thúc đẩy, mọi sự sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp khi các nhà chức trách nhìn thấy trách nhiệm của mình trong sự tồn tại của bãi vàng “thổ phỉ”, trong những cái chết “đầy tranh cãi” của những phu vàng và cả những bãi vàng khác, người dân nơi khác đang đối diện nguy hiểm khi mùa mưa lũ về. Trong việc này, trách nhiệm của một số cán bộ gần thực địa nhất đã không được phát huy.
Từ việc này chắc sẽ khiến nhiều người nhớ những chuyện tương tự đã xảy ra. Báo chí từng nêu: Sợ ảnh hưởng danh hiệu làng văn hóa, một số cán bộ thôn xã đã che chắn, bảo kê cho mại dâm, ma túy tồn tại trên địa bàn bằng những báo cáo rất đẹp đẽ; Sợ cấp trên quở trách mà có người giấu nhẹm dịch bệnh, coi thường sức khỏe cộng đồng bằng những lý giải rất lòng vòng...
Xin kể một chuyện làm ví dụ. Một cô gái ở TP HCM mới đây gửi tâm thư lên cộng đồng mạng kể chuyện một phụ nữ sống cạnh nhà. Bà này mắc bệnh tâm thần thường bị chồng hành hạ. Cô gái chụp được ảnh bà bị đánh, báo tổ trưởng dân phố, đề nghị có biện pháp can thiệp. Tổ trưởng dân phố khoát tay “đừng làm to chuyện mà ảnh hưởng danh hiệu phường văn hóa”. Cô gái ấm ức về kể với bố (là cựu chiến binh). Nghe xong ông bố lên ngay trụ sở UBND phường đề nghị công an vào cuộc. Ông buộc phải đập bàn cảnh báo “không quan tâm việc này, tôi sẽ làm ầm lên”.
Thật sự khó hiểu cho cách làm của một số người có trách nhiệm khi bưng bít thông tin, từ chối sự thật vì những mục đích cỏn con, hão huyền. Càng khó đo đếm được thiệt hại mà cộng đồng phải chịu từ quyết định của một số cán bộ sợ trách nhiệm.
Trở lại chuyện những phu vàng vừa tử nạn! Những người báo cáo sai sự thật có thể vì những lý do sau: Không biết (hoặc không quan tâm) sự tồn tại của bãi vàng “thổ phỉ”; Không tiếp nhận thông tin sạt lở, không cứu hộ khi xảy ra sự cố... Cố tình giảm số người chết trong báo cáo là muốn làm nhẹ tội, làm loãng sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của người dân...?
Khoảng trống trách nhiệm trở nên bao la trong chuyện này khi nó đã thành trọng bệnh. Bệnh vô cảm!
Cần phải có biện pháp mạnh với những “con bệnh vô cảm”, tránh lây lan ra cộng đồng. Phải bịt lỗ hổng trách nhiệm, càng sớm càng có lợi cho dân.